Vui điện sắp về bản xa
Trước đây, mỗi lần đi qua các bản khác trong xã, nhìn thấy nhà nhà tỏ ánh điện; các cháu nhỏ ngồi học, các bà, các mẹ ngồi dệt, thêu thùa dưới ánh điện; tiếng tivi, loa đài xập xình mỗi khi có lễ hội… những người dân ở bản Đôm 2, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cảm thấy ánh điện quốc gia như cái gì đó xa xỉ.
Bao đời nay, họ vẫn mong đợi, một ngày nào đó, dòng điện quốc gia sẽ đến để đem văn minh về cho bản làng... Dù gặp khó khăn về thời tiết và địa hình thi công, nhưng Công ty Điện lực Nghệ An đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống điện lưới từ bản Ban đi qua bản Chiềng vào bản Đôm 1, bản Đôm 2.
Điều mong ước bao đời của bà con người dân tộc Thái nơi đây sắp thành hiện thực, khi việc lắp đặt hệ thống lưới điện đã hoàn tất những công đoạn cuối cùng và chờ ngày gần đây nhất để đóng điện. Thật khó diễn tả nỗi niềm chờ mong, xen lẫn niềm hạnh phúc của những người dân nơi đây, khi ngày đóng điện lưới quốc gia về bản đã kề cận. Cụ Lang Thái Loan (70 tuổi) ở bản Đôm 2 xúc động: Nay tôi chỉ chờ ngày một, ngày hai sẽ được thấy ánh điện quốc gia về với bản mình! Thế là con cháu sẽ có điện sáng để học bài. Chúng tôi sẽ yên tâm mua sắm các thiết bị như tivi, quạt điện, tủ lạnh, máy móc phục vụ sản xuất... để nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như có điều kiện để phát triển kinh tế.
Tại huyện Quỳ Châu, PC Nghệ An đang khẩn trương hoàn tất công đoạn cuối cùng, phấn đấu trung tuần tháng 12 này sẽ đóng điện cho các bản Đôm ở xã Châu Phong và bốn khác ở xã Diên Lãm để người dân có điện thắp sáng.
Cách xa bản Đôm hàng trăm cây số, hàng chục cán bộ, công nhân Điện lực Kỳ Sơn đang nỗ lực kéo 1,2 km đường dây trung thế 371A15.23 về bản Kẹo Lực 1 - cụm 1, xã Phà Đánh (Kỳ Sơn) cho dù phải đối mặt độ dốc, rừng rậm trong quá trình vận chuyển vật liệu, thiết bị cũng như mặt bằng thi công...
Người dân bản Kim Đa (Phà Đánh), giúp vận chuyển cột điện để đẩy nhanh tiến độ thi công
|
Theo ông Lê Thế Hiền, phụ trách thi công tại đây, nhiều tháng nay do mưa lũ không thể thi công được. Gần đây, thời tiết thuận lợi, đơn vị đã huy động toàn bộ nhân lực cùng máy thi công mở đường xuyên rừng để đưa vật liệu, thiết bị vào; phối hợp với dân bản gùi từng bì vật liệu; tời kéo từng cột điện, trạm biến áp vượt qua những dốc đứng vào điểm lắp đặt. Chưa kể những điểm chuẩn bị thi công bị mưa lũ làm sạt lở, phải chờ địa phương hỗ trợ làm mặt bằng mới, mới có thể đưa vật liệu vào thi công…
Giám đốc Điện lực huyện Kỳ Sơn Nguyễn Minh Hồng cho biết: Tại xã Phà Đánh, đơn vị thi công đang nỗ lực kéo những mét dây trung áp cuối cùng để lắp vào năm trạm biến áp (TBA) vừa mới được lắp đặt xong. Dọc theo các tuyến đường ở các bản Kẹo Lực 1 (cụm 1), Kẹo Lực 1 (cụm 2), Kẹo Lực 2, Kim Đa, Phà Kháo những hàng cột điện hạ thế đang được dựng lên và đồng bộ với mạng lưới công tơ và đường dây dẫn vào từng hộ dân. Tuy nhà dân ở rải rác, cách nhau khá xa nhưng ngành điện cũng quyết tâm đến hết tháng 12 này, bà con ở bốn bản này sẽ có nguồn điện sáng để đón Tết Tân Sửu trong niềm vui, niềm hân hoan cùng một mùa xuân ấm áp.
Giám đốc PC Nghệ An Bành Hồng Hiển cho hay: Năm 2020, Công ty Điện lực Nghệ An đang huy động tổng lực máy móc thi công, nhân vật lực “vượt lũ, tránh mưa” để khẩn trương hoàn tất việc đưa điện quốc gia đến 32 bản, cụm dân cư - nơi sinh sống của bà con dân tộc Thái, Khơ Mú, HMông trên địa bàn 12 xã, thuộc các huyện rẻo cao 30a Nghệ An. Trong đó, Tương Dương 15 bản, Kỳ Sơn tám bản; Quỳ Châu năm bản và Quế Phong bốn bản. Với tổng mức đầu tư hơn 72 tỷ đồng, các đơn vị thi công đã nỗ lực khắc phục khó khăn trong việc thi công ở khu vực rừng núi, hoàn thành việc lắp đặt 2.539 cột điện và kéo hơn 100 km đường dây trung, hạ thế; xây mới 28 trạm biến áp các loại với tổng dung lượng 4.463 kVA; lắp mới gần 3.400 công tơ cùng hệ thống điện sau côngtơ cho mỗi gia đình.
