Ông Jérôme Pécresse
|
PV: Ông đánh giá thế nào về mục tiêu phát triển điện gió trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Việt Nam?
Ông Jérôme Pécresse: Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Việt Nam đặt mục tiêu đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức 140 MW hiện nay lên khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Những con số này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng.
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển điện gió như, đường bờ biển dài hơn 3.200 km, tốc độ gió trung bình khoảng 6 – 7 m/s, chất lượng gió khá ổn định. Chính vì vậy, không có lí do gì để Việt Nam không nghiên cứu và đầu tư phát triển mạnh nguồn năng lượng này.
PV: Hiện nay, giá điện gió ở Việt Nam là 7,8 UScent/kWh. Theo ông, với giá này, Việt Nam có thể phát triển điện gió một cách thuận lợi?
Ông Jérôme Pécresse: Cần phải nhấn mạnh rằng, giá điện gió ở Việt Nam hiện nay chưa tiệm cận với giá điện gió của thế giới. Đó chính là nội dung mà GE đang nghiên cứu và thảo luận với Chính phủ Việt Nam. GE xác định những dự án điện gió tiềm năng ở Việt Nam và kêu gọi các nhà đầu tư cùng chung tay xây dựng. Chính phủ Việt Nam cũng cần tạo điều kiện giúp các nhà đầu tư yên tâm về đầu ra.
Hiện nay, GE đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất tua bin và các linh kiện khác tại Hải Phòng, phục vụ cho điện gió tại Việt Nam và xuất khẩu sang châu Âu. Một phần linh kiện sử dụng cho điện gió được sản xuất trong nước sẽ góp phần giảm chi phí nhập khẩu thiết bị, tạo điều kiện thúc đẩy điện gió phát triển.
PV: Một trong những khó khăn ở Việt Nam là công nghệ nối lưới các nguồn điện gió. Vậy GE có giải pháp gì để hỗ trợ, thưa ông?
Ông Jérôme Pécresse: Năm 2015, khi mua lại Alstom, chúng tôi đã mua lại 3 lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn này, trong đó có rất nhiều giải pháp về quản lí và phát triển lưới điện một cách bền vững, giúp lưới điện hoạt động ổn định với những công nghệ, phần mềm quản lí theo thời gian thực đối với những hoạt động trên lưới điện.
Vì vậy, GE hoàn toàn có thể hỗ trợ Việt Nam phát triển điện gió và đấu nối nguồn điện gió vào hệ thống lưới điện quốc gia. Đồng thời, GE cũng sẽ cung cấp công nghệ giúp quản lý lưới điện quốc gia hoạt động ổn định hơn, có thể bù đắp các nguồn năng lượng khác trong những thời điểm điện gió không đủ công suất.
Cách đây khoảng 2 năm, chúng tôi đã hoàn thành nghiên cứu về lưới điện của Việt Nam với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kì (USTDA). Nghiên cứu này cho thấy, kết cấu hạ tầng lưới điện Việt Nam tương đối tốt và có thể tiếp nhận được khoảng 6 GW điện gió mà không cần thay đổi hay đầu tư thêm vào hệ thống lưới điện. Lưới điện này cũng có thể tiếp nhận nhiều nguồn điện khác nhau, đặc biệt là thủy điện với khả năng thay đổi công suất rất nhanh, cho phép bù trừ vào lưới điện khi điện gió không đủ để đáp ứng nhu cầu.
Ảnh minh họa
|
PV: Hiện nay, Việt Nam có hơn 40 dự án điện gió được cấp phép và thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư của CHLB Đức. GE sẽ cạnh tranh như thế nào trong việc cung cấp thiết bị cho những dự án này?
Ông Jérôme Pécresse: Hiện nay Việt Nam mới chỉ có duy nhất nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị, tua bin điện gió của GE đặt tại Hải Phòng. Đây là lợi thế lớn nhất của GE trong việc cạnh tranh về công nghệ, chất lượng cũng như giá cả với các nhà đầu tư khác khi phát triển điện gió. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, chúng tôi có thể bán các tua bin điện gió hay linh kiện cho các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư đến từ CHLB Đức.
PV: Căn cứ vào đâu ông lại khẳng định, khả năng phát triển 2.000 MW điện gió trong tương lai của Việt Nam là khả thi?
Ông Jérôme Pécresse: Từ nay tới năm 2025, vẫn còn khá nhiều thời gian để thực hiện mục tiêu 2.000 MW. Khác với dự án thủy điện cần thời gian dài xây dựng, mỗi dự án điện gió chỉ cần nhiều nhất là 15 - 18 tháng. Cùng với những tiềm năng sẵn có của Việt Nam, để các dự án có thể thành công phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn các đối tác uy tín và tin cậy trong lĩnh vực này. Là một Tập đoàn có nhiều năm kinh nghiệm và năng lực về công nghệ kỹ thuật, chúng tôi tin tưởng GE sẽ hỗ trợ tối đa cho Việt Nam phát triển mạnh nguồn năng lượng này.
Hiện nay, các nhà máy điện gió đã có quy mô lớn hơn, đồng thời đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm dần sự phụ thuộc vào những nguồn năng lượng sơ cấp nhập khẩu như than hay khí đốt. Vì vậy, chúng tôi tin rằng, mục tiêu phát triển 2.000 MW điện gió vào năm 2015 tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, chúng ta không thể chờ đợi mà phải bắt tay vào thực hiện ngay từ bây giờ!
PV: Xin cảm ơn ông!