5 năm qua là giai đoạn hết sức khó khăn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Hệ thống điện chưa thực sự hoàn chỉnh, thiếu công suất nguồn và sản lượng điện, kinh doanh một số năm bị lỗ vì phải huy động nguồn điện giá thành cao để đáp ứng nhu cầu điện trong khi giá bán điện chưa được điều chỉnh kịp thời. Bộ máy tổ chức điều hành từ Tập đoàn đến các đơn vị có nhiều thay đổi cả về cơ cấu tổ chức và nhân sự...
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của CBCNV và người lao động, Tập đoàn đã vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đề ra, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và lần đầu tiên có nguồn dự phòng. EVN đã khẳng định là lực lượng nòng cốt giữ vai trò chủ đạo trong việc cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và đời sống nhân dân.
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN
|
Tập đoàn đã hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2015 và về cơ bản hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 cả về lượng và chất với những tiêu chí nổi bật:
Về lượng: Tập đoàn đã khẳng định vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm đủ điện và có dự phòng nguồn cho phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân.
Tập đoàn đã hoàn thành đưa vào phát điện 34 tổ máy với tổng công suất 9.852 MW, nâng tổng công suất đặt cả hệ thống lên 38.800 MW, trong đó các nguồn điện do EVN và các đơn vị sở hữu là 23.580 MW, chiếm 60,8% công suất đặt toàn hệ thống. Trong 5 năm qua, Tập đoàn đã đầu tư và đưa vào vận hành nguồn điện gần bằng tổng công suất nguồn điện đã đầu tư của cả giai đoạn trước năm 2010, hệ thống điện đã có dự phòng đạt trên 30%; Tổ máy 1 của TĐ Lai Châu phát điện trong năm 2015, hoàn thành sớm 3 tháng so với kế hoạch. Hệ thống lưới điện đã trải khắp các vùng miền và tạo các mạch vòng theo khu vực, khối lượng tăng tới 1,5 lần so với năm 2010.
Tập đoàn đã đáp ứng đủ điện cho đất nước với tổng lượng điện sản xuất và mua năm 2015 đạt gần 160 tỷ kWh, cao hơn 2,5 tỷ kWh so với kế hoạch và vượt hơn 4 tỷ kWh so với chỉ tiêu kế hoạch được giao. Điện thương phẩm cũng đạt gần 143,34 tỷ kWh, cao hơn kế hoạch 1,54 tỷ kWh và tăng 11,44% so với thực hiện năm 2014. Điện thương phẩm bình quân trên đầu người năm 2015 đạt 1.540 kWh/người (Tăng gần gấp đôi so với năm 2010), cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực như: Philippines 873,6 kWh/người, Indonesia 897,8 kWh/người...
Chúng ta đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật và quản trị để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng từ 10,15% năm 2010 xuống còn 8% năm 2015 theo đúng chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao. Sản lượng điện tiết kiệm hàng năm bằng 1,7 - 2,5% tổng sản lượng điện thương phẩm.
Tập đoàn đã đưa điện đến 99,8% số xã và 98,76% số hộ nông thôn trong cả nước, đã tiếp nhận bán điện trực tiếp 9/12 huyện đảo và đã đưa điện lưới quốc gia ra các huyện đảo Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Cát Bà, Kiên Hải… Việc triển khai Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg được thực hiện rất khẩn trương và quyết liệt.
Về chất: CBCNV Tập đoàn đã thực sự đổi mới tư duy trong sản xuất – kinh doanh điện năng, chuyển từ quan điểm phân phối điện sang dịch vụ khách hàng, lấy chất lượng dịch vụ, sự hài lòng của khách hàng làm thước đo hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh. Chúng ta đã bước đầu thực hiện cách tiếp cận tiên tiến của thế giới thông qua các chỉ tiêu đánh giá chất lượng dịch vụ khách hàng.
Độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng dịch vụ khách hàng của EVN ngày càng được nâng cao. Tính chung toàn EVN, tổng thời gian mất điện khách hàng bình quân SAIDI là 2.110 phút, giảm 35%, chỉ số tiếp cận điện năng giảm xuống chỉ còn 10 ngày và theo đánh giá của Doing Business, chỉ số này đã tăng 22 bậc so với năm 2014, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Công tác dịch vụ khách hàng đã trở thành nét văn hóa doanh nghiệp trong EVN. Tất cả 5 TCT Điện lực đã có Trung tâm Chăm sóc khách hàng, giải quyết kịp thời các kiến nghị của khách hàng, góp phần minh bạch hóa thông tin. Đơn vị tư vấn độc lập đã đánh giá độ hài lòng của khách hàng và kết quả độ hài lòng đã tăng hơn so với năm trước, năm 2015 đạt 7,5/10 điểm.
