Những người lính truyền tải thi công trạm 500kV Hiệp Hòa - Bắc Giang - Ảnh: Lam Vũ
|
Khó khăn nối tiếp khó khăn…
Ngay sau khi tổ máy số 6, tổ máy cuối cùng Nhà máy Thủy điện Sơn La (TĐSL) hòa lưới điện quốc gia, chúng tôi đã gặp ông Trần Quốc Lẫm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) - Phụ trách dự án lưới điện đấu nối đồng bộ TĐSL. Bên tách trà thơm, ông chia sẻ về quá trình thực hiện dự án đấu nối. Theo ông, hoàn thành các công trình đúng tiến độ Quốc hội đề ra đã là một thử thách rất lớn, còn hoàn thành trước 3 năm là nhiệm vụ ngoài sức tưởng tượng. Căng thẳng nhất là phải có TBA và ĐZ 500 kV để kịp tiếp nhận công suất của TĐSL hòa lưới điện quốc gia khi còn quá nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm giải quyết.
Ông Lẫm cho biết, vấn đề nan giải nhất là huy động vốn. Đơn cử như, công trình đường dây (ĐZ) 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa – Nho Quan sử dụng vốn ADB với các điều khoản hết sức chặt chẽ, yêu cầu rất cao về thủ tục giải ngân. Việc phải đẩy nhanh tiến độ thi công so với kế hoạch ban đầu đã làm cho công tác huy động vốn buộc phải có những điều chỉnh linh hoạt hơn và phải thuyết phục được ADB chấp thuận. EVN NPT đã chỉ đạo các đơn vị một cách quyết liệt và có nhiều giải pháp đồng bộ, thi công xong đến đâu, hoàn chỉnh hồ sơ, giải ngân đến đó. Đặc biệt, vốn cho đền bù giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được sự hỗ trợ ứng vốn kịp thời của Tập đoàn, nên vẫn đảm bảo được tiến độ.
Đặc thù của công trình truyền tải là một tuyến đường dây đi qua nhiều tỉnh, thành, nhiều địa phương, trong khi chính sách đền bù, hỗ trợ lại không thống nhất, mỗi nơi một khác. Nhiều cung đoạn đường dây lại đi qua các công trình văn hóa, kiến trúc, nhà thờ, nghĩa địa của bà con dân tộc thiểu số với những tập tục rất phức tạp cũng gây không ít khó khăn cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Các khó khăn đó đòi hỏi công tác đền bù phải hết sức linh hoạt, mềm dẻo mới có mặt bằng thi công. EVN NPT phải phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương, từng bước tháo gỡ vướng mắc bằng những cơ chế đặc thù. Điển hình là công trình ĐZ 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa. Để giải phóng mặt bằng, Tổng công ty phải xây dựng 21 khu tái định cư cho người dân, nhưng tiến độ xây dựng bị chậm, buộc EVN NPT phải phối hợp với chính quyền các địa phương thuê nhà ở tạm cho dân, đồng thời vận động nhân dân nhận tiền tự lo chỗ ở tạm...
Công tác thu xếp vốn, đền bù giải phóng mặt bằng đã khó, song quá trình thi công cũng gặp quá nhiều gian nan, trắc trở. Các tuyến ĐZ 500 kV chủ yếu đi qua những khu vực có địa hình hết sức phức tạp, đa phần là đồi núi cao, xa đường quốc lộ, địa chất phức tạp, nhiều khoảng cột vách núi dựng đứng, sỏi đá lởm chởm, chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm hư hỏng vật tư thiết bị, nhiều vị trí phải dùng tời để vận chuyển người, vật tư thi công móng, dựng cột, kéo dây.
Song hành cùng đơn vị thi công là đội ngũ tư vấn giám sát (TVGS) của Công ty Truyền tải điện 1. Đây là lực lượng làm công tác quản lý vận hành của các đơn vị Truyền tải điện khu vực được huy động tăng cường cho các dự án, vừa làm nhiệm vụ TVGS, vừa hỗ trợ các đơn vị thi công.
