Các hành vi trộm cắp điện đã được phát hiện chủ yếu là tác động trước công tơ gồm 311 vụ (giảm 12 vụ so với 9 tháng năm 2014), tác động trực tiếp công tơ 501 vụ (giảm 268 vụ), tác động gián tiếp công tơ 136 vụ (giảm 60 vụ).
Trong các đơn vị thuộc Tổng công ty thì Đồng Nai là địa phương xảy ra nạn trộm cắp điện nhiều nhất với 327 vụ, Kiên Giang (73 vụ), Cần Thơ (64 vụ), Hậu Giang (62 vụ). Trà Vinh chỉ xảy ra một vụ và Bình Thuận không phát hiện vụ nào trong 9 tháng vừa qua.
Ban Kiểm tra, Giám sát mua bán điện thuộc EVNSPC cho biết: Tình trạng trộm cắp điện giảm so với cùng kỳ năm 2014 có được là nhờ công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về xử phạt và chế tài đối với các hành vi vi phạm, đối với các khách hàng lớn EVNSPC áp dụng việc giám sát sử dụng điện thông qua hệ thống đo ghi từ xa trạm chuyên dùng, nhờ đó phát hiện cảnh báo các trường hợp bất thường của hệ thống đo đếm để kịp thời kiểm tra.
Ngoài ra, các đơn vị quản lý điện tăng cường kiểm tra hiệu suất trạm công cộng có tổn thất cao; kiểm tra chỉ số tiêu thụ điện năng hằng tháng bất thường từ chương trình quản lý khách hàng để kiểm tra các khách hàng có hiện tượng nghi vấn; thay công tơ cơ bằng công tơ điện tử nhằm tránh sự tác động trộm cắp điện như phá chì kiểm định, khoan lỗ công tơ, lật nghiêng công tơ, đảo pha.
Các công ty thành viên đều thực hiện quy chế phối hợp với Uỷ ban Mật trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trong việc tuyên truyền đến người dân các văn bản pháp luật và các hành vi cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực và tích cực tuyên truyền đến với người sử dụng điện thông qua các sinh hoạt khu phố.