Những hoạt động và sự kiện tiêu biểu của EVN trong năm 2014

1. Cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân, hệ thống điện đã đạt mức dự phòng công suất phát điện cao

Năm 2014, Tập đoàn hoàn thành vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nguồn điện đã đáp ứng được cả về sản lượng và công suất với công suất lắp đặt hệ thống khoảng 34.000 MW, trong khi công suất cực đại của nhu cầu phụ tải là trên 22.000 MW. Hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành Hệ thống điện quốc gia của EVN đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác hiệu quả các yếu tố thuận lợi về thuỷ điện, huy động hợp lý cơ cấu các nguồn phát điện.

Năm 2014, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN đạt 142,25 tỷ kWh, tăng 10,76% so với năm 2013; sản lượng điện thương phẩm đạt 128,43 tỷ kWh, tăng 11,41% so với năm 2013. Mức sử dụng điện bình quân trên người dân đạt trên 1.400kWh/người/năm.

2. Hoàn thành vượt mức kế hoạch trong Quy hoạch Điện VII về đầu tư lưới điện quốc gia cho khu vực nông thôn và hải đảo

Chương trình đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo đã được EVN thực hiện xuất sắc, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về Chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, thực hiện cam kết của Chính phủ đối với quốc tế về mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói, giảm nghèo và kế hoạch đề ra trong Quyết định 1208/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch Điện VII).

Tới cuối năm 2014, cả nước có 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ; 99,59% số xã với 98,22% số hộ dân nông thôn có điện lưới, vượt 0,22% so với chỉ tiêu đề ra trong năm 2015. Tại các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, hầu hết nhân dân ở các khu vực này đã được sử dụng điện: Khu vực các tỉnh miền núi Tây Bắc đạt 97,55% về số xã và 85,09% số hộ dân có điện; khu vực các tỉnh Tây Nguyên là 100% và 96,17%; khu vực Tây Nam bộ là 100% và 97,72%.

Năm 2014, nhằm đảm bảo cấp điện thường xuyên, liên tục, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển và giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đảm bảo an ninh quốc phòng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư đưa điện lưới quốc gia bằng đường dây trên không ra huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) và đưa điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm ra các huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Lý Sơn (Quảng Ngãi) và đang đầu tư đưa điện lưới quốc gia bằng đường dây trên không ra huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang). Mức độ phủ điện đến các hộ dân vùng sâu, vùng xa của Việt Nam là thành tựu mà không nhiều quốc gia trên thế giới đạt được.

3. Công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng tiếp tục đạt được những bước tiến đáng kể, công tác hiện đại hóa dịch vụ khách hàng từng bước được triển khai tại tất cả các Tổng Công ty Điện lực

Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2013, nhiều chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ khách hàng  tiếp tục có những chuyển biến tích cực: phục hồi điện sau sự cố trong vòng 2 giờ đạt 96,72% trường hợp; lắp đặt công tơ mới cho khách hàng khu vực đô thị với thời gian nhỏ hơn 3 ngày đạt 83,17% số trường hợp; khu vực nông thôn với thời gian nhỏ hơn 5 ngày đạt 88,61% số trường hợp.

Đặc biệt, việc áp dụng hóa đơn điện tử còn mang lại nhiều lợi ích trong công tác quản lý kinh doanh, dịch vụ khách hàng và là chủ trương lớn của Chính phủ trong lộ trình xây dựng chính phủ điện tử phù hợp với xu thế phát triển của thế giới với nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng như: Theo dõi tiền điện sử dụng hàng tháng qua Internet và tra cứu thông tin hóa đơn dễ dàng, thuận tiện; hạn chế sai sót trong việc thu nộp tiền điện; đơn giản hóa công tác theo dõi, lưu trữ, bảo quản hóa đơn tiền điện; phù hợp với công nghệ tiên tiến đang được các Ngân hàng áp dụng trong việc thanh toán tiền điện hiện nay…

Hiện tại, Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh và Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã áp dụng hóa đơn điện tử cho 100% các Công ty Điện lực. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đã triển khai tại 16/29 Công ty Điện lực; Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã triển khai tại 15/21 Công ty Điện lực; Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã thực hiện tại 13/27 Công ty Điện lực và sẽ tiếp tục triển khai mở rộng. Nhìn chung công tác triển khai áp dụng hóa đơn điện tử thuận lợi, đa số các Cục thuế địa phương ủng hộ và phối hợp tốt. Dự kiến việc áp dụng hóa đơn điện tử tại các đơn vị sẽ hoàn thành trong quý I và II năm 2015.

Để hỗ trợ cho công tác triển khai áp dụng hóa đơn điện tử, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng và đưa vào triển khai hệ thống quản lý hóa đơn điện tử tại các Công ty Điện lực từ năm 2012. Việc áp dụng hệ thống quản lý hóa đơn điện tử giúp công tác quản lý hóa đơn trở thành một chu trình khép kín từ khâu lập đến khâu phát hành hóa đơn điện tử, thanh toán và gửi hóa đơn điện tử đến khách hàng. Với hiệu quả khoa học, thiết thực và phạm vi ứng dụng rộng, sản phẩm phần mềm “Hệ thống quản lý hóa đơn điện tử” đã vinh dự được nhận giải thưởng Sao Khuê trong tháng 4/2014 và giải Ba giải thưởng Sáng tạo lần thứ III do Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức.

