Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Điện: Kinh nghiệm thế giới

Công nghiệp điện là một ngành có công nghệ cao, đòi hỏi phải có đội ngũ kỹ thuật viên và công nhân lành nghề. Do đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng suất lao động được nhiều tập đoàn năng lượng thế giới chú trọng.

Tính chuyên nghiệp cao
 
Tại một số nước phát triển, ngành điện luôn duy trì đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp có tay nghề cao. Những người này không nhất thiết phải được đào tạo chính quy, có bằng cấp khoa học, nhưng bù lại, họ có kinh nghiệm thực tiễn, có tay nghề chuyên môn cao, nắm vững quy trình công nghệ cơ bản và có nhiều ý tưởng sáng tạo, tìm tòi giải pháp rút gọn quy trình công nghệ, cải tiến kỹ thuật...
 
Còn ở Ấn Độ, để có được đội ngũ này, các công ty điện lực luôn chú trọng đến việc đào tạo nhân lực với tiêu chí cụ thể về thời gian đào tạo “ngắn hạn, chuyên sâu và thường xuyên”. Mặc dù mỗi năm Ấn Độ đều cho ra lò một số lượng lớn kỹ sư, kỹ thuật viên, nhưng khi bắt đầu vào làm việc trong ngành Điện, họ đều phải trải qua những khóa đào tạo chuyên sâu về công nghệ. Các chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn do Ủy ban Năng lượng Nguyên tử và Năng lượng thay thế của Pháp (CEA) soạn thảo. Thời gian đào tạo kéo dài từ 6 đến 12 tháng đối với các kỹ sư, các nhà khai thác, giám sát viên và kỹ thuật viên, tùy theo vị trí công tác của từng người. Đặc biệt, đối với các bộ phận quan trọng, tần suất đào tạo tiến hành thường xuyên hơn, nhằm cập nhật liên tục những kỹ năng, công nghệ tiên tiến.
 

Khi đặt chân vào thị trường nước ngoài, các công ty đa quốc gia thường sử dụng chính sách “địa phương hóa nguồn lực” (localization) - Ảnh sưu tầm

Tại Fuji Electric, một công ty điện tử lớn tại Nhật Bản, có nhiều chương trình đào tạo và phát triển cho nhân viên đang làm việc như, tổ chức các hội thảo, tập huấn kỹ thuật, kỹ năng quản lý, hợp tác nghiên cứu với các trường đại học trong nước và nước ngoài… “Mỗi năm, chúng tôi phân bổ các chỉ tiêu cho những nhân viên sắp được bổ nhiệm vị trí quản lý, được tham gia học tập, tham dự các hội thảo chuyển giao bí quyết công nghệ, các chương trình du học ngắn hạn cho lao động trẻ… Bên cạnh việc gửi nhân viên ra nước ngoài đào tạo, chúng tôi cũng mạnh dạn mời các chuyên gia kỹ thuật trong và nước ngoài về giảng dạy, bổ sung kiến thức và đào tạo nghề cho người lao động địa phương” - Ông Kenji Sakamoto, Trưởng phòng Kinh doanh toàn cầu Fuji Electric chia sẻ. 
 
Chương trình F-PRO là một sáng kiến độc quyền của Fuji Electric trong việc giúp nhân viên cùng nhau “phát triển nghề nghiệp trong tương lai”. Theo chương trình này, một kỹ sư tay nghề cao được chỉ định làm cố vấn (hoặc đối tác) để làm việc một ngày với một nhân viên mới nhằm hỗ trợ nhân viên này thích ứng với công việc, đồng thời thúc đẩy họ nỗ lực làm việc độc lập. Từ khi chương trình này ra đời, trung bình hàng năm có trên 1.700 nhân viên trưởng thành về trình độ chuyên môn, tay nghề, góp phần trẻ hóa đội ngũ thợ lành nghề của Công ty. 
 
