Phát triển khoa học công nghệ ngành Điện: Phấn đấu đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến thế giới

Nghị quyết số 11-NQ/ĐU về phát triển Khoa học công nghệ (KHCN) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nêu rõ, đến năm 2030 hầu hết các lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh và dịch vụ khách hàng phải đạt trình độ tiên tiến thế giới, đáp ứng được các yêu cầu của một nước công nghiệp.

Đột phá từ ứng dụng KHCN

Trong những năm qua, hoạt động KHCN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả cao về nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Nhiều công trình điện trọng điểm được đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, góp phần đưa trình độ KHCN ngành Điện tiệm cận trình độ tiên tiến trong khu vực.

Cụ thể, công suất tổ máy tua bin khí tăng lên 330 MW/tổ máy; công suất tổ máy nhiệt điện đạt 300-330 MW, công suất tổ máy của nhiệt điện than đạt 600-660 MW. Công nghệ đập bê tông đầm lăn là công nghệ tiên tiến đã được sử dụng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hệ thống truyền tải đã không ngừng mở rộng với nhiều đường dây và TBA có cấp điện áp 500 kV, các TBA có công nghệ cách điện bằng khí...; Tập đoàn đã đưa vào vận hành hệ thống thu thập dữ liệu và điều khiển giám sát tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và 3 Trung tâm Điều độ tại 3 miền....

Thực tế cho thấy, năng lực nội tại về KHCN của Tập đoàn ngày càng được cải thiện, nâng cao, từng bước tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ khách hàng và đầu tư xây dựng. Hoạt động quản lý KHCN đã từng bước được đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, chế tạo máy biến áp (MBA) cấp điện áp 500 kV đầu tiên công suất 3 x 150 MVA, đưa vào vận hành năm 2011; EVN đã đầu tư xây dựng và mua sắm nhiều thiết bị cho các phòng thí nghiệm trọng điểm cao áp, phòng thí nghiệm thuỷ lực; phòng thí nghiệm sét Gia Sàng; phòng thí nghiệm chất đốt và khí sinh học...

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, hoạt động KHCN vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Mô hình tổ chức hiện tại của EVN chưa có đơn vị đầu mối thực hiện chức năng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KHCN; năng lực nghiên cứu KHCN trong Tập đoàn còn hạn chế; năng lực KHCN của đội ngũ cán bộ kỹ thuật hiện chưa tương xứng với sự gia tăng về hàm lượng KHCN trong các thiết bị hiện đại được tiếp nhận và vận hành trong hệ thống điện.

Bên cạnh đó, mức độ chuyển giao công nghệ trong các dự án đầu tư xây dựng công trình, mua sắm trang thiết bị chưa đồng bộ. EVN với vai trò là người vận hành công trình, sử dụng sản phẩm, nên mối quan tâm chủ yếu chỉ dừng lại ở phạm vi hướng dẫn sử dụng, khai thác, vận hành mà chưa có các hợp đồng chuyển giao công nghệ sao cho đạt được hiệu quả cao nhất.

EVN luôn chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực 

Giải pháp phát huy hiệu quả

Đảng ủy Tập đoàn đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020, KHCN điện phải đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030 hầu hết các lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới; KHCN điện phải đáp ứng được các yêu cầu của một nước công nghiệp. Từ đó, huy động có hiệu quả các nguồn lực về KHCN, góp phần tăng năng suất lao động trong Tập đoàn, vượt 2 lần mức tăng bình quân cả nước. Hình thành đội ngũ cán bộ KHCN điện có trình độ cao, tâm huyết, tận tụy, đồng thời phát triển các tổ chức nghiên cứu KHCN, các chuyên gia KHCN điện đầu ngành.

Để hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu trên, từ năm 2018 cần tập trung thực hiện tốt 4 nhóm giải pháp sau:

1. Đổi mới tư duy, nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể; phát huy sáng kiến, sáng tạo trong phát triển, ứng dụng KHCN. Trong đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo đơn vị, các đoàn thể chính trị - xã hội về về vai trò của KHCN đối với sự phát triển của Tập đoàn. Phải xác định, phát huy và phát triển KHCN là một nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị; là một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng của người đứng đầu. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KHCN với nhiệm vụ cơ quan, đơn vị.

2. Tập trung nguồn lực phát triển, ứng dụng công nghệ nguồn và lưới điện hiện đại, hiệu suất cao, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, bảo vệ môi trường; ứng dụng rộng rãi công nghệ tiện ích cao trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Cụ thể, ứng dụng công nghệ đốt than sạch, tiên tiến như, lò siêu tới hạn, trên siêu tới hạn... Sử dụng các tổ máy công suất lớn, tăng hiệu suất phát điện, với tổ máy than phun, công suất tối thiểu 600 MW nâng dần lên 1000 MW.

Đến hết 2017, hoàn thành lắp đặt 100% công tơ điện tử đo xa cho tất cả công tơ ranh giới, đầu nguồn phục vụ giao nhận điện giữa các đơn vị trực thuộc Tổng công ty điện lực, công tơ tổng TBA công cộng, công tơ bán điện khách hàng TBA chuyên dùng. Đến 2020, hoàn thành lắp đặt công tơ điện tử cho khách hàng sau TBA công cộng...

Nghiên cứu phát triển các hệ thống giám sát diện rộng, bảo vệ diện rộng, các hệ thống tự động ngăn chặn, cô lập sự cố. Áp dụng trạm không người trực, điều khiển xa TBA. Đến hết năm 2020: 100% trạm 110 kV, 60% trạm 220 kV là trạm không người trực; phấn đấu 50% TBA 500 kV là trạm bán người trực.

3. Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ KHCN. Trong đó, thành lập trung tâm đào tạo bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, ứng dụng KHCN của EVN; tổ chức lại các đơn vị sản xuất sản phẩm, thiết bị điện; nghiên cứu tổ chức bộ phận quản lý KHCN, hoặc hệ thống mạng lưới cán bộ quản lý KHCN tại các đơn vị.

4. Xây dựng lộ trình thích hợp và xác định thứ tự ưu tiên những nhiệm vụ trọng tâm. Trong năm 2017, 2018, tập trung ưu tiên hoàn thiện về tổ chức, quản lý; quản trị, điều hành; sản xuất vận hành, đầu tư xây dựng; kinh doanh dịch vụ khách hàng. Các năm 2019, 2020, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh và nghiên cứu xây dựng hạ tầng cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; nghiên cứu nâng cấp, thay thế, loại bỏ các thiết bị có công nghệ lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; hoàn thành hệ thống quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ theo cấp độ 4 của dịch vụ công theo quyết định 31 của Thủ tướng Chính phủ.  
 


  • 21/02/2018 11:22
  • Theo TCDL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 12491