Nâng công suất Trạm biến áp 500 kV Ô Môn: Về đích trước hạn

Ngày 25/5, công trình nâng công suất trạm biến áp (TBA) 500 kV Ô Môn hoàn thành đóng điện và đưa vào vận hành, đáp ứng nhu cầu về điện mùa khô cho các tỉnh miền Tây, vượt tiến độ 1 tháng so với kế hoạch đề ra.

Nỗ lực vượt bậc

Ông Lê Xuân Thụ - Giám đốc Truyền tải điện miền Tây cho biết, TBA 500 kV Ô Môn thực hiện nhiệm vụ truyền tải điện từ cấp điện áp 500 kV xuống cấp điện áp 220 kV khu vực miền Tây và ngược lại. Trạm được vận hành từ tháng 5/2010, đến nay, hiện có 2 máy biến áp 500 kV với công suất 1.050 MVA; 6 ngăn lộ thiết bị 500kV; 1 ngăn lộ 35 kV và 1 ngăn lộ 22 kV.

Từ khi đi vào hoạt động, trạm đã hạn chế quá tải trên lưới, giúp ổn định vận hành hệ thống, tăng cường độ tin cậy của lưới điện. Trào lưu công suất qua 2 máy biến áp luôn đạt từ 90% công suất định mức trở lên.

Được biết, việc cung cấp điện tại khu vực miền Tây luôn có nguy cơ ngắt quãng khi Nhà máy điện khí Cà Mau phải ngừng hoạt động để bảo trì hoặc nguồn cấp khí có sự cố. Trong khi đó, nếu huy động từ Nhà máy Nhiệt điện dầu Ô Môn thì chi phí sẽ khá cao. Chính vì vậy, Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải quốc gia (EVN NPT) đầu tư nâng cấp công suất TBA 500 kV Ô Môn từ 1.050 MVA lên 1.500 MVA, nhằm đảm bảo nhu cầu phụ tải khu vực Tây sông Hậu trong trường hợp Nhà máy điện Cà Mau giảm phát và các nguồn điện mới như Long Phú chậm tiến độ.

Công trình được khởi công từ ngày 6/3/2015, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6/2015.

Khi chúng tôi có mặt tại công trường cũng là lúc các kỹ sư, công nhân đang hoàn thành việc di chuyển lắp đặt 3 máy biến áp vào vị trí. Đồng thời, hoàn thiện các thiết bị như hệ thống phòng cháy chữa cháy... 

Các kỹ sư - công nhân truyền tải đang lắp đặt dây vào máy biến áp.   Ảnh: Đình Dũng

Làm lợi hàng chục tỷ đồng

Ông Võ Đình Thủy - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 cho biết, mặc dù trong mùa gió chướng, thời tiết nắng nóng có khi lên tới trên 40 độ C, thỉnh thoảng lại có mưa, nhưng chủ đầu tư và các nhà thầu đã huy động thợ làm việc liên tục 3 ca, kể cả ngày chủ nhật và ngày lễ, quyết tâm đưa công trình về đích trước hẹn. Đây cũng là dự án được EVN NPT chọn làm công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tổng công ty nhiệm kỳ 2015 – 2020 và đăng ký gắn biển thi đua cấp Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Việc đưa công trình về đích sớm một tháng sẽ làm lợi cho nhà nước khoảng 40-50 tỷ đồng. Còn theo tính toán của EVN, nếu tính trong một năm tổng chênh lệch sản lượng điện từ việc nâng công suất máy biến áp lên 900 MVA tại TBA 500 kV Ô Môn với việc huy động điện chạy dầu, khí sẽ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng.

Đơn cử trong trường hợp chưa nâng công suất trạm, nếu Nhà máy Cà Mau cắt khí PM3 hàng năm 14 ngày để bảo dưỡng, sửa chữa thì sản lượng điện chạy dầu của Nhà máy điện Ô Môn cần huy động khoảng 131,2 triệu kWh. Sau khi trạm được nâng công suất lên 900 MVA thì sản lượng điện chạy dầu chỉ còn khoảng 69,8 triệu kWh (chênh lệch khoảng 61,4 triệu kWh). Trường hợp nếu có sự cố khí PM3, thường xảy ra từ 14 đến 15 ngày/năm, chênh lệch sản lượng từ 61,4 triệu kWh đến 71,7 triệu kWh.

Ông Võ Đình Thủy - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4:

Việc hoàn thành công trình TBA 500 kV Ô Môn không chỉ giúp khai thác được các nguồn điện có giá thành rẻ, tăng hiệu quả vận hành của hệ thống, mà còn bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của khu vực Tây Sông Hậu cũng như khu vực phía Nam, nhất là trong mùa khô 2015 và các năm tiếp theo.

 


  • 21/05/2015 04:45
  • Bài và ảnh: Báo Công Thương
  • 4481


Gửi nhận xét