4. Thời gian tiếp cận điện năng giảm đáng kể, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ và Quyết định số 3575/QĐ-BCT ngày 23/4/2014 của Bộ Công Thương về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó có nhiệm vụ rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng xuống còn tối đa là 70 ngày, Tập đoàn đã chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực rà soát lại trình tự thủ tục thực hiện, xây dựng quy trình rút ngắn thủ tục để đảm bảo thời gian cấp điện cho các khách hàng có đầu tư xây dựng đường dây, trạm biến áp trung áp, ban hành sửa đổi Bộ Quy trình kinh doanh điện năng. Kết quả rà soát các quy trình, thủ tục cho thấy đối với khách hàng cần xây dựng công trình lưới điện trung áp, tổng thời gian tiếp cận điện năng do EVN và các Cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện chỉ còn 36 ngày, bằng 51,4% thời gian so với chỉ tiêu trong Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Như vậy, việc áp dụng các giải pháp đơn giản hóa thủ tục và kết hợp thực hiện song song các thủ tục theo quy định của Nhà nước đã mang lại kết quả rõ rệt. Trong năm 2014 có 91,28% trường hợp cấp điện mới cho khách hàng có đầu tư xây dựng TBA và đường dây trung áp có thời gian cấp điện mới trung bình 46,21 ngày.

5. Hoàn thành vượt kế hoạch giá trị khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng và đạt mức cao nhất từ trước đến nay

Năm 2014, EVN đã thực hiện khối lượng lớn đầu tư nguồn và lưới điện, hoàn thành được nhiều dự án, tăng cường năng lực cung cấp điện của hệ thống điện quốc gia, đảm bảo cấp điện cho miền Nam, cho thủ đô Hà Nội và các vùng kinh tế trọng điểm. Tới  năm 2014, ngành Điện đã có được hệ thống cơ sở hạ tầng điện lực tương đối quy mô bề thế.

Đặc biệt đến hết tháng 10/2014, EVN đã hoàn thành kế hoạch phát điện của cả năm 2014 với 5/5 tổ máy - tổng công suất 1.700MW, gồm: Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (2x622 MW), TM2 Nhiệt điện Hải Phòng 2 (300MW); Thủy điện Sông Bung 4 (2x78MW). Như vậy, đến cuối năm 2014, EVN sở hữu 20.765 MW công suất phát điện, chiếm khoảng 61% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Thực tế đầu tư trong thời gian qua của EVN đã đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN, đứng thứ 31 trên thế giới về quy mô nguồn điện và lưới điện.

Để có được thành công này EVN đã vượt qua nhiều khó khăn, huy động nguồn vốn khổng lồ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng dưới nhiều hình thức khác nhau cả trong và ngoài nước. Năm 2014, giá trị khối lượng thực hiện vốn đầu tư của EVN ước đạt 125.453 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra trong năm 2014 là 1,53%, tăng 27,91% so với năm 2013. Ngành Điện tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ và quy mô đầu tư (giá trị đầu tư của EVN bằng 10,26% tổng đầu tư toàn xã hội).

6. Công tác quản trị thủy điện được tăng cường và mang lại hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/2/2014 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13, Ban Chấp hành Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành nghị quyết về quản trị thủy điện, trong đó tập trung vào công tác vận hành hồ chứa đảm bảo chống lũ, tưới tiêu, an toàn hồ đập, di dân tái định cư và trồng bù rừng. Do đó, trong năm 2014 EVN đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung, điều chỉnh và ban hành 10 Quy trình vận hành liên hồ chứa cho các lưu vực sông. Đây là căn cứ pháp lý cao nhất để các cơ quan quản lý nhà nước thống nhất chỉ đạo, điều hành.

Bên cạnh việc huy động có hiệu quả các nhà máy thủy điện để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, hàng năm các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện của EVN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương trong việc đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn… cho vùng hạ du, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành quá trình sản xuất. Cụ thể: Hàng năm các hồ thủy điện của EVN đã cấp nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân vùng Đồng bằng Bắc bộ với diện tích trên 635.000 ha. Bên cạnh đó, việc vận hành điều tiết các hồ thủy điện Cửa Đạt, A Vương, Buôn Tua Srah, Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Đa Nhim, Hàm Thuận - Đa Mi, Đại Ninh, Trị An cũng đã đáp ứng nhu cầu nước rất lớn phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn của các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam, Đăk Lăk, Đăk Nông, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh... và khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào mùa khô.

