Nữ thợ điện Thủ đô đam mê công việc

Thoạt nghe cái tên rất đẹp: Nguyễn Thị Hoa Lý, tôi cứ nghĩ chị sẽ chọn một nghề nhẹ nhàng, lãng mạn. Nhưng không, người phụ nữ có cái tên đẹp, đầy nữ tính ấy lại chọn cho mình một nghề thiên về nam giới - Nghề điện tại Công ty Lưới điện Cao thế TP Hà Nội.

Chị Hoa Lý và các đồng nghiệp thảo luận trước khi bước vào phần thi thực hành tại Hội thi Thợ giỏi EVN năm 2014 - Ảnh: Ngọc Tuấn

Từ tâm huyết với nghề cha truyền con nối…

“Tôi nhớ, ngày còn bé, những hôm bố đi trực đêm, mẹ thường ôm tôi vào lòng, kể về công việc của bố, của những công nhân điện lực làm việc vất vả. Rồi giấc ngủ dịu êm đến với tôi khi nào không hay. Trong giấc mơ, tôi thấy nụ cười  rạng rỡ của bố pha lẫn những giọt mồ hôi trên chiếc áo cam khi bố trèo chót vót trên cột điện” – Chị Lý tâm sự lý do khiến chị “mê tít” nghề thợ điện từ nhỏ.

Mang theo hình ảnh người cha mặc áo cam yêu nghề điện, chị theo đuổi ước mơ trở thành một công nhân trạm điện. Năm 2001, chị được tuyển vào làm việc tại Công ty Điện lực Hà Tây, với công việc chính là vận hành Trạm 110 kV Tía, thuộc Chi nhánh Điện lực Thường Tín. Nghề vận hành lưới điện 110 kV với nam giới đã vất vả, với phụ nữ càng khắc nghiệt hơn, bởi công việc phải làm theo ca kíp, tính chất công việc lại khô khan, vất vả đòi hỏi sự tỉnh táo và tính kỷ luật nghiêm khắc. Hơn nữa, ngoài công việc chuyên môn, người phụ nữ còn phải lo việc “hậu phương”, nên để cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều không hề đơn giản.

Chị Lý cho biết: “Công việc quản lý vận hành luôn tuân thủ theo một quy trình nhất định, giờ giấc nghiêm ngặt. Ca một bắt đầu từ 7h sáng, ca hai, ca ba kết thúc và bắt đầu từ 10h đêm. Điều đó gây rất nhiều khó khăn cho phụ nữ vì phải đảm đương cả  vai trò làm mẹ, làm vợ trong gia đình, nhất là khi con còn nhỏ. Tuy nhiên, đã là thợ điện trực ca, muốn khẳng định được năng lực của mình ở môi trường mà ưu thế thuộc về nam giới thì bản thân người phụ nữ phải tự vươn lên”.

Chị Lý chia sẻ: "Nhiều đêm, mình đem theo vào ca trực cả tiếng khóc khát sữa của con thơ, hình ảnh chồng bồng con trong đêm đông lạnh giá, mình cũng thấy chạnh lòng... Nhưng vì nhiệm vụ phải cố gắng vượt qua, rồi cũng dần quen”. Những lúc ấy tình cảm, sự thấu hiểu, chia sẻ của gia đình và đồng nghiệp là động lực giúp chị vượt qua những vất vả cam go, tiếp tục bám trụ với nghề điện.

Anh Huỳnh Vũ Long, Trạm trưởng trạm E1.25 Mỹ Đình, Công ty Lưới điện Cao thế TP Hà Nội:

“Phụ nữ ngành Điện dù không mềm mại như những phụ nữ ngành khác, nhưng ở họ có một điểm cuốn hút đặc biệt. Nếu tiếp xúc với những nữ vận hành trạm, bạn sẽ hiểu được vẻ đẹp tiềm ẩn trong những con người tưởng như rất cá tính và quyết đoán đó. Chị Lý cũng là một tấm gương về phụ nữ đảm đang, say mê công việc như vậy”.