EVN khẳng định vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo đủ điện cho đất nước
|
Song song với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, với ý thức và trách nhiệm vì cộng đồng, Tập đoàn đã hoàn thành chương trình hỗ trợ 3 huyện nghèo là Phong Thổ, Tân Uyên và Than Uyên của tỉnh Lai Châu theo Chương trình 30a của Chính phủ với kinh phí gần 600 tỷ đồng, đưa tỷ lệ hộ dân có điện của 3 huyện từ dưới 30% lên 92%, hỗ trợ công tác an sinh xã hội, góp phần đưa các xã của 3 huyện thoát nghèo và phát triển bền vững. Đến hết năm 2015, nhờ sự cải tạo, đầu tư mới lưới điện của ngành Điện, đã có 85% số xã đạt tiêu chí số 4 là tiêu chí về điện trong 19 tiêu chí nông thôn mới. Tập đoàn đã hỗ trợ cho các địa phương nhiều công trình phúc lợi xã hội như trường học, cầu đường, y tế, nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lụt.
Tập đoàn đã cơ bản thực hiện xong việc tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, lập phương án cổ phần hóa các TCT phát điện, đặc biệt Tập đoàn đã thực hiện quyết liệt công tác tối ưu hóa chi phí và đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN, đảm bảo cân bằng tài chính, kinh doanh có lợi nhuận.
Thay mặt HĐTV Tập đoàn, tôi đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của CBCNV và người lao động toàn Tập đoàn đã nỗ lực vượt khó khăn đạt những thành tích ấn tượng trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại và hạn chế. Cụ thể, năng suất lao động còn thấp, năng lực cạnh tranh quốc gia của nước ta chưa cao. Các nhà đầu tư mong muốn chất lượng và độ an toàn cung cấp điện cần được cải thiện hơn nữa.
Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020, EVN đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhu cầu điện có khả năng tăng trưởng nóng, trong khi nguồn điện sản xuất của EVN chỉ chiếm tỷ trọng dưới 50% tổng nhu cầu điện và có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh nỗ lực đảm bảo cung ứng điện của EVN, chúng ta còn phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện mới cũng như khả năng sản xuất của các nhà máy điện từ các chủ thể khác ngoài EVN.
Các yếu tố thị trường đầu vào cho SXKD điện biến động khó lường, đặc biệt là sự biến động tỷ giá ngoại tệ và thị trường tài chính thế giới; trong khi nhu cầu vốn rất lớn cho đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, cho hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật so với khả năng tự cân đối của Tập đoàn; Vấn đề đảm bảo các nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện ngày càng khó khăn hơn. Công tác vận hành hệ thống điện ngày càng phụ thuộc vào công nghệ và nguồn cung ứng vật tư thiết bị nhập khẩu, dùng để thay thế trong quá trình vận hành, sửa chữa.
Năm 2016, Hội đồng thành viên Tập đoàn đã lựa chọn Chủ đề “Nâng cao năng lực quản trị trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, với mục tiêu tập trung nguồn nhân lực tổ chức xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện các đề án, phương án, kế hoạch nhằm nâng cao năng lực quản trị trên các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn phù hợp với lộ trình phát triển của thị trường điện và hội nhập kinh tế quốc tế.
Để thực hiện tốt kế hoạch năm 2016 và giai đoạn 2016-2020, ngoài 7 nhiệm vụ và các giải pháp lớn đã đề cập trong các tham luận, tôi xin nhấn mạnh một số định hướng lớn, cụ thể hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ngành Điện đã đóng góp đáng kể vào thành công của chương trình điện khí hóa nông thôn
|
Trước hết, Tập đoàn phải đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Hiện nay, chúng ta đã có dự phòng nguồn trên 30%, tuy nhiên tỷ lệ nguồn điện ở các miền chưa cân đối, nên một mặt, chúng ta cần phải duy trì tỷ lệ dự phòng này, mặt khác cần tập trung đầu tư xây dựng nguồn điện ở phía Nam. Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án điện trong Quy hoạch điện 7 và chuẩn bị sẵn sàng triển khai đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh.
Thứ hai, đưa điện về nông thôn miền núi, biên giới hải đảo và hoàn thành công cuộc điện khí hoá toàn quốc. Mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đề ra là đến năm 2020 cơ bản các hộ nông thôn có điện. Đó là mục hết sức tiêu khó khăn, việc đưa điện về nông thôn phải gắn với xây dựng nông thôn mới, EVN phải phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và các địa phương và xây dựng kế hoạch có lộ trình cụ thể để thực hiện.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động. Hiện nay cộng đồng ASEAN đã hình thành và tạo áp lực lớn, buộc chúng ta phải hội nhập và phát triển, đồng thời phải nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt năm 2016 là năm cực kỳ khó khăn về tài chính, nên các đơn vị cần thực hiện tốt công tác tối ưu hóa chi phí, giảm chi phí SXKD điện để có được lợi nhuận.