7. Công tác tái cơ cấu toàn Tập đoàn đã mang lại nhiều kết quả tốt

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn khá ảm đạm, EVN đã tích cực xây dựng phương án thoái vốn, tổ chức bán đấu giá công khai, tìm kiếm các đối tác để đàm phán chuyển nhượng vốn góp tại các công ty cổ phần thuộc diện thoái vốn theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2014, EVN đã thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính với tổng số tiền là 691 tỷ đồng, đạt 40,8% số vốn phải thoái giảm. EVN đã thoái thành công toàn bộ vốn góp tại Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Vina và Công ty CP Bất động sản Điện lực miền Trung; hoàn thành Đề án cổ phần hóa các Tổng Công ty Phát điện; thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa Tổng  Công ty Phát điện 3 theo Quyết định số 9494/QĐ-BCT ngày 22/10/2014 của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý nội bộ của EVN với gần 100 quy định, quy chế trong các lĩnh vực đã được sửa dổi phù hợp với các Nghị định mới  của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động, Quy chế quản lý tài chính của EVN và các quy định mới của luật pháp.

Theo lộ trình, đến hết năm 2015, EVN phải hoàn thành việc thoái vốn tại các công ty thuộc các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bảo đảm EVN có cơ cấu hợp lý, tập trung mọi nguồn lực cho ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh điện; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích cho xã hội và quốc phòng, an ninh; nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội.

8. Hiệu quả vận hành hệ thống điện được nâng cao, độ tin cậy hệ thống điện được cải thiện đáng kể

Hoạt động điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện quốc gia đã bám sát nhu cầu phụ tải, huy động hợp lý các nguồn phát điện. Tính chung, các nguồn điện trên toàn quốc đã được huy động vượt so với kế hoạch đầu năm.

Ngoài các nhà máy thủy điện miền Trung có sản lượng khai thác thấp do khô hạn, các nhà máy thủy điện còn lại đều khai thác đạt hiệu quả cao về công suất và sản lượng với trên 60 tỷ kWh, góp phần giảm lượng điện sản xuất từ các nguồn điện có giá thành cao, trong đó sản lượng điện phát bằng dầu chỉ huy động bằng 30% so với kế hoạch đầu năm.

Các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được cải thiện tốt hơn so với năm 2013. Tính chung toàn EVN tổng thời gian mất điện khách hàng bình quân (SAIDI) là 3.134 phút, giảm 23% so với năm 2013; tần suất mất điện kéo dài bình quân (SAIFI) là 18,1 lần/khách hàng, giảm 25%; tần suất mất điện thoáng qua bình quân là 2,63 lần/khách hàng, giảm 26%.

9. Công tác an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ với qui mô lớn và đem lại hiệu quả thiết thực

Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn coi việc tham gia các chương trình hỗ trợ cộng đồng là nhiệm vụ chính trị xã hội quan trọng của Tập đoàn và các đơn vị, qua đó khẳng định vai trò, vị trí của Tập đoàn kinh tế Nhà nước trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đối với cộng đồng.

Năm 2014 là năm tất cả các đơn vị thành viên trong toàn Tập đoàn cùng chung tay thực hiện các chương trình an sinh xã hội với số tiền đạt trên 95 tỷ đồng. EVN đang tiếp tục phụng dưỡng suốt đời gần 300 bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trong năm 2013 - 2014, EVN đã trao tặng 104 suất học bổng (mỗi suất trị giá 10 triệu đồng) cho 104 em học sinh nghèo vượt khó trên mọi miền đất nước thông qua chương trình truyền hình thực tế “Ước mơ Việt Nam” do EVN phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện. Chương trình đã tạo được tiếng vang và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng cũng như đông đảo khán giả truyền hình.

Đặc biệt, nhằm mục đích nâng cao đời sống của bà con dân tộc các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn, EVN đã tập trung nguồn vốn, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cấp điện. Chỉ tính riêng trong năm 2014, đã giải ngân 879,5 tỷ đồng.

10. Đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần 2

Quá trình xây dựng và phát triển của ngành Điện Việt Nam trong mỗi thời kỳ luôn luôn gắn liền với các phong trào thi đua yêu nước của cán bộ công nhân ngành Điện. Nối tiếp truyền thống thi đua xây dựng các Tổ, Đội lao động XHCN trước đây, trong thời kỳ đổi mới, các phong trào thi đua trong ngành Điện vẫn diễn ra rộng khắp trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng điện, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ.

Từ các phong trào thi đua lao động sản xuất, nhiều tập thể, cá nhân đã trở thành những tấm gương điển hình xuất sắc được Đảng và Nhà nước ghi nhận thành tích đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng và khen tặng nhiều phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước. Năm 2014, trong toàn Tập đoàn có 6 đơn vị được vinh dự trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, 3 đơn vị được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, 7 đơn vị được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; gần 500 đơn vị, cá nhân được vinh dự trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đặc biệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2 vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/2014).

Khó khăn, thử thách phía trước còn nhiều, nhưng toàn thể CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục nỗ lực không ngừng, phát huy sức mạnh đoàn kết và truyền thống 60 năm vẻ vang, hào hùng, tiếp tục "thắp sáng niềm tin


  • 27/01/2015 09:56
  • EVN
  • 3739


Gửi nhận xét