Đến nữ thợ điện giỏi cấp Tập đoàn…

Suốt chặng đường hơn 10 năm công tác, kỷ niệm vui buồn với nghề điện rất nhiều, nhưng có lẽ chị Lý nhớ nhất là cuộc thi thợ giỏi EVN năm 2014. “Anh em đi thi thợ giỏi vừa hồi hộp, vừa lo lắng, lại thêm chút tò mò. Họ là những người bạn chưa gặp mà quen, ai cũng tranh thủ hỏi han tình hình đội bạn. Có người năm trước vừa là thí sinh, năm nay lại dẫn đoàn đi thi, hay có người năm trước chưa đạt danh hiệu “thợ giỏi toàn diện”, năm nay lại đi thi hy vọng có được  kết quả cao hơn…Tôi thấy, những đồng nghiệp ấy, mỗi người một vẻ, nhưng ai cũng yêu nghề, ham học hỏi, cầu tiến, rất đáng để tôi học tập, noi theo” – Chị Lý tâm sự.

Là nữ thí sinh duy nhất tham dự Hội thi và góp phần mang về cho Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội giải Nhất toàn đoàn, chị Lý rất vinh dự và tự hào. Chị nhớ nhất khi Ban tổ chức thông báo tên thí sinh đạt giải đã giới thiệu chị rất ấn tượng là “Xin trân trọng kính mời “ông” Nguyễn Thị Hoa Lý lên sân khấu”. Đó là một tình huống bất ngờ, nhưng để lại cho chị nhiều cảm xúc lâng lâng khó tả! Qua mỗi cuộc thi, chị cảm thấy mình như lớn lên, được chia sẻ kinh nghiệm làm việc, biết thêm kỹ thuật thao tác nghề từ những tình huống thực tế, được thi đua và cảm thấy yêu nghề hơn.

Đầu năm 2015, chị Lý được chuyển về làm việc tại Trạm 220 kV Tây Hồ. Đây là trạm biến áp 220 kV đầu tiên được Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đầu tư xây dựng và quản lý vận hành toàn bộ. Với những khó khăn, thách thức đang chờ đón ở phía trước, chị Lý luôn tâm niệm, khi đã khoác lên mình chiếc áo cam là tự hứa với mình sẽ làm tốt hơn nữa công việc được giao.

Hỏi chị, tại sao lại gắn bó với nghề “nam tính” này, tôi thật bất ngờ với câu trả lời của chị: “Gắn bó lâu với điều gì đó bạn sẽ thấy rất quen. Không biết có thể gọi đó là yêu nghề được không, nhưng với tôi, việc xử lý sự cố hay vệ sinh, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị theo định kỳ cũng giống như việc khám chữa bệnh cho con khi trái gió trở trời, ốm đau bệnh tật vậy. Từ khi vào nghề, tôi rèn được khả năng “nhìn - nghe - ngửi”. Chỉ cần một tiếng động nhỏ hay mùi khen khét là phải để ý, vì chắc “những đứa con” của  mình “đang có vấn đề về sức khỏe”.

Những người phụ nữ vận hành trạm điện như chị Lý luôn có tâm tư mà không phải ai cũng thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia được. Họ đã biết lấy sự mềm mại, khéo léo, dịu dàng vốn là bản năng của người phụ nữ để chăm sóc cho gia đình và sử dụng tính quyết đoán mạnh mẽ  để  hoàn hoàn thành tốt công việc được giao.

Chị Nguyễn Thị Hoa Lý:

- Sinh năm 1979, tại Hà Nội

- Hiện là công nhân vận hành trạm 220 kV Tây Hồ, Công ty Lưới điện Cao thế TP Hà Nội

- Thợ giỏi cấp EVN năm 2014

- Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2014

 


  • 04/08/2015 02:41
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2812


Gửi nhận xét