Theo đó, thứ hạng này của EVN tương xứng với hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được nâng lên hôm 15/5 vừa qua.
Để đạt được mức tín nhiệm này, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, bởi EVN đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam nói chung, EVN có tình hình tài chính tốt. Bên cạnh đó, những hỗ trợ từ Chính phủ cho EVN rất nhiều và chặt chẽ nên trên cơ sở đó, Fitch Ratings đã đánh giá xếp hạng EVN ở mức BB.
“Mức tín nhiệm tích cực này giúp EVN phát hành trái phiếu quốc tế, đa dạng hóa nguồn vốn, và là một sự đảm bảo cho các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế. Nay chúng tôi đã có cơ sở vững chắc hơn để có thể huy động vốn đầu tư các dự án điện, tăng khả năng cung ứng điện cho khách hàng tại Việt Nam”, ông Tri nói.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết EVN là tập đoàn kinh tế đầu tiên của Việt Nam tiếp cận với Fitch và yêu cầu Fitch xếp hạng tín nhiệm - (Ảnh: Hồng Vân)
|
Đáng nói, Phó Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh, mức tín nhiệm này là điều kiện rất thuận lợi cho EVN để vay vốn trên thị trường quốc tế và không cần bảo lãnh của Chính phủ, đây mới là điều quan trọng nhất.
Để đạt được điều này, EVN phải hoạt động trên nền tảng quốc tế mà Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hỗ trợ trong suốt 20 năm qua.
Bên cạnh đó, đại diện EVN cho hay, khi EVN thấy nếu không tự xếp hạng tín nhiệm để huy động vốn trong nước và quốc tế thì việc huy động vốn sắp tới sẽ gặp khó khăn khi Chính phủ không thể bảo lãnh mãi được.
“Chúng tôi biết mình phải tự vươn lên huy động vốn, phải tự đáp ứng các nhu cầu đầu tư 6-7 tỷ USD/năm cho nên chúng tôi đã làm việc với WB và đề nghị tổ chức hội chợ kỹ thuật để cùng EVN làm việc với các tổ chức xếp hạng quốc tế và sau đó EVN đã quyết định chọn Fitch để tổ chức xếp hạng tín nhiệm”, ông Tri cho hay.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Tri cho biết, sang năm, EVN có thể chọn thêm một tổ chức tín nhiệm nữa để được 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
“Nếu một tổ chức xếp hạng tín nhiệm thì EVN chỉ có thể huy động vốn ở châu Á, châu Âu được thôi, còn nếu muốn huy động vốn ở thị trường thế giới thì ít nhất phải có 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm để các nhà đầu tư tin tưởng xếp hạng đó có độ tin cậy cao”, Phó Tổng Giám đốc EVN giải thích.
Để giữ được những điều này, chỉ tiêu tài chính của EVN cần bảo đảm tiếp tục ổn định ở mức cao như hiện nay. Công tác quản trị của EVN cũng phải luôn đổi mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đồng tình với đó, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho biết, EVN là tập đoàn kinh tế đầu tiên của Việt Nam tiếp cận với Fitch và yêu cầu Fitch xếp hạng tín nhiệm.
“Điều này thể hiện được rằng EVN sẵn sàng minh bạch hơn, sẵn sàng với luật chơi quốc tế. Và như vậy thì câu chuyện về huy động vốn, kêu gọi đầu tư từ nước ngoài cũng như trong nước của EVN sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Lực nhận định.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng mức tín nhiệm này cũng thể hiện được rằng doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam cũng đang phấn đấu để minh bạch hơn. “Đây là động thái rất đáng khuyến khích và những tập đoàn khác cũng nên coi đó là động thái tiên phong để phát huy trong thời gian tới”, ông Lực nói thêm.