'Liệu cơm gắp mắm' trong kéo giảm tiền điện

Thời sinh viên xa nhà, tôi chọn ở ký túc xá vì bảo đảm an ninh. Chi phí cha mẹ ở quê chu cấp chỉ tương đối đủ xài nên tôi đành "liệu cơm gắp mắm" mọi thứ. Tiết kiệm chi tiêu luôn là điều tôi luôn suy nghĩ, quan tâm hàng đầu trong nhiều thứ phải lo.

Vào ký túc xá, tôi rời bỏ tính vô tư, vô ưu, bắt đầu đong đếm tiền nhà, tiền điện, tiền nước. Tôi vẫn nhớ trong tờ thông báo nội quy dán trong bảng tin ở ký túc xá, có nhấn mạnh: "Trong cuộc sống hiện đại, tình trạng thiếu hụt nguồn năng lượng và môi trường ô nhiễm đang ngày càng trở thành mối quan tâm của xã hội. Vì vậy tiết kiệm điện là một vấn đề quan trọng và cấp thiết. Mỗi cá nhân, tập thể phải có trách nhiệm và biết cách sử dụng điện một cách thông minh và hiệu quả, nhằm giảm tiêu thụ điện và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn năng lượng…".

Dù thời gian trôi qua, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm khi cả phòng cùng đoàn kết tiết kiệm điện

Đọc thông báo này càng thêm động lực để tôi làm gì cũng dặn lòng: mình phải tiết kiệm điện ngay từ khi bắt đầu cuộc sống sinh viên.

Tất nhiên, khi đi vào thực hiện vẫn có những lời phàn nàn vì không phải ai cũng có hoàn cảnh giống mình. Sống ở môi trường tập thể, tôi còn phải ở chung với ít nhất bốn đến năm người nữa để chia sẻ tiền phòng, phải học cách dung hòa, làm quen và chung sống với nhau là không hề đơn giản.

Anh Nhân lâu nay quen sống trong cảnh đầy đủ tiện nghi, thường tỏ ra khó chịu khi mỗi lần về phòng thấy tôi chỉ bật một bóng điện, thay vì bật hết ba bóng điện dài. Điều đó vừa tốn điện năng vừa gây chói mắt, ảnh hưởng đến việc học bài của chúng tôi.

Trong phòng, có lẽ Thanh là người sống tiết kiệm nhất, ngang ngửa tôi. Thanh đã đề nghị cho thay bóng điện dài, vì Thanh nghĩ bóng điện chữ U đã đủ để chiếu sáng căn phòng.

Thế là tôi có thêm bạn đồng hành trong cuộc "đấu tranh" tiết kiệm điện. Cứ mỗi khi thấy có ai đó tắm hoặc đi vệ sinh xong mà quên tắt điện nhà tắm là tôi và Thanh đều nhanh chóng phi xuống, tắt xong rồi mới yên tâm quay trở lại giường để học bài tiếp.

Hằng tuần, chúng tôi đều có một cuộc họp nho nhỏ để góp ý cho nhau về mọi vấn đề trong phòng, trong đó có nội dung tiết kiệm điện.

Thói quen tiết kiệm điện một cách tối đa đó dần dần cũng đã được cả phòng ủng hộ. Anh Nam quê ở Bình Phước cũng học được một số bí kíp tiết kiệm điện rồi chia sẻ cho cả phòng, trong đó cứ nhắc nhở mãi việc rút thiết bị sạc pin đã đầy ra khỏi ổ cắm điện. Như vậy, vừa tiết kiệm điện vừa giữ pin được bền, nhất là điện thoại hay máy tính xách tay - những thiết bị có thể tiêu tốn nhiều lượng điện năng.

Bảng nội quy phòng ở ký túc xá ghi cụ thể nội dung tiết kiệm điện

Dần dần, chính sách tiết kiệm điện của chúng tôi đã có kết quả rõ rệt. Anh Nhân từ một người không biết tiết kiệm, xài nước phung phí giờ đã biết tiết kiệm điện hơn. Ngày chia tay chúng tôi, anh cứ nhắc hoài về những kỷ niệm khi tôi nhắc anh từng chút một về việc phải tắt điện khi ra khỏi phòng, ban ngày thì nên tận dụng ánh sáng ngoài trời, không nên bật điện…

Dù thời gian trôi qua, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên được những kỷ niệm khi cả phòng ở ký túc xá cùng đoàn kết tiết kiệm điện. Dù có những vui buồn, tranh cãi, nhưng tất cả đều đã thấu hiểu cho nhau. Tôi còn rút ra bài học, khi làm bất cứ việc gì, nếu không đồng lòng thì khó có thể thực hiện tốt được.

Với tôi, những ngày ở ký túc xá như là một khóa huấn luyện đặc biệt để rồi qua hết bốn năm đại học, chúng tôi trở nên hoàn chỉnh hơn trong suy nghĩ, hành động. Hơn hết, ngoài những kỹ năng sống tôi học được lúc ở ký túc xá, tôi còn có những chiến hữu - các bạn là những tri kỷ, để mỗi khi nhớ về thời sinh viên, chúng tôi cứ nhớ mãi những kỷ niệm xoay quanh chuyện tiết kiệm điện thành thói quen một thời tuổi trẻ.

Link gốc


  • 29/07/2024 04:18
  • Theo thanhnien.vn
  • 3952