Ngành Điện lực Phú Yên chủ động ứng phó mùa mưa bão

Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị của Công ty Điện lực Phú Yên cho mùa mưa bão đã cơ bản hoàn tất. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Lê Minh Trung, Phó Giám đốc Công ty xung quanh vấn đề này.

PV: Ông có thể dự báo tình hình mưa bão năm nay sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc cấp điện trên địa bàn?

Ông Lê Minh Trung, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên

Ông Lê Minh Trung: Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mùa mưa bão năm 2017 sẽ phức tạp, khó lường.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp xuất hiện El Nino chỉ sau một thời kỳ tương đối ngắn chuyển sang pha lạnh. Dự báo mùa mưa bão năm 2017 có khoảng 13-15 cơn bão trên biển Đông, đặc biệt là tính bất thường, khó dự đoán gia tăng.

Ngoài ra, tính bất quy luật của bão sẽ tăng cao, gây nhiều khó khăn cho công tác dự báo. Do vậy, việc ứng phó với mưa bão cũng ngày càng khó khăn, phức tạp hơn.

Riêng địa bàn tỉnh Phú Yên thường chịu nhiều ảnh hưởng diễn biến bất thường của thời tiết như lụt, bão, hạn hán, nắng nóng gây thiệt hại cho công trình, tài sản của ngành Điện.

Những năm gần đây, khả năng bão mạnh, siêu bão lớn, yêu cầu đơn vị phải rất tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho người và cơ sở vật chất, hạn chế tối đa thiệt hại do bão lũ gây ra.

PV: Trước tình hình trên, Công ty Điện lực Phú Yên đã triển khai công tác phòng chống lụt bão như thế nào để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản khi có mưa bão, thưa ông?

Ông Lê Minh Trung: Ngay từ đầu năm, Công ty Điện lực Phú Yên đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN), thành lập Đội xung kích PCTT-TKCN Công ty và các tiểu ban tại các đơn vị trực thuộc; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để sẵn sàng ứng phó.

Đơn vị cũng triển khai các phương án PCTT-TKCN, phương án cấp điện khi xảy ra thiên tai theo thực tế lưới điện và phụ tải; tổ chức diễn tập PCTT-TKCN; phương án xử lý sự cố với nhiều tình huống giả định cụ thể, sát thực tế để các điện lực ứng phó, khôi phục cấp điện nhanh nhất và đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai.

Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành việc kiểm định định kỳ trạm biến áp; xử lý dứt điểm các tồn tại sau kiểm định các trạm biến áp; kiểm tra đường dây, trạm biến áp và xử lý kịp thời các khiếm khuyết của mối nối dây, sứ cách điện; đề phòng đứt dây, vỡ sứ cách điện gây mất an toàn và sự cố lưới điện...

Mọi công tác chuẩn bị cho mùa mưa lũ đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng ứng phó với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

PV: Lưới điện luôn có những vị trí xung yếu, thường xuyên gặp nguy hiểm khi vào mùa mưa lũ. Vậy ngành Điện xử lý những vị trí này như thế nào để hạn chế tối đa thiệt hại khi mưa lũ xảy ra?

Ông Lê Minh Trung: Hiện nay, ở mỗi địa bàn đều có những vị trí xung yếu nhất định. Trong đó, các điện lực ven biển như Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa, Đông Hòa thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, ngập lụt và triều cường, xâm thực; các điện lực ven sông như Tây Hòa, Đông Hòa thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, ngập lụt; các điện lực miền núi như Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh khi có bão thường có lũ quét và sạt lở đất.

Ngay từ đầu năm, Công ty Điện lực Phú Yên đã yêu cầu tất cả các điện lực phải tổng kiểm tra, rà soát, phát hiện có 6 điểm xung yếu trên lưới điện ở các điện lực Sơn Hòa, Sông Hinh, Tuy Hòa, Đông Hòa... Công ty đã chỉ đạo, hỗ trợ các điện lực kết hợp với công tác diễn tập PCTT-TKCN để xử lý dứt điểm các điểm yếu trên.

Bên cạnh đó, các điện lực cũng liên tục rà soát và khắc phục các vị trí có khả năng ngập lụt, sạt lở; các cột điện bị nghiêng, mất thanh giằng, dây néo cột, xói lở móng cột, thay thế các thùng công tơ cũ, hỏng bằng thùng composite, xử lý các dây dẫn quá tải, đặc biệt chú trọng đến các cột điện ở triền dốc, bờ sông, các đường dây mới đưa vào vận hành... để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trong mùa mưa bão.

PV: Mùa mưa bão, cũng là thời điểm nguy cơ gia tăng vi phạm an toàn lưới điện và tai nạn điện đối với người dân. Công ty Điện lực Phú Yên có khuyến cáo gì cho người dân để hạn chế tình trạng trên?

Ông Lê Minh Trung: gay từ trước mùa mưa bão, ngành Điện tăng cường công tác tuyên truyền an toàn điện trong nhân dân bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng; vận động nhân dân phối hợp với chính quyền địa phương phát quang hành lang tuyến điện (kể cả cao và hạ áp), củng cố đường dây điện sau công tơ… để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trong mùa mưa bão.

Ngành Điện khuyến cáo người dân nên thận trọng khi sử dụng điện trong mùa mưa; đặc biệt là những vị trí bị ngập nước, thấm nước; không nên tự ý leo lên mái nhà hay sửa chữa đường dây điện vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Thay vào đó, người dân có thể phản ánh cho ngành Điện để được hỗ trợ sửa chữa một cách an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra, các địa phương và các đơn vị liên quan trong việc quản lý đường dây đi chung trên trụ điện cần phối hợp chặt chẽ với ngành Điện để ngăn ngừa tai nạn điện xảy ra do đứt dây, rò điện. Các địa phương cần có trách nhiệm quản lý đường dây truyền thanh; những vị trí không sử dụng phải tháo dỡ thu hồi.

Đối với các đường dây cáp quang khác của đơn vị ngoài đi trên cột điện có khả năng gây mất an toàn như không đảm bảo khoảng cách an toàn với đường dây điện, có khả năng va quẹt vào đường dây điện khi gió lớn, các phương tiện giao thông có khả năng vướng mắc vào đường dây làm đứt dây gãy cột điện… thì các điện lực sẽ có thông báo cho đơn vị quản lý yêu cầu khắc phục ngay để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 24/09/2017 05:17
  • Theo Báo Phú Yên
  • 526068