“Cuộc chơi” dần minh bạch
Theo phân tích của Phó cục trưởng Cục điều tiết Điện lực - Đinh Thế Phúc, việc chào giá cạnh tranh trực tiếp của các đơn vị phát điện đã tạo sự minh bạch cho thị trường.
“Có thể nói, “cuộc chơi” trên VCGM đã được điều hành bởi chính thị trường, minh bạch và khách quan. Các đơn vị tham gia chào giá trực tiếp từng giờ, giá chào được cập nhật công khai minh bạch trên trang web của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) nên bất kỳ ai quan tâm cũng có thể truy cập để theo dõi thông tin” – ông Phúc nhấn mạnh.
Sự minh bạch của thị trường là động lực khuyến khích các nhà máy điện tham gia hiệu quả, góp phần đảm bảo nguồn cung cho hệ thống điện Quốc gia - Ảnh: Vũ Lam
|
Cũng chính vì chào giá công khai, nên các đơn vị bán điện đã có cơ hội để cạnh tranh công bằng, tìm cách gia tăng lợi nhuận cho mình thông qua các chiến lược chào giá hợp lý. Nhiều đơn vị phát điện, điển hình như các nhà máy của Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 1, 2… với những chiến lược chào giá khôn ngoan, đã hưởng lợi nhiều hơn thông qua VCGM.
Thực tế thông qua thị trường, giá bán điện đã thể hiện được rõ nét quan hệ cung – cầu. Bằng chứng là vào các giờ cao điểm, giá bán điện được chốt ở mức cao hơn nhiều so với các giờ thấp điểm. Đây cũng là một trong những cơ sở để Bộ Công Thương nghiên cứu, ban hành biểu giá bán lẻ điện tính theo giờ sử dụng.
Quan trọng hơn, theo quan điểm của ông Phúc, sự minh bạch, hiệu quả của thị trường chính là động lực khuyến khích các nhà máy tham gia, góp phần đảm bảo nguồn cung cho hệ thống điện quốc gia.
Thách thức còn nhiều…
Đồng quan điểm với ông Đinh Thế Phúc, cũng tại cuộc họp báo tháng 7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: VCGM sau một năm vận hành chính thức đã có nhiều tín hiệu khả quan. Thị trường đang ngày càng trở nên minh bạch và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, do đây là một thị trường hoàn toàn mới, nên bước đầu vận hành đã bộc lộ không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, một số đơn vị tham gia chào giá lần đầu còn lúng túng trong cách thức triển khai. Bên cạnh đó, do các nguyên nhân khách quan về thời tiết, mực nước hồ… dẫn tới công suất của một số nhà máy thủy điện không ổn định. Nhiều nhà máy phải thực hiện nhiệm vụ xả nước cho hạ du trong những thời điểm hạn hán, nên phải tiết giảm công suất, thậm chí là ngừng phát điện trong một số thời điểm dành nước để phát điện trong các giờ theo yêu cầu của lịch xả nước do Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) ấn định. Đối với các nhà máy tua bin khí, nguồn nhiên liệu không đủ và đôi khi không ổn định cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nhà máy khi tham gia thị trường…
Những khó khăn, bất cập trên buộc A0, trong một số trường hợp phải can thiệp vào thị trường nhằm đảm bảo ổn định của hệ thống. Bên cạnh đó, giới hạn của lưới truyền tải khiến nhiều thời điểm điều độ hệ thống vẫn phải huy động nguồn của các nhà máy có giá chào cao, phần nào ảnh hưởng đến yếu tố cạnh tranh của thị trường.
Thực tế này đòi hỏi Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các đơn vị tham gia VCGM cần phải nỗ lực “vừa làm vừa tìm giải pháp tháo gỡ” để VCGM tiếp tục được vận hành hiệu quả, tạo nền tảng cho sự hình thành một thị trường điện hoàn thiện.
Thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) tại Việt Nam:
- Vận hành chính thức: ngày 1/7/2012
- Hiện có 37 nhà máy chào giá trực tiếp (chiếm khoảng 37% số lượng đơn vị phát điện trong cả nước)
- Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) là đơn vị vận hành hệ thống và thị trường.
Vai trò của các đơn vị tham gia thị trường điện:
- Các nhà máy thủy điện đa mục tiêu: Không tham gia thị trường điện, A0 có trách nhiệm công bố biểu đồ công suất phát.
- Các nhà máy BOT: Không trực tiếp tham gia thị trường điện, đơn vị mua (Công ty mua bán điện) chào giá thay.
- Các nhà máy điện có công suất lớn hơn 30 MW: Trực tiếp tham gia thị trường điện, trước 10 giờ sáng hàng ngày chào giá bán cho ngày tiếp theo.
|