Ngầm hóa ở thành phố Hồ Chí Minh: Bao giờ mới đồng bộ hóa?

Dây cáp giăng mắc bừa bãi, hệ thống “mạng nhện trên không” rối ren với hàng chục loại cáp thông tin… là thực trạng đang tái diễn trên nhiều tuyến đường của thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù chủ trương bó gọn các loại cáp thông tin và ngầm hóa cáp tại các tuyến phố trung tâm đã được triển khai từ năm 2010, nhưng xem ra, câu chuyện vẫn còn “lắm gian nan”…

Vướng và rối!

Hình ảnh “rối như mạng nhện” của hàng chục loại dây cáp trên không tưởng đã thành “chuyện cũ” khi năm 2010, chủ trương bó gọn các loại cáp thông tin và đồng bộ hóa hệ thống cáp trên các tuyến phố chính đã được thành phố Hồ Chí Minh triển khai mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân, không hiểu sao gần đây, thực trạng đó lại tái diễn. Điển hình như trên các tuyến đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh), giao lộ Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị (ngã sáu Gò Vấp), các loại dây cáp viễn thông (điện thoại, internet, truyền hình cáp) thi nhau đan xen, tua tủa, lằng nhằng… Thậm chí, trên nhiều đoạn đường đã được thi công hào kỹ thuật ngầm, đặt ống ngầm, nhưng các loại dây cáp vẫn nhằng nhịt trên không, còn ống cáp thì… nằm đợi! Thực trạng này không chỉ gây mất mỹ quan mà còn đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của người dân sinh sống nơi đây.

Khoảng gần 1000 tỷ đồng do Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC) và một số đơn vị khác đầu tư đã được chi cho công tác đào đường, đặt cáp để đợi “ngầm hóa” lại đang bị lãng phí từng ngày, tại sao?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện lực, ông Phạm Quốc Bảo – Phó tổng giám đốc EVN HCMC cho biết: Sở dĩ tồn tại thực trạng trên, là do các nhà mạng viễn thông (khoảng 20 mạng khác nhau) vẫn chưa chịu… xuống ngầm. Nguyên nhân “vướng và rối” chủ yếu là do đến nay thành phố vẫn chưa phê duyệt khung giá thuê mương cáp, nên chủ đầu tư không có cơ sở để ký hợp đồng với các nhà mạng. Mặt khác, hiện cũng chưa có quy định có tính pháp lý nào đưa ra một lộ trình thời gian cụ thể để buộc các nhà mạng phải “xuống ngầm”. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Công ty cổ phần đầu tư Kinh doanh Điện lực (Tradincorp) – đơn vị đầu tư ngầm hóa tuyến Trần Hưng Đạo, sau nhiều lần “kêu cứu” sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, hiện đã xin rút khỏi các dự án ngầm hóa trong năm nay.

Những hình ảnh này sẽ còn tồn tại nếu chủ trương ngầm hóa chưa được triển khai đồng bộ. Ảnh: CTV


Ngành Điện đành phải… đợi!

Trong khi khoảng 20 nhà mạng vẫn nhùng nhằng chưa chịu thực hiện chủ trương ngầm hóa, các nút thắt gây “vướng và rối” vẫn chưa được tháo gỡ, thì ngành Điện thành phố Hồ Chí Minh không còn cách nào khác hơn là đành phải… đợi – Phó tổng giám đốc EVN HCMC Phạm Quốc Bảo bộc bạch.

Ông Bảo cũng cho biết, ngay từ năm 2010, khi thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương ngầm hóa, EVN HCMC là đơn vị tiên phong với sự vào cuộc chủ động. Ngầm hóa lưới điện cũng nằm trong chiến lược hiện đại hóa của EVN HCMC – ông Bảo khẳng định. Tuy nhiên, vì ngành điện không thể tự ngầm hóa… một mình, nên dù hệ thống dây điện trung và hạ thế đều đã xuống ngầm mà các mạng cáp vẫn chưa chịu xuống thì tất cả đều bị đình trệ lại.

Khó khăn và bất cập đối với EVN HCMC không chỉ dừng lại ở đó. Bởi hệ thống nhằng nhịt các loại dây cáp như “mạng nhện trên không” lâu nay vẫn bị nhiều người dân hiểu nhầm và quy vào một khái niệm chung chung là “dây điện”. Khi các hệ thống dây cáp này vẫn giăng mắc trên các cột điện, thì hình ảnh của ngành Điện theo đó cũng bị làm xấu đi không ít. “Nhưng vì các mạng cáp vẫn chưa xuống ngầm nên ngành Điện cũng không thể đơn phương dỡ cột điện xuống được” – ông Phạm Quốc Bảo bày tỏ với phóng viên.

Trước thực trạng này, EVN HCMC và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Vietel – 2 đơn vị cùng là chủ đầu tư và tiên phong trong công tác ngầm hóa tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị đến UBND thành phố và các ban ngành chức năng để tìm phương án tháo gỡ. “Quan trọng nhất là đơn giá cho thuê mương cáp ngầm phải được phê duyệt và phải có khung thời gian cụ thể bắt buộc xuống ngầm đối với tất cả các mạng cáp” – Phó tổng giám đốc EVN HCMC Phạm Quốc Bảo nêu quan điểm.

Khi các vướng mắc chưa được giải quyết, thì người dân sẽ vẫn bức xúc, còn ngành Điện thì dù muốn ngầm hóa, cũng vẫn phải… đợi!

Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Điện lực (Tradincorp)

- Thành lập: Ngày 7/9/2007
- Vốn điều lệ: 450 tỷ đồng
- Cổ đông sáng lập: Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn, Công ty Cổ phần dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn, Công ty Cổ Phần Siêu Thanh, Công ty Cổ Phần Bảo hiểm Viễn Đông, Công ty Cổ Phần Quản lý và Đầu tư Tín Thác Á Châu.
- Lĩnh vực hoạt động:  Tư vấn xây dựng; Tư vấn đấu thầu; Quản lý và Thiết kế hệ thống điện công trình công nghiệp và dân dụng. Giám sát thi công xây dựng công trình dân dụng – công nghiệp; Xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện, nhà máy điện; Sản xuất, mua bán vật tư – máy móc – thiết bị điện, thiết bị truyền thông…

 


  • 05/06/2013 10:41
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới Điện
  • 2974


Gửi nhận xét