Luôn chú trọng đào tạo kỹ năng mềm
 
Điều quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ là không chỉ cần tập trung nâng cao kỹ năng, tiếp thu công nghệ mới mà cần hướng dẫn người lao động sở hữu những kỹ năng mềm phù hợp với năng lực, rèn luyện thái độ, trách nhiệm của mỗi người trong phạm vi trách nhiệm được giao. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ chú trọng đào tạo chuyên môn, việc phát triển kỹ năng mềm đang bị bỏ quên trong hầu hết các đơn vị, dẫn đến kết quả là văn hóa ứng xử trong công việc kém, ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động. 
 
Một nghiên cứu năm 2007 của Trường kinh doanh Kellogg, Đại học Northwestern, Mỹ cho thấy, sáng chế kỹ thuật của cá nhân đã dần dần được thay thế bằng sáng chế của các nhóm nghiên cứu, đặc biệt là trong ngành Công nghiệp. Do vậy, kỹ năng mềm đóng một vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp xây dựng một đội ngũ nhân viên giỏi. 
 
"Ví dụ, khi thiết kế một máy biến áp cho đường dây tải điện cao áp, các công ty cần phải có một đội ngũ kỹ sư, chuyên gia, nhân viên hành chính… làm việc cùng nhau và có khả năng giao tiếp với khách hàng, các nhà thầu phụ, cơ quan quản lý… Điều gì sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng thành công của dự án nếu các thành viên trong nhóm không thể giao tiếp được với nhau, hoặc không biết cách chia sẻ trách nhiệm và chịu trách nhiệm trong làm việc nhóm?” Đó là ý kiến của Hiệp hội những người làm công tác đào tạo và phát triển Mỹ (ASTD) .
 
Thu hút, đào tạo, bồi dưỡng  tài năng trẻ
 
Thực tế cho thấy, sự thiếu hụt đội ngũ lao động vừa có chuyên môn cao, vừa phát triển tốt kỹ năng quản lý đã làm giảm năng suất và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp. Vì vậy, các công ty đã ra sức cạnh tranh, thu hút tài năng trẻ, dẫn tới chi phí dành để trả lương tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
 
Trong khi đó, ngành Điện trên thế giới vẫn thiếu sức thu hút đối với các tài năng  trẻ, mặc dù đây là một lĩnh vực có lương bổng tốt, có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp. 
 
Theo bà Nguyễn Tuệ Khanh, Giám đốc nhân sự GE (General Electric) Việt Nam: “Chính sách đào tạo “gà nòi” – những nhân sự quản lý thế hệ mới của GE rất rõ ràng, minh bạch: Không đặt ra bất cứ rào cản nào trong bước tiến của nhân viên. Điều quan trọng là năng lực và cách nhân viên trau dồi năng lực bản thân như thế nào. Khi đặt chân vào một thị trường nước ngoài, các công ty đa quốc gia thường sử dụng chính sách “địa phương hóa nguồn lực” (localization). Lợi thế lớn nhất của đội ngũ lãnh đạo người bản địa là sự hiểu biết sâu rộng về thị trường đó, cũng như khả năng gây dựng và duy trì quan hệ với các đối tác quan trọng cho sự phát triển tương lai của doanh nghiệp. GE cũng áp dụng chính sách này tại tất cả các nước họ hoạt động”.
 
Hiện nay, tại GE Việt Nam, tỷ lệ người Việt nắm giữ các chức vụ quản lý chủ chốt là gần như 100%. Ngoài ra, trên toàn cầu, GE đầu tư hơn 1 tỷ USD mỗi năm vào các hoạt động giáo dục và đào tạo, phản ánh cam kết của Tập đoàn trong việc phát triển đội ngũ lãnh đạo kế cận. Bên cạnh đó, GE cũng có những chương trình học bổng, tìm kiếm và đào tạo, nuôi dưỡng tài năng trẻ, những sinh viên mới ra trường, với hy vọng đây sẽ trở thành những nhân tố nòng cốt, đóng góp tích cực vào sự phát triển của các lĩnh vực công nghệ cao trong tương lai. 
 
 


  • 10/01/2016 03:38
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 6970


Gửi nhận xét