Người chỉ huy và những phút “cân não”

“Mưa bão về, quyết định đóng hay mở cửa xả hồ thủy điện trong thời điểm nước hồ đang dâng cao thực sự là phút “cân não” đối với người đứng đầu một nhà máy thủy điện đa mục tiêu... Câu chuyện sống còn về những cơn lũ dữ nơi hồ thủy điện sẽ mãi là bài học để đời và là kỷ niệm khắc cốt ghi tâm đối với họ - những người vận hành thủy điện - những “Sơn tinh” thời nay.

Ông Nguyễn Văn Thành

Anh hùng và tội đồ - Ranh giới mong manh!

Tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Thành - Nguyên giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, người đã có gần 10 năm làm Chỉ huy một trong những hồ thủy điện lớn nhất miền Bắc. Hơn nửa đời người gắn bó với thủy điện, ông Thành đã quá quen với cảnh thức đêm “căng mình” chống bão lũ. Trong ký ức của người chỉ huy tâm huyết ấy, có những thời khắc đã trở thành một phần máu thịt của đời ông. Khi mà chỉ một quyết định trong một phút có thể cứu hoặc nhấn chìm cả vùng hạ du Thủy điện Hoà Bình.

Ông Thành bồi hồi nhớ lại, đó là thời điểm cuối năm 2007. Không hiểu sao năm ấy đã bước sang tháng 10 rồi mà vẫn còn có bão lớn, lại đổ bộ trực tiếp vào miền Bắc. Bão lớn kèm theo mưa to liên tục, cộng với nước hồ Thủy điện Hòa Bình đã tích từ trước làm cho nước trong lòng hồ không ngừng dâng cao, đe dọa an toàn đập và hoạt động của nhà máy.Vì vậy, trong ngày 4/10, các cửa xả từ 1 - 6 đã được mở. Điểm quyết định cuối cùng là cửa xả số 7 có được mở hay không sẽ mang tính “sống còn” với Nhà máy hoặc với một phần hạ du gắn liền với sinh mạng, vật chất của người dân!.

Làm thế nào vừa đảm bảo an toàn cho hồ đập cũng như vận hành của Nhà máy, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho hạ du  lúc đó đã ngập nhiều vùng do mưa lớn? Câu hỏi đó thực sự là một thách thức buộc người chỉ huy phải bình tĩnh, sáng suốt lựa chọn phương án. “Đứng trước một quyết định quan trọng như vậy, tôi không cho phép mình được sai lầm, dù là với nhà máy hay với người dân hạ du, thì đảm bảo an toàn vẫn là yêu cầu bắt buộc” – ông Thành chia sẻ.

Tình hình cấp bách, thời gian không cho phép do dự. Ông Thành vừa quyết định cho cán bộ, kỹ sư đi kiểm tra các tổ máy, mặt khác theo dõi chặt các bản tin dự báo lũ, liên tục gọi điện cho các chuyên gia thủy điện giàu kinh nghiệm để nhờ tư vấn. Thêm một tình huống gây khó cho ông Thành, khi một chuyên gia tư vấn: “Phải xả ngay, nếu không muốn phá hỏng nhà máy và vỡ đập”, trong khi chuyên gia khác lại khuyên: “Phải rất thận trọng, vì nếu xả trong tình hình này, rất có thể sẽ nhấn chìm cả thành phố Hòa Bình”. Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu, bằng mọi giá phải bảo vệ nhà máy, hồ chứa, hạ du đồng thời vẫn phải đảm bảo đủ nước cho nhiệm vụ phát điện năm sau.

Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” đó, sau khi cân nhắc kỹ, tổng hợp nhiều ý kiến tư vấn, ông Thành đã đưa ra quyết định để đời "không mở cửa xả số 7" để bảo vệ an toàn cho hạ du. “Thật may, sau đó mưa bắt đầu giảm dần, nước rút từ từ. Nhà máy vẫn được đảm bảo an toàn, đặc biệt là thành phố Hòa Bình không bị ngập nước, hàng ngàn người dân đã được bảo vệ" – Ông Thành kể lại vẫn với tâm trạng bồi hồi xúc động và không giấu nổi niềm vui. Suốt 2 ngày đêm thức trắng gồng mình chống lũ, cuối cùng ông và hơn 700 cán bộ nhân viên Công ty Thủy điện Hòa Bình đã được thở phào, nhẹ nhõm. Ngay sau thời khắc đó, lãnh đạo EVN, Bộ Công Thương và cả Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương đã gọi điện khen ngợi, chúc mừng. "Rất nhiều bạn bè còn gọi đùa tôi là "người hùng", nhưng chả ai có thể nói cứng trong những tình huống như thế, nếu mưa tiếp tục đổ xuống thì “tôi sẽ trở thành tội đồ đấy!"

