Anh Hồ Thanh Hùng (áo cam) chụp ảnh lưu niệm với Đoàn công tác của Công đoàn Điện lực Việt Nam trước ngôi nhà mới - ảnh: Vĩnh Phúc
|
Trung tuần tháng 6/2012, sau 5 ngày ròng rã trên chặng đường hơn 1200km từ Cà Mau đến Bình Thuận, Đoàn công tác do ông Nguyễn Ngọc Bảo – Trưởng ban Chính sách- Pháp luật Công đoàn Điện lực Việt Nam làm trưởng đoàn, đã hoàn thành gắn biển cho 6 “Mái ấm Công đoàn”.
Những lần đi khảo sát trước đó, nhìn những căn nhà lá đơn sơ đã hư hỏng, xuống cấp mà gia đình các đồng nghiệp đang ở, chúng tôi thấy lòng mình se lại,… thậm chí có người không kìm được đã phải thốt lên “công nhân ngành Điện nghèo thế này sao!”… Một trường hợp điển hình là gia đình ông Trần Thanh Hộ. Nhà có 5 người, tất cả mọi chi phí sinh hoạt chỉ trông chờ vào đồng lương của ông bởi vợ không có việc làm, 2 con đang tuổi ăn học và người mẹ già 86 tuổi bệnh tật, đau ốm quanh năm.
Trước khi được “Mái ấm công đoàn” hỗ trợ xây dựng, cả gia đình ông sống trong một ngôi nhà “tiền chế khung sắt, hậu cây lá” ở ấp 3A, xã An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Dựng sát bờ sông An Trường, sau chưa đầy chục năm, ngôi nhà tạm bợ ấy bị sạt lở, lún sụt, đe dọa tính mạng cả gia đình. Ông Hộ buộc phải vay mượn tiền bạc mua một mảnh đất thổ cư gần đó nhưng không còn đủ lực dựng nhà. Nếu không có 50 triệu đồng hỗ trợ của Công đoàn Điện lực Việt Nam, chẳng biết đến khi nào gia đình ông mới có một nơi ở an toàn, ổn định…
Cũng như ông Hộ, nhưng hoàn cảnh gia đình ông Cô Văn Bình lại éo le hơn. 16 năm công tác trong Ngành, đồng lương của ông Bình là nguồn thu nhập chính của gia đình, vợ không có việc làm, các con còn nhỏ. Cách đây khoảng 2 năm, ông phát hiện bị bệnh thiếu máu não và tiểu đường mãn tính, phải điều trị trường kỳ. Cuộc sống cứ thiếu thốn, giật gấu vá vai nên gia đình ông vẫn phải ở nhờ nhà của mẹ già cũng khó khăn không kém. Đến nay, nhờ Chương trình “Mái ấm công đoàn”, người mẹ già của ông đã có thể an tâm về con cháu...
Còn anh Hồ Thanh Hùng dù mới 30 tuổi, nhưng đã có thâm niên công tác 10 năm trong Ngành. Anh là người cán bộ nhiệt tình, gương mẫu của Điện lực Châu Thành thuộc Công ty Điện lực Trà Vinh. Con anh mắc bệnh hiểm nghèo, 3 tuổi mà chưa biết nói, đi chưa vững. Cuộc sống của cháu được duy trì bằng sữa hoặc cháo loãng chứ không thể ăn cơm. Định kỳ hàng quý, anh lại đưa con vào Tp. HCM khám chữa bệnh rất tốn kém. Vợ anh phải ở nhà chăm sóc con, đều đặn mỗi ngày đưa cháu đến Trường khuyết tật Trà Vinh chữa bệnh bằng vật lý trị liệu. Mọi khoản tiết kiệm được đều đổ dồn lại thuốc thang cho con, nên kinh tế gia đình ngày càng khó khăn. Nhìn ngôi nhà mới kiên cố thay cho căn nhà lá tạm bợ của 2 vợ chồng, anh Hùng xúc động nói: “Nhờ có sự quan tâm giúp đỡ của Công đoàn Điện lực Việt Nam nên gia đình tôi mới có được ngôi nhà vững chãi như thế này. Đây là nguồn động viên lớn giúp gia đình tôi tiếp tục vượt khó vươn lên. Bản thân tôi sẽ luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Qua 5 ngày công tác, chúng tôi đã ghi nhận được những giá trị nhân văn cao đẹp từ Chương trình “Mái ấm Công đoàn”. Có trường hợp hai vợ chồng “mất đoàn kết” trầm trọng, thậm chí đã tính đến chuyện ly hôn bởi cuộc sống quá khó khăn, chỗ “chui ra chui vào” xập xệ nhưng cũng không có tiền sửa chữa. Nhận được hỗ trợ từ “Mái ấm Công đoàn”, 2 anh chị đã ca khúc “Kết đoàn”, anh còn đang phấn đấu theo học lớp đại học tại chức và là quần chúng tích cực được đi học lớp cảm tình Đảng.
Một gia đình khác đã phải vay ngân hàng 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Đã 15 năm mà khoản nợ này vẫn chưa trả xong! Được hỗ trợ của tập thể CNVCLĐ trong Đơn vị đóng góp, anh đã trả hết nợ ngân hàng và có ngôi nhà mới, 2 vợ chồng không nén nổi xúc động và bật khóc nức nở khi đón nhận quyết định trao tặng nhà từ chương trình “Mái ấm công đoàn” của tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Với tính nhân ái và tình đồng nghiệp sẻ chia trong ngành, những người làm công tác Công đoàn hy vọng, Chương trình Mái ấm công đoàn sẽ tiếp tục duy trì và ngày càng phát triển, để những người đồng nghiệp kém may mắn trong cuộc sống luôn được “An cư lạc nghiệp.”