Công việc trên công trường đã vất vả, nhưng điều kiện ăn ở, sinh hoạt của người lao động còn khó khăn gấp bội. Nhà ở thì thuê ở chung với dân hoặc ở ngay tại các lán trại tạm, sinh hoạt đắt đỏ, thiếu thốn đủ thứ, nhất là thiếu nước sinh hoạt và rau xanh, bởi vì công trường xây dựng đường dây 500 kV Sơn La - Hoà Bình - Nho Quan và đường dây 500 kV Sơn La - Hiệp Hoà chủ yếu đi qua khu vực đồng bào các dân tộc ít người sinh sống, giao thông khó khăn. Thời gian làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi của lực lượng TVGS hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian làm việc của các đơn vị thi công, không kể giờ giấc, không kể ngày nghỉ, anh em phải thường xuyên ăn đồ nguội ngay tại công trường, nhiều hôm đi bộ cả nửa ngày trời lên móng cột, gặp trời đổ mưa lớn phải trú. Đến chiều tối lại lăn lội quay về. Thời gian về quê thăm vợ con, gia đình thì không thể nào hẹn trước được.
Mẹo nhỏ - hiệu quả lớn
Công trình ĐZ 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa bị chậm tiến độ thi công vì vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Vì vậy, EVN NPT đã quyết định đẩy nhanh tiến độ lắp đặt MBA 500 kV thứ 2 tại Trạm 500 kV Nho Quan, kịp giải tỏa công suất các tổ máy của TĐSL. Công tác vận chuyển vật tư từ Cảng Hải Phòng về tận chân công trình cũng phải có giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ. Để kịp thời có vật tư cho đơn vị thi công, thay vì phải mở các kiện hàng trong container kiểm đếm tại cảng, Tổng công ty cho đưa hàng về chân công trình, sau đó mới tổ chức kiểm đếm trước sự chứng kiến của các đơn vị liên quan. Việc làm này đã rút ngắn được thời gian thi công và tiết kiệm được tiền lưu kho, lưu bãi tại Hải Phòng.
Về vốn đền bù giải phóng mặt bằng thi công đường dây, Ngân hàng ADB quy định đền bù theo một giai đoạn toàn bộ công trình, nghĩa là phải đền bù xong toàn bộ Dự án (kể cả tái định cư mới cho khởi công công trình), nhưng EVN NPT đã kiên trì thuyết phục được ADB chấp thuận cho phép đền bù thành 2 giai đoạn, đền bù xong phần móng cột để đúc móng dựng cột, sau đó mới đền bù phần hành lang thi công kéo dây sau.
Những chuyện bây giờ mới kể
Theo mạch câu chuyện, ông Lẫm lần lượt kể lại những thời điểm căng thẳng, kịch tính nhất trong quá trình triển khai dự án – những câu chuyện “nằm lòng” mà chỉ những người bám sát công trình mới tường tận đến vậy, những câu chuyện tưởng như mới xảy ra ngày hôm qua.
Khi tổ máy số 1 TĐSL chỉ còn khoảng nửa tháng là phát điện, vẫn còn tới 15 km đường dây 500 kV Sơn La – Hòa Bình – Nho Quan qua địa phận tỉnh Hòa Bình chưa có mặt bằng thi công. Ông đã báo cáo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, trực tiếp cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình và lãnh đạo huyện Cao Phong đến từng thôn, xã, từng gia đình để bàn bạc, vận động nhân dân và thống nhất cách giải quyết đền bù, sau đó huy động tổng lực tổ chức thi công suốt ngày đêm. Sát ngày đóng điện tổ máy số 1, vẫn còn 01 hộ gia đình cương quyết không nhận tiền đền bù, cá nhân ông tức tốc cùng các cộng sự băng rừng, vận động gia đình chấp nhận di dời và may mắn thay, mọi việc hoàn thành đúng vào phút chót.