Mỗi lần xả lũ là một "đòn cân não" thực sự đối với những người đứng đầu các nhà máy thủy điện. Ảnh: Anh Vũ

Sẵn sàng "băng qua mưa bão"

Trong ký ức của ông Nguyễn Trâm – Giám đốc Công ty Thủy điện A Vương, mùa bão lũ năm nào cũng là một "cuộc chiến đấu" thực sự. Đó là cuộc chiến giữa những con người nhỏ bé với thiên nhiên vĩ đại, trong đó vai trò của chủ hồ - những người đứng đầu các công ty thủy điện như ông, luôn là người "đứng mũi chịu sào". Nếu "chiến thắng thì không có gì để nói, nhưng nếu thất bại, gây hậu quả cho nhà máy, hồ đập và nhất là hạ du, thì hậu quả sẽ khôn lường!" - Ông Trâm khẳng định.

"Không thể kể hết những vui buồn, gian khổ trong mỗi mùa mưa bão. Nhưng nhớ nhất có lẽ là năm 2009, khi Thủy điện A Vương mới đưa vào vận hành đúng năm có nhiều cơn bão lớn. Do địa hình các tỉnh miền Trung dốc và hẹp, đặc thù mưa lớn và xối xả trong thời gian ngắn, nước dâng rất nhanh. Một số vùng hạ du năm đó đã bị ngập sâu. Chính vì vậy, dư luận, truyền thông đều cho rằng tất cả là do Thủy điện A Vương xả lũ. Bởi thế, sau cuộc chiến với mưa bão, chúng tôi lại phải đối diện với "cơn bão truyền thông". Thực sự là rất đau lòng, nhưng cũng chính từ sau lần đó, Công ty Thủy điện A Vương đã rút ra được nhiều bài học quý. Cơ chế phối hợp liên ngành, đề cao vai trò của chính quyền địa phương và đặc biệt là sự vào cuộc của nhân dân đã được áp dụng một cách hiệu quả" - ông Trâm cho biết. Với ông, lãnh đạo một công ty thủy điện nằm trên mảnh đất miền Trung "nắng lắm, mưa nhiều", thì nguyên tắc điều hành xả lũ cao nhất vẫn là tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình đã được duyệt. Đặc biệt, phải có "thần kinh thép" để sẵn sàng "vượt  qua bão lũ"...

 Hạnh phúc nghẹt thở ...

Trải qua những thời khắc cam go, những đòn cân não trong các trận lũ lịch sử, để có được những niềm vui và hạnh phúc - đó chính là phần thưởng quý giá nhất - ông Tạ Văn Luận - Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy chia sẻ.

Với ông Luận, đáng nhớ nhất là trận lũ kèm theo cơn bão số 9, ngày 29/9/2009. Đó là cơn lũ khủng khiếp đối với khu vực Bắc Tây Nguyên. Mưa lớn khiến lưu lượng nước về hồ Pleikrong đạt gần 10.229 m3/s, vượt tần suất 500 năm. Sự an toàn của đập tràn và của nhà máy đều đứng trước nguy cơ cao. Bài toán đặt ra lúc bấy giờ là lựa chọn phương án, nếu xả ít thì nguy cơ thành phố Kon Tum sẽ bị ngập, ngược lại nếu xả nhiều sẽ ngập sang cả lãnh thổ Campuchia!

"Đó là một đêm không ngủ, căng thẳng tột độ với những quyết định chống lũ, xả lũ. Tuy nhiên, trong khi cơn lũ đang dữ dội, lãnh đạo tỉnh Kon Tum vẫn rất quan tâm và liên lạc thường xuyên, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nắm bắt tình hình. Chính sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả đó đã giúp  chúng tôi vững vàng vượt qua cơn lũ lịch sử, đảm bảo an toàn và giảm thiểu được thiệt hại. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác nghẹn ngào trong buổi sáng hôm sau khi cơn lũ đi qua. Niềm vui vì thành công có vị mặn của mồ hôi và cả vị chát của những giọt nước mắt..."

“Niềm vui, hạnh phúc đến nghẹt thở hay đau khổ đến tận cùng”, những  ranh giới mong manh này là một phần tất yếu trong công việc của những người làm thủy điện. Tất cả chính là động lực cho họ vượt qua những mùa lũ mới, những mùa mưa lũ có thể sẽ còn khốc liệt hơn rất nhiều.
 


  • 09/09/2014 09:38
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2849


Gửi nhận xét