Không nói hết sự vui mừng của bà con dân tộc thiểu số khi đang đón chờ dòng điện chuẩn bị về đến bản làng mình. Theo ông Lô Văn Chiến, Chủ tịch xã Hữu Khuông (Tương Dương): Mới đây, người dân các bản: Chà Lâng, Tùng Hốc, Pủng Pón vui đón ngày đại kết to nhất từ trước đến nay vì đã mời được các đơn vị đang thi công đường điện vào bản cùng chung vui. Họ đều mong muốn, các đơn vị thi công nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa điện quốc gia về bản trong thời gian sớm nhất, để có thể mua sắm các thiết bị loa đài hiện đại cũng như quạt máy, tủ lạnh và các thiết bị phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế.
Bà Lữ Thị Lý (46 tuổi) ở bản Kẹo Lực1, (xã Phà Đánh) bày tỏ: Chỉ ít ngày nữa, bản làng chúng tôi sẽ có điện Chính phủ để dùng, chấm dứt cảnh dùng điện nước (dùng nước suối quay tuốc bin phát điện) phập phù bấy lâu nay. Gia đình chúng tôi đã thống nhất, bán một con bò, mua một cái tivi thật to để xem thời sự, xem hướng dẫn làm kinh tế cùng một chiếc tủ lạnh và một máy giặt. Ngoài ra mua một máy băm cỏ phục vụ việc nuôi đàn bò… Đây cũng là niềm vui chung của những người dân ở bản Kẹo Lực 1 mà chúng tôi được gặp.
Những vấn đề đặt ra
Phải nói rằng trong giai đoạn 2014-2020, mặc dù nguồn vốn nhà nước bố trí có hạn nhưng Nghệ An đã, đang hoàn thành việc đưa điện lưới quốc gia về 80 thôn, bản vùng sâu, vùng xa khi thực hiện Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Nghệ An (giai đoạn 2014-2020). Trong đó, giai đoạn 1 - 2014-2016 (các hạng mục cấp bách), đã hoàn thành 48 bản trên địa bàn 17 xã thuộc bốn huyện với quy mô xây dựng mới gần 270 km đường dây trung, hạ thế; 36 TBA có tổng công suất 3.126,5kVA và lắp đặt 4.265 công tơ cho các hộ dân, tổng mức đầu tư 187,4 tỷ đồng; giai đoạn 2 (đến hết năm 2020) sẽ hoàn thành nốt 32 bản với quy mô xây dựng mới hơn 100 km đường dây trung, hạ thế, lắp 28 TBA các loại và 3.345 công tơ cho các hộ dân… đã phần nào nói lên sự cố gắng của EVN, Tổng công ty Điện lực miền Bắc và PC Nghệ An.
Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tình Nghệ An đã trang bị đầy đủ dây sau công tơ và mỗi gia đình có một bảng điện (cầu chì , công tắc, ổ cắm) và một bóng đèn compac, bảo đảm khi đóng điện lưới các hộ dân sẽ được dùng điện ngay. Nhờ đó, hệ thống lưới điện quốc gia đang vươn đến các bản xa xôi, khó khăn đã góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh cho bà con các dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong lao động, sản xuất của bà con; góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an sinh xã hội trên các địa bàn đặc biệt khó khăn trong tỉnh.
Tuy nhiên, theo Dự án “Cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia tỉnh Nghệ An” hiện nay Nghệ An vẫn còn 153 thôn bản ở vùng núi rẻo cao chưa có điện lưới quốc gia - đây là con số khá lớn; trong đó, nhiều nhất là Kỳ Sơn 87 bản; kế đến Quỳ Châu 13 bản, Quế Phong 12 bản... Đây là những bản rẻo cao, địa hình đồi núi hiểm trở, xa lưới điện quốc gia, xa đường giao thông; dân cư ở rải rác, thưa thớt; giải phóng mặt bằng khó khăn, nhất đoạn qua rừng phòng hộ; Địa hình thi công khó khăn, lại thường xuyên bị mưa lũ, có những thời điểm phải ngừng thi công cả tháng trời; Nguồn vật liệu phụ tại địa phương không có sẵn phải vận chuyển từ nơi xa về gây khó khăn trong quá trình cung ứng vật liệu và tiến độ của công trình… Dẫn đến chi phí lắp đặt rất đắt, gấp nhiều lần so với bình quân chung nên cần vốn đầu tư rất lớn.
Trong khi đó, dự án đưa điện về thôn bản, phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn trung hạn của nhà nước giai đoạn 2021-2025 bố trí, trong đó 85% nguồn vốn Ngân sách Nhà nước và 15% nguồn vốn của EVN.
Một khó khăn nữa là do địa hình chủ yếu đồi núi, bên sông bên núi nên việc dựng hệ thống cột điện ngoài hành lang an toàn giao thông ở một địa phương vùng rẻo cao gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi bất khả kháng. Do vậy, Nghệ An nên tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư đưa điện về những bản ở gần lưới điện quốc gia hơn, chi phí lắp đặt thấp.
Đối với bản xa trung tâm, xa đường điện quốc gia việc đưa điện về bản bằng phương pháp trồng cột, dây dẫn truyền thống sẽ cực kỳ đắt đỏ, nên ngành điện có thể nguyên cứu, triển khai sử dụng nguồn năng lượng khác thay thế, như dự án điện mặt trời hay thủy điện mini. Kiến nghị cần có cơ chế đặc thù cho một số địa phương trong việc dựng cột điện trong hành lang an toàn giao thông khi không thể dựng cột điện ngoài hành lang an toàn giao thông như quy định. Đồng thời, mong muốn, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ Nghệ An, nhất là Kỳ Sơn - huyện rẻo cao 30a, khó khăn nhất cả nước có thêm nguồn vốn đầu tư trung hạn để đẩy nhanh việc đưa điện lưới quốc gia về các bản còn lại trong thời gian sớm nhất; nhằm đạt chỉ tiêu đưa điện lưới quốc gia về thôn bản như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 19 đã đề ra.
Link gốc