Nâng cao hiệu quả hợp tác điện nguyên tử Việt Nam-Hungary

Thăm Nhà máy điện hạt nhân Paks của Hungary, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị hai bên xem xét thành lập nhóm công tác để nghiên cứu biện pháp mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực điện nguyên tử.

Tiếp tục chương trình làm việc tại Hungary, chiều 29/7 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn cấp cao Việt Nam đã đến thăm Nhà máy Điện hạt nhân Paks.

Nhà máy Điện hạt nhân Paks là biểu tượng công nghiệp hóa ở Hungary trong thế kỷ XX. Nhà máy có quy mô lớn, vận hành an toàn và hiệu quả, đáp ứng phần lớn nhu cầu về điện của Hungary (năm 2012 đạt kỷ lục cung ứng 45,9% sản lượng điện của cả nước).

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham quan lò phản ứng hạt nhân không nạp nhiên liệu chuyên để phục vụ đào tạo nhân lực nguyên tử tại Nhà máy Paks - Ảnh: Từ Lương

Tháng 3/2009, Quốc hội Hungary đã thông qua quyết định mở rộng Nhà máy, xây thêm lò phản ứng với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD và xếp việc mở rộng Nhà máy Điện hạt nhân Paks ở mức “Dự án ưu tiên cao của nền kinh tế quốc gia” và thành lập Ủy ban Chính phủ về điện hạt nhân do Thủ tướng đứng đầu.

Theo Quốc vụ khanh phụ trách năng lượng nguyên tử Hungary Kovacs Pasl, ý nghĩa lớn nhất của việc xây dựng Nhà máy điện Paks là cung cấp giải pháp tối ưu đối với môi trường so với các loại nhà máy điện khác, do không thải ra khí carbon dioxide. Với 4 lò phản ứng, đây là trung tâm sản xuất nguồn năng lượng hạt nhân đầu tiên và duy nhất của Hungary, sản lượng chiếm 40% tổng nguồn năng lượng điện quốc gia. Năm 2012, 4 lò đã sản xuất 15.793 GWh điện năng.

Đánh giá cao kết quả các khóa đào tạo chuyên gia về lĩnh vực điện nguyên tử cho Việt Nam thời gian qua tại Hungary, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc các học viên Việt Nam có mặt và được hướng dẫn thực hành trực tiếp tại một nhà máy điện nguyên tử là rất bổ ích, góp phần nâng cao kiến thức thực tiễn cho các chuyên gia Việt Nam.

Phó Thủ tướng đề nghị hai bên xem xét, thành lập nhóm công tác để nghiên cứu biện pháp mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trên lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng tin tưởng với những kinh nghiệm học hỏi được từ các chuyên gia Hungary, mà đặc biệt là tại Nhà máy này, các học viên Việt Nam sau khi kết thúc khóa đào tạo, sẽ có những đóng góp thiết thực cho các dự án điện nguyên tử của Việt Nam, là lĩnh vực hiện nay hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam và cũng là lĩnh vực Việt Nam đang rất có nhu cầu.

 


  • 30/07/2013 09:42
  • Theo Chinhphu.vn
  • 3698


Gửi nhận xét