Thứ tư, chỉ số tiếp cận điện năng. Mặc dù Việt Nam đã cải thiện đáng kể chỉ số tiếp cận điện năng, nhưng so với các nước ASEAN chúng ta vẫn đứng thứ 7. EVN rất cần có sự phối hợp với các bộ, ngành và địa phương, giảm thiểu các thủ tục hành chính hơn nữa; để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ năm, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, chúng ta xây dựng kế hoạch và có giải pháp để đạt được các chỉ tiêu tương đương các nước tiên tiến của ASEAN, trong đó đặc biệt lưu ý đến giải pháp ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong vận hành, sửa chữa.
Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong kế hoạch cũng như các đề án của Tập đoàn và các đơn vị, chúng ta cần thực hiện 3 giải pháp đột phá sau:
1. Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp phải thực hiện cả về chiều rộng và chiều sâu, thực hiện trên mọi lĩnh vực hoạt động của toàn Tập đoàn. Từ việc cải cách và hoàn thiện thể chế đến cơ cấu lại mô hình quản lý trong các khâu, trong các đơn vị để tạo ra động lực phát triển. Hiện nay, lực lượng sản xuất của chúng ta đứng thứ 2 của ASEAN, nhưng quan hệ sản xuất của chúng ta chưa phù hợp cả về tính chất và trình độ, nên cần phải có giải pháp để đáp ứng được yêu cầu.
2. Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành hệ thống điện và quản lý sản xuất kinh doanh. Chúng ta phải xây dựng lộ trình hiện đại hóa hệ thống điện và quản lý điều hành SXKD, góp phần tăng năng suất lao động, tăng độ an toàn cung cấp điện, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả SXKD.
3. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tập đoàn xác định nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi để Tập đoàn phát triển bền vững. Do đó, cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ khoa học công nghệ, trình độ quản lý, đảm bảo tiếp cận trình độ quản lý tiên tiến của thế giới.
Lãnh đạo Tập đoàn rất vui mừng vì tại Hội nghị này, chúng ta đã có những trao đổi thẳng thắn về những nội dung giải pháp cụ thể trong việc thực hiện nhiện vụ, giải quyết và khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Khó khăn thách thức còn nhiều. Tuy nhiên, Lãnh đạo Tập đoàn tin tưởng rằng, với truyền thống 61 năm kiên cường, anh dũng trong chiến đấu và lao động sản xuất, với sự cần cù, sáng tạo của các thế hệ tiếp nối, với tinh thần lao động tập thể đồng lòng, hăng say, hơn 10 vạn CBCNLĐ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày hôm nay sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Chính phủ và của nhân dân.
Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, xin chúc các đồng chí sức khỏe, gia đình hạnh phúc và thành công.
Chúc toàn thể CBCNV của Tập đoàn và gia đình đón Tết cổ truyền dân tộc vui tươi, hạnh phúc!
Các nhiệm vụ, kế hoạch năm 2016:
1. Đảm bảo cung cấp đủ điện cho pháp triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân.
2. Đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án, công trình điện.
3. Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động. Phấn đấu toàn Tập đoàn và từng đơn vị đạt kế hoạch lợi nhuận.
4. Triển khai thực hiện tái cơ cấu EVN giai đoạn 2016-2020, tiếp tục nâng cao quản trị doanh nghiệp.
5. Đảm bảo việc làm, thu nhập và chế độ phúc lợi cho cán bộ công nhân viên. Thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, quốc phòng.
6. Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt dân chủ cơ sở.
Một số chỉ tiêu kế hoạch của EVN năm 2016:
- Điện sản xuất và mua: 175,9 tỷ kWh, tăng 10,35% so với năm 2015;
- Điện thương phẩm: 159,1 tỷ kWh, tăng 11% so với năm 2015;
- Giá bán điện bình quân Tập đoàn: 1.651,2 đồng/kWh, trong đó giá bán điện bình quân của các Tổng công ty điện lực: 1.651 đồng/kWh;
- Tỷ lệ tổn thất điện năng: 7,7%;
- Chỉ tiêu độ tin cậy cung ứng điện của toàn Tập đoàn năm 2016: SAIDI: 1.655 phút, SAIFI: 12,31 lần, MAIFI: 2,58 lần;
- Thời gian tiếp cận điện năng: 10 ngày (các thủ tục của điện lực);
- Kế hoạch sửa chữa lớn: 6.219 tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm 2015
- Tổng giá trị đầu tư xây dựng: 132.536 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2015.
- Năng suất lao động tăng 8-10% so với năm 2015.
|