Hơn 85.000 hộ dân vùng sâu vùng xa ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh có cơ hội đổi đời khi được dùng điện lưới quốc gia từ Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer vừa mới hoàn thành sau 5 năm thi công, nâng tổng số hộ đồng bào Khmer có điện lưới tại 2 địa phương này là trên 97%.
Đây là dự án trọng điểm được Chính phủ phê duyệt từ năm 2009 với mục tiêu tạo điều kiện phát triện kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng sâu vùng xa, đặc biệt là đồng bào Khmer.
Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, trong quá trình thực hiện Dự án, EVNSPC quản lý chặt chẽ từ khâu khảo sát, thẩm định, chọn nhà thầu đến phương tiện phục vụ dự án… thực hiện tối ưu hóa chi phí, do đó, đã phát triển Dự án thành 3 giai đoạn, tăng gấp đôi số hộ được cấp điện so với ban đầu.
97% người dân Sóc Trăng và Trà Vinh có cơ hội đổi đời khi được dùng điện lưới quốc gia
|
Dòng điện đã giúp người dân bớt lao động nặng nhọc và năng suất cây trồng, vật nuôi lại tăng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh chóng, từ 30% (khi chưa có lưới điện) và hiện nay còn 2%. Ánh sáng điện đi tới đâu thì đói nghèo, lạc hậu bị đẩy lùi xa đến đó.
Nhà anh Thạch Sao ở ấp Rẫy Mới, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng nằm ở một vùng xa xôi, heo hút. Anh Thạch Sao thật bất ngờ và vui mừng điện lưới quốc gia được kéo đến tận nhà mình. Điện giúp anh đưa nước tưới đồng, tưới rẫy mà không phải gánh, tắm cho bò, heo… một cách nhẹ nhàng, thoải mái.
Anh Thạnh Sao chia sẻ: “Trước kia trồng màu trên ruộng phải xách thùng đi gánh nước tưới, giờ có điện chỉ cần bật mô tơ lên là có nước. Năng suất cao hơn nhiều. Ví dụ nếu cây 10 trái, tưới nước đủ thì đậu 9,10 trái. Còn tưới bằng nước gánh thì èo ọt chỉ được khoảng 5 trái”.
Điện về nông thôn không chỉ giúp người nông dân giảm sức lao động, mà còn giúp giảm giá thành sản phẩm. Theo tính toán, mỗi một công ruộng nếu dùng điện để sản xuất thì sẽ tiết kiệm chi phí đầu vào so với các loại nhiên liệu khác như xăng, dầu là khoảng 50%. Điều quan trọng nữa là khi có điện, bà con nông dân có cơ hội tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại, ứng dụng vào sản xuất.
Ông Dương Văn Sa, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh cho biết, khi có điện, một số hộ dân đã mua máy vi tính, gắn thêm mạng Internet để tìm kiếm, tra cứu thông tin, nâng cao hiểu biết.
Theo ông Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ tịch xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, cứ 10 hộ nghèo có điện sau đó 9 hộ thoát nghèo. Xã Thạnh Trị có trên 2.300 hộ, trong đó đồng bào Khmer chiếm gần 20%. Từ khi có lưới điện quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm từ 20% xuống còn dưới 2%. Hiện nay thu nhập bình quân người dân ở xã là 32 triệu đồng/năm.
Không chỉ đóng vai trò cốt lõi trong việc phát triển kinh tế, điện về vùng sâu vùng xa còn giúp đời sống tinh thần của bà con nông dân được nâng cao. Những con đường lầy lội trước kia được thay thế bằng đường nhựa sạch sẽ, ánh sáng điện về phum, sóc đã giúp thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây từng ngày.
Là một trong gần 35.000 hộ dân ở Trà Vinh vừa được kéo điện lưới quốc gia về tận nhà, chị Thạch Thị Vân ở xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đang lau chùi những chiếc đèn dầu vốn gắn bó với gia đình chị mấy chục năm nay trước khi cất đi. Những khó khăn khi đời sống không có điện giờ chỉ còn là quá khứ.
“Khi chưa có điện, con cái phải học bằng đèn dầu, mà cũng sợ tốn dầu nên tối chỉ thắp một lúc rồi tắt. Giờ có điện rồi, con cái có ánh sáng học hành thoải mái. Mình còn sắm tivi cho cả nhà xem tin tức, phim ảnh. Mua quạt máy, mô tơ bơm nước”, chị Vân chia sẻ.
Hàng xóm của chị Vân, anh Thạch So Mát không giấu được niềm vui khi nhà cha mẹ anh ở giữa cánh đồng cũng được kéo điện lưới. Anh dự định mua một cái máy bơm nước để cha mẹ già bớt nhọc nhằn.
Kéo điện về vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh thường gặp nhiều khó khăn, vất vả do người và vật liệu phải qua nhiều trạm trung chuyển. Nhiều nơi chưa có đường đi, phải băng đồng lội suối mới tới được công trình. Những người thợ điện phải dầm mưa dãi nắng, lội sình lầy, tìm lối đi ngắn nhất, tiện lợi nhất, phục vụ tốt nhất với kinh phí tiết kiệm nhất để đưa được điện về cho nhiều hộ dân.
Hiện vẫn còn khoảng 3% hộ đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng và Trà Vinh chưa có điện sử dụng là trăn trở của nhiều cấp ngành. EVN SPC đang phối hợp cùng với chính quyền địa phương rà soát lại những cụm dân cư ở vùng sâu vùng để lên phương án cung cấp điện cho bà con.