Ngành Điện sẵn sàng ứng phó bão Krosa

Vượt qua quần đảo Philipil, bão số 12 (tên quốc tế là bão Krosa) đang tiến thẳng vào nước ta và nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào miền Trung.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 02/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 -15km. Đến 13 giờ ngày 03/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 210 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Bão Krosa đang tiến thẳng vào nước ta - Ảnh: Trung tâm dự báo KTTV  TW


Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Nam và Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Đến 13 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Nam và Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13 - 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Từ sáng mai (03/11), vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.

Dự kiến, vào khoảng sáng ngày 4/11/2013, tâm bão sẽ là vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi - Quảng Trị.

Lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương khuyến cáo, mặc dù đây là cơn bão cuối mùa, nhưng có cường độ mạnh, hướng di chuyển khá phức tạp nên công tác phòng chống bão không thể lơ là. Đối với các hồ chứa thủy lợi và thủy điện càng phải theo dõi nghiêm ngặt, trên cơ sở xây dựng các kịch bản ứng phó nhanh để giảm thiểu thiệt hại cho hồ chứa và cả các vùng hạ du.

Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), hiện các hồ  thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên đều đạt mực nước dâng bình thường hoặc xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Có 2 hồ đang xả nước điều tiết là IaLy và Pleikrong. Các đơn vị cũng đã và đang tích cực chuẩn bị phương án chống bão.

Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN SPC) và các đơn vị trực thuộc cũng đã sẵn sàng các phương án ứng phó với bão.


  • 02/11/2013 03:28
  • Vĩnh Long
  • 2897


Gửi nhận xét