Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI): Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao năng suất lao động
Xác định nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp chính là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, EVNHANOI đã có nhiều giải pháp tích cực, quyết liệt trên mọi lĩnh vực hoạt động, với mục tiêu thực hiện thắng lợi chủ đề năm 2016 “Nâng cao năng lực quản trị trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”. Trong đó, Tổng công ty đặc biệt chú trọng công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tăng năng suất lao động.
Theo đó, năm 2016, EVN HANOI sẽ tiếp tục ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năng. Cụ thể, bắt đầu thực hiện sửa chữa, đấu nối điện hotline trên lưới 22kV trung tính trực tiếp nối đất (đối với các công trình thiết bị đã trang bị các phụ kiện hotline); mô hình trạm 110 kV không người trực; triển khai công nghệ vệ sinh sứ cách điện bằng nước áp lực cao không cắt điện đối với lưới điện 110 kV... Đặc biệt, trong năm 2016, EVNHANOI chính thức áp dụng rộng rãi chữ ký số trong cấp điện, nhằm giảm bớt thời gian đi lại trình duyệt nội bộ, thời gian đi lại của khách hàng và lưu vết giám sát trong các khâu dịch vụ; triển khai công tác khảo sát cấp điện bằng máy tính bảng.
Trong lĩnh vực quản lý, Tổng công ty cũng sẽ phân cấp cho các công ty điện lực chủ động hoàn toàn cấp điện cho khách hàng trung áp; tiếp tục rà soát, sửa đổi lại hệ thống quy trình liên quan đến đầu tư cấp điện theo hướng đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính... Định kỳ hàng quý, Tổng công ty sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả giải quyết khâu dịch vụ khách hàng, từ đó, nắm bắt, xử lý kịp thời các vấn đề còn tồn tại hoặc phát sinh.
Cũng trong năm 2016, EVNHANOI sẽ xây dựng quy chế trả lương 3P theo vị trí công việc, năng lực cá nhân và hiệu quả công việc dựa trên kết quả đánh giá KPI (Chỉ số đánh giá thực hiện công việc) hàng tháng/ quý/ năm. Việc đánh giá, khen thưởng cũng được thực hiện theo chỉ số này, từ đó tạo điều kiện để người lao động xây dựng lộ trình thăng tiến, phát triển nghề nghiệp của bản thân.
Năm 2016, Tổng công ty cũng tiến hành xây dựng hệ thống định mức, định biên lao động mới. Hệ thống định mức này phải đảm bảo yêu cầu tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Xây dựng bộ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, cấp bậc công việc cho từng công đoạn trong sản xuất kinh doanh từ đơn vị đến các công ty và Tổng công ty.
Ông Nguyễn Văn Hợp - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC): Công nghệ phải đi trước một bước
Không chỉ đến năm 2016 khi thực hiện chủ đề “Nâng cao năng lực quản trị trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, mà ngay từ năm 2015, EVN SPC đã tiến hành nhiều giải pháp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp như: Củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức; sửa đổi, ban hành các quy chế, quy định nội bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin...
Trên nền tảng đó, năm 2016, EVN SPC tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị cơ sở. Căn cứ vào khối lượng công việc thực tế, các đơn vị sẽ tổ chức, sắp xếp và bố trí lao động hợp lý; sử dụng lao động tiết kiệm và hạn chế việc tăng số lượng lao động. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được thực hiện trên cả 3 lĩnh vực: Kỹ năng, ý thức và kỉ luật.
Ngoài ra, EVN SPC cũng triển khai 18 đề án nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, Tổng công ty sẽ tiến hành cụ thể hóa các đề án này thành các cẩm nang, để người lao động nắm bắt, thực hiện.
Với phương châm "công nghệ đi trước một bước", EVNSPC tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp; quản lý đo ghi số liệu từ xa... Tính đến nay, toàn Tổng công ty đã có 1,1 triệu công tơ đo ghi từ xa, hơn 44.000 modem đo ghi từ xa tại các điểm đo ranh giới, bán điện cho các khách hàng lớn, kiểm soát được khoảng 60% tổng sản lượng điện tiêu thụ. Năm 2016, Tổng công ty sẽ cơ bản hoàn thành việc ứng dụng quản lý trên nền tảng GIS ở tất cả các công ty điện lực; thường xuyên nâng cấp các phần mềm phục vụ công tác quản lý như E-office, HRM, FMIS, CMIS...; sử dụng các thiết bị, máy móc nhằm giảm thời gian lao động như: Mở rộng dịch vụ cung cấp thẻ giao dịch ngân hàng miễn phí, áp dụng thanh toán điện tử đối với tất cả khách hàng ngoài mục đích sinh hoạt; giảm 20% dịch vụ bán lẻ điện năng thu lưu động thuộc điện lực quản lý so với năm 2015.
Tổng công ty cũng sẽ khởi công 3 công trình lưới điện 220 kV và 151 công trình lưới điện 110 kV (bao gồm 38 công trình chuyển tiếp từ năm 2015 và 113 công trình khởi công mới); tiến hành xóa đấu nối chữ T lưới điện 110 kV trước tháng 6/2016, góp phần nâng cao chất lượng điện năng.
Ông Vũ Ngọc Minh - Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT): Gắn kết quả thực hiện với trách nhiệm người đứng đầu
Hiện nay, Tổng công ty đã ban hành Bảng Tiêu chuẩn chấm điểm đối với các đơn vị thành viên, trong đó gắn kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động với kết quả hoàn thành nhiệm vụ và lương thưởng được lĩnh.
Đặc biệt, EVNNPT sẽ giao nhiệm vụ, chỉ tiêu đến từng đơn vị truyền tải điện khu vực, từng tổ, đội kèm theo cơ chế thưởng phạt cụ thể; gắn kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ với trách nhiệm người đứng đầu. Ngoài ra, Tổng công ty cũng sẽ nghiên cứu cơ chế trả lương và hình thức đãi ngộ phù hợp đối với lực lượng lao động chất lượng cao để thu hút được nguồn chất xám và xây dựng được đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực truyền tải điện.
Cùng với đó, EVNNPT đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực truyền tải điện như: Lưới điện thông minh, công nghệ điều khiển xa, trạm biếp áp không người trực, định vị sự cố, giám sát dầu online để nâng cao khả năng truyền tải, độ tin cậy, ổn định hệ thống truyền tải điện và nâng cao năng suất lao động... Dự kiến, trong năm 2016, EVNNPT sẽ triển khai 8 Trung tâm điều khiển từ xa với khả năng điều khiển xa 24 TBA; khôi phục công nghệ sửa chữa nóng trên lưới truyền tải 220-500 kV của 4 công ty truyền tải và ứng dụng thêm các công nghệ sửa chữa mới trên lưới truyền tải.
Đặc biệt, EVNNPT sẽ tăng cường quản lý chặt chất lượng đề án thiết kế và chất lượng thi công lắp đặt, thí nghiệm thiết bị và tổ chức nghiệm thu các công trình trạm biến áp và đường dây. Kiên quyết không cho phép đóng điện và không tiếp nhận những công trình không đủ tiêu chuẩn vận hành. Tổng công ty cũng sẽ thực hiện ứng dụng công nghệ tiên tiến như công nghệ GIS 3D và ảnh chụp hàng không trong khảo sát tuyến, ứng dụng phần mềm trong lập dự toán, qua đó nâng cao hiệu quả trong đầu tư, xây dựng...