Các công trình đấu nối đồng bộ Thủy điện Sơn La do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) làm chủ đầu tư:
- ĐZ 500 kV Sơn La – Hòa Bình – Nho Quan với 633 vị trí, tổng chiều dài 283 km (177 km là ĐZ 2 mạch), đi qua 3 tỉnh Sơn La, Hoà Bình và Ninh Bình
- ĐZ 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa 2 mạch, với 551 vị trí, tổng chiều dài 268,9 km, đi qua 17 huyện thị của 5 tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Bắc Giang;
- Xây dựng mới TBA 500 kV Sơn La, công suất 2 x 450 MW và ĐZ 500 kV đấu nối NMTĐ Sơn La – TBA 500 kV Sơn La;
- Xây dựng mới TBA 500 kV Hiệp Hòa, công suất 2 x 900 MW;
- Lắp thêm MBA 500 kV thứ 2, công suất 450 MW tại TBA 500 kV Nho Quan.
|
|
Chưa hết, thời điểm trước khi đóng điện tổ máy cuối cùng của TĐSL cũng là những giờ phút hồi hộp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hạn chót là ngày 31/3/2012 phải hoàn thành đóng điện đường dây 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa, giải tỏa công suất của tổ máy số 6, trong khi trước đó hơn 1 tháng, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đoạn đường dây đi qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn hơn 40 km chưa thi công được. Ông Lẫm đã cùng ông Hà Hòa Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc lặn lội trên tuyến chỉ đạo các huyện, vận động nhân dân... bằng nhiều giải pháp linh hoạt trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhân dân để hoàn thành giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công. Rồi chuyện EVN NPT đã phải phối hợp với chính quyền địa phương bảo vệ thi công xong phần cột vị trí 11.1 tuyến ĐZ 220 kV đấu nối với TBA 500 kV Hiệp Hòa (do một số hộ dân không hợp tác), dựng cột xong đến lúc kéo dây đã phải dùng khinh khí cầu và rất may đã kịp tiến độ.
Cùng với những câu chuyện thú vị của Phó tổng giám đốc EVN NPT, ông Phan Ngọc Đào, nguyên Phó trưởng ban Quản lý các công trình điện miền Bắc, người trực tiếp điều hành dự án đường dây 500 kV Sơn La – Hòa Bình – Nho Quan cũng tiết lộ hai trong rất nhiều câu chuyện thú vị của những người “lính truyền tải”. Đó là câu chuyện giải phóng mặt bằng tại “thung lũng ma” cho khoảng cột 96 – 97 đường dây 500 kV Sơn La – Hòa Bình – Nho Quan. Truyền thuyết về những chuyện ma quỷ nơi đây đã làm chùn chân rất nhiều cán bộ, công nhân, thậm chí không ít cán bộ người địa phương cũng tỏ ra e ngại phải đụng chạm đến khu vực “linh thiêng” này. Rồi chuyện chính ông Đào và anh em cán bộ, công nhân phải ngày đêm tổ chức cưa cây cao trong hành lang cho kịp tiến độ đóng điện, trong đó, gay go nhất là cưa cây “linh thiêng” ở “rừng ma”.
Ai cũng lo sợ. Nhưng rất may mọi việc đều suôn sẻ. Mặt khác, do tiến độ quá gấp rút, công việc lại quá nhiều nên cả tuần ông Đào chỉ diện “nhất bộ” quần áo (vì lên tuyến không kịp về nhà). Đến ngày tổ chức làm lễ gắn biển công trình “Chào mừng 1000 Thăng Long – Hà Nội” ông mới vội ra phố huyện Mai Sơn – Hòa Bình mua tạm 1 bộ quần áo mới và về ngay trong đêm (do khoảng néo 90 - 96 thuộc địa bàn huyện Mai Sơn hoàn thành cuối cùng) kịp giờ dự lễ tại TBA 500 kV Nho Quan.
Thay lời kết
Có lẽ yêu cầu cao nhất, cũng là thử thách lớn nhất đối với những người xây dựng công trình lưới điện kết nối đồng bộ với nguồn điện nói chung, thủy điện nói riêng, là không cho phép chậm hơn tiến độ công trình nguồn. Nói cách khác, “điều cấm kị” của người lính truyền tải là để nguồn điện phải chờ đợi giải phóng công suất.
Vì vậy, giả sử các công trình lưới điện đồng bộ không theo kịp tiến độ của TĐSL, thì việc công trình TĐSL về đích trước 3 năm so với yêu cầu của Quốc hội sẽ không còn ý nghĩa nữa. Đây chính là lý do mang đến niềm phấn khởi, tự hào lớn lao cho chủ đầu tư công trình đấu nối lưới điện đồng bộ – Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các nhà thầu. Thành tích ấy không chỉ góp phần vào thành công chung của công trình vĩ đại mà trở thành mốc son chói lọi trong sổ vàng truyền thống của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia.