Ông Nguyễn Trọng Phụng
|
Phóng viên (PV): Thưa ông, ngành Điện đã cam kết không cắt điện khi nhiệt độ trên 36 độ C, vì sao tình trạng mất điện vẫn xảy ra ở một số khu vực trong những ngày nắng nóng vừa qua?
Ông Nguyễn Trọng Phụng: Khẳng định của ngành Điện là hoàn toàn có cơ sở và trên thực tế, khi nhiệt độ ngoài trời trên 36 độ C, các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã không cắt điện khi thực hiện các thao tác trên lưới, không làm ảnh hưởng đến việc cung ứng điện cho khách hàng.
Tuy nhiên, vào những ngày nắng nóng cao điểm, đặc biệt khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 39 - 40 độ C, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng mạnh, dẫn đến quá tải cục bộ,… gây mất điện ở một số TBA, lộ đường dây. Tình trạng này không chỉ làm gián đoạn cung ứng điện mà còn gây thiệt hại cho thiết bị của ngành Điện.
Mặc dù trước và trong mùa nắng nóng, ngành Điện đã chủ động đầu tư xây dựng, cải tạo, thay thế các MBA vận hành đầy tải, tiến hành san tải giữa các tuyến đường dây… nhằm hạn chế tối đa các sự cố, quá tải. Tuy nhiên, khi công suất sử dụng điện tăng cao đột biến, các sự cố do quá tải cục bộ là khó tránh khỏi.
Do vậy, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy, EVNNPC nói riêng, EVN nói chung rất mong nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của khách hàng bằng cách sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả…
PV: Dù ngành Điện khẳng định, nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu, nhưng vì sao vẫn khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tiết kiệm điện (TKĐ), thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Phụng: Hiện nay, nguồn điện không thiếu, đủ đáp ứng nhu cầu sản suất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên cả nước. Tuy nhiên, nếu không sử dụng tiết kiệm, hiệu quả không chỉ làm tăng tiền điện hàng tháng của khách hàng mà còn gây áp lực về đầu tư của ngành Điện.
Đó là chưa kể, các nguồn nguyên liệu hóa thạch cho sản xuất điện như than đá, dầu mỏ, khí đốt… đang ngày càng cạn kiệt; trong khi các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió… chưa phát triển mạnh. Do vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là giải pháp quan trọng, góp phần tiết kiệm tài nguyên cho đất nước; giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
PV: Theo dự báo, năm nay sẽ có nhiều đợt nắng nóng lên tới 40 độ C, nhiều khách hàng lo ngại hóa đơn tiền điện sẽ tăng cao. Vì sao, hóa đơn tiền điện thường tăng đột biến trong mùa hè, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Phụng: Khi thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng chắc chắn sẽ tăng cao hơn so với ngày bình thường. Đáng nói, mặc dù nhiều gia đình không trang bị thêm thiết bị điện, nhưng chênh lệch nhiệt độ giữa bên ngoài với nhiệt độ trong phòng cũng khiến các thiết bị điện, đặc biệt là điều hòa nhiệt độ tiêu tốn điện năng hơn so với ngày bình thường...
Cùng với đó, sản lượng điện sử dụng tăng cao trong các ngày nắng nóng cũng sẽ kéo theo chi phí tiền điện tăng, do biểu giá điện được tính theo bậc thang: Sử dụng càng nhiều, mức giá càng cao…
Ngoài ra, việc khách hàng chưa thực hiện hiệu quả các giải pháp tiết kiệm điện, sử dụng các thiết bị điện cũ, nơi lắp các thiết bị làm mát bị ảnh hưởng nắng nóng, thiếu cây xanh… cũng sẽ khiến khóa đơn tiền điện trong những ngày nắng nóng tăng cao…
PV: Vậy làm thế nào để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả nhằm giảm chi phí tiền điện trong mùa nắng nóng, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Phụng: Để TKĐ hiệu quả, khách hàng nên tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; không sử dụng cùng một lúc nhiều thiết bị điện công suất lớn vào giờ cao điểm…
Đặc biệt, với điều hòa nhiệt độ (thiết bị tiêu tốn điện năng nhất trong mùa nắng nóng), nên để nhiệt độ từ 25 độ C - 28 độ C và sử dụng thêm quạt, bởi nhiệt độ của điều hòa càng ít chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời, điện năng tiêu thụ càng ít.
Ngoài ra, phòng sử dụng điều hòa phải đảm bảo độ kín, sử dụng rèm cửa tránh ánh sáng mặt trời chiếu vào phòng; hạn chế sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bàn là, bếp, bình đun nước… trong phòng khi bật điều hòa. Nên bảo dưỡng, vệ sinh điều hòa định kì để giúp thiết bị tăng tuổi thọ, tăng độ mát, TKĐ.
Lưu ý, nhiều người có thói quen ra khỏi phòng, dù chỉ chốc lát là lập tức tắt máy điều hòa để TKĐ, hoặc khi bật điều hòa thường để nhiệt độ thấp, chờ phòng mát thì tắt điều hòa và bật quạt, đến khi nóng lại bật… Đây là một suy nghĩ sai lầm, bởi việc bật/tắt điều hòa liên tục rất tốn điện, do khi khởi động điều hòa tiêu tốn một nguồn điện năng lớn.
PV: Xin cảm ơn ông!