Lịch sử bất kỳ ngành, nghề nào cũng ghi dấu những bước gian lao, đầy thử thách. Với những lớp thế hệ công nhân ngành Điện, nhìn từ bước tiến lên hôm nay của ngành nghề mình theo đuổi, gắn bó chắc hẳn ai cũng đầy xúc động và tự hào về một thời đã qua, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống ngành Điện.
Hôm nay, đứng trước sự phát triển không ngừng của toàn ngành, khi Thủ đô tràn ngập ánh sáng với các công trình thuỷ điện, nhà máy điện mới liên tục ra đời, chúng tôi - những “chiến sĩ” diesel một thời không khỏi cảm xúc bùi ngùi. Hơn 150 công nhân diesel ngày ấy đã lập thành Hội điện Diesel, vẫn thường xuyên thăm hỏi động viên nhau, cùng nhau ôn lại những kỉ niệm của một thời không thể nào quên…
Ngược dòng thời gian, những năm 1964 – 1966, chiến dịch leo thang phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ bùng nổ, với phương châm “Sẵn sàng lưới điện phục vụ chiến đấu và sản xuất”, Đảng và Nhà nước đã lắp đặt từng trạm máy phát điện diesel công suất lớn từ 500 ÷ 4000 kVA và 22 trạm phát điện (phân hiệu Đ1 ÷ Đ22) trải rộng khắp nội, ngoại thành Hà Nội, thậm chí ra cả các tỉnh Hà Tây và Hoà Bình bấy giờ, nhằm tạo hệ thống lưới điện hoàn chỉnh phòng trường hợp bị địch đánh phá. Cũng thời kỳ ấy, những công nhân học sinh trường điện – mà sau này là những “người lính” vận hành máy phát điện diesel đã được nhận về Sở quản lý Phân phối điện khu vực I học tập và làm việc.
Năm 1967, trong tình thế không ít cơ sở công nghiệp miền Bắc bị tàn phá, trong đó trạm biến thế trung gian Đông Anh – trạm lớn nhất lúc đó cũng bị tàn phá ác liệt, nhóm công nhân điện khi ấy được lệnh phải bắt tay ngay vào nhiệm vụ "khẩn” đó là học tập, sửa chữa và vận hành máy phát điện cấp tốc và họ đã trở thành những công nhân vận hành ngay trong năm đó nhằm kịp thời phục vụ chiến đấu.
Nhân viên Nhà máy điện Yên Phụ. Ảnh sưu tầm
|
Mặc dù đây là thời điểm bắn phá ác liệt nhất của giặc Mỹ, lưới điện liên tục bị đánh phá, nhưng hệ thống điện nói chung, đặc biệt Thủ đô vẫn sáng nhờ sự hỗ trợ của hệ thống máy phát điện diesel. Nóng nực với những ụ đất bao quanh, tiếng máy inh tai nhức óc, thậm chí ngay cả khi máy bay địch ném bom, bắn phá quanh nhà máy, những công nhân các trạm phát điện diesel vẫn không rời vị trí, đảm bảo máy phát điện hoạt động 24/24 giờ.
Ngay cả khi quân và dân Thủ đô bắn trả pháo đầu bay B52 của Mỹ, lưới điện Nhà máy điện Yên Phụ bị sập, Hà Nội vẫn sáng đèn nhờ toàn bộ hệ thống các trạm phát điện diesel đứng vững vận hành, kiên cường phục vụ chiến đấu và sản xuất. Nếu có hỏng hóc vì bị ném bom, chỉ sau 1-2 ngày, những trạm phát điện diesel được nhanh chóng khắc phục rồi lại tiếp tục hoạt động và phát điện lên lưới. Trong đội ngũ những người “lính diesel” lúc đó đã có một chiến sĩ hy sinh trong trận đánh đầu tiên tại trạm Đ1-8, đó là anh Đào Văn Phương, quê Nam Hà, nhân viên vận hành của trạm bị trúng bom bi của giặc.
Vững vàng trong sản xuất, kiên cường trong chiến đấu, nhóm công nhân diesel thời kỳ đó đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - Trần Duy Hưng và lãnh đạo Bộ Công nghiệp kịp thời đến thăm hỏi, động viên ý chí chiến đấu của công nhân các trạm phát. Một số cá nhân xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ giữ vững dòng điện Thủ đô còn được Phó Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen.
Những nốt trầm lặng lẽ - “lính diesel” đã âm thầm giữ nguồn sáng cho Thủ đô – những chiến công không thể nào lãng quên cũng như khi nhắc tới cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc không thể quên những người con anh dũng đã hy sinh. Hành trình của những người “lính diesel” đi theo suốt những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sứ mệnh kéo dài đến năm 1985. Sau đó, những máy phát điện diesel được chuyển vào phục vụ miền Trung và chuẩn bị cho giai đoạn mới phát triển của ngành Điện. Từ ấy ở Hà Nội, người ta không còn thấy hình ảnh của “lính diesel” nữa. Những người năm ấy, bây giờ nhiều người tóc đã bạc, mắt đã mờ nhưng những ký ức về “lính diesel” thời máu lửa, có lẽ chẳng bao giờ phai…