Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết: “Trong bối cảnh tiềm năng các loại năng lượng như thủy điện, điện khí… đã đạt tới hạn, điện hạt nhân tạm dừng, các loại năng lượng tái tạo khác chi phí đầu tư lớn và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, thì việc phát triển nhiệt điện than tại nước ta cần được quan tâm đúng mức để đảm bảo an ninh năng lượng".
Ông cũng nhấn mạnh, phát triển nhiệt điện than phải gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. “Vấn đề tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện than thời gian qua đang gặp nhiều khó khăn, do thiếu các cơ chế, chính sách, các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp. Đặc biệt, cần phải khẳng định rõ ràng, tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than không phải là chất thải nguy hại” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.
Theo ông Bùi Phạm Khánh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, lượng tro, xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than sẽ là thách thức rất lớn đối với môi trường cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội, khi các nhà máy không có đủ bãi chứa. Do đó, việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao là yêu cầu cấp thiết đối với Chính phủ cũng như các bộ, ngành, các địa phương nơi có nhà máy điện than, đặc biệt đối các doanh nghiệp sản xuất điện than.
Hiện nay, trên thế giới, việc sử dụng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng, làm vật liệu san lấp, lót nền đường đã rất phổ biến. Thậm chí, nhiều nhà máy nhiệt điện than của một số quốc gia lớn trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, bãi xỉ gần như trống trơn vì các đối tác đã tiêu thụ rất nhanh chóng.
Ở nước ta, một số loại vật liệu xây dựng được sản xuất từ tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện cũng đang được nghiên cứu hoặc ứng dụng như: Sử dụng tro tuyển làm phụ gia bê tông; tro, xỉ làm phụ gia xi măng; làm vật liệu gia cố nền; vật liệu san lấp; làm gạch không nung, gạch bê tông nhẹ, gạch bê tông chưng áp...
“Riêng với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện nay chúng ta đang dùng cát từ các dòng sông để san lấp nền đường. Điều này là rất lãng phí. Do vậy, chúng tôi đang rất kỳ vọng vào đề tài của Trường Đại học Xây dựng, sớm sử dụng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện để san lấp nền đường, nhằm tăng hiệu quả hiệu quả kinh tế chung của xã hội” - Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh cho hay.
Được biết, hiện nay các công trình giao thông, công trình đường bộ tại khu vực ĐBSCL đã phải nhập cát từ Campuchia với giá rất cao. Bên cạnh đó, công tác sản xuất xi măng mặc dù được đầu tư rất tốt, nhưng chi phí cho chất liên kết này còn rất lớn. Do vậy, nhu cầu về vật liệu thay thế cho vật liệu tự nhiên (khi đắp nền) hoặc thay thế một phần chất liên kết vô cơ (khi gia cố nền đường) là vô cùng cần thiết đối với ngành xây dựng đường bộ. Điều đó đang mở ra một thị trường mới tiêu thụ tro xỉ.
Việt Nam:
- Hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, thải ra khoảng hơn 16 triệu tấn tro xỉ, thạch cao/năm.
- Năm 2020, dự kiến có thêm 12 dự án nhiệt điện than, tổng lượng tro bay, xỉ đáy lò ước khoảng 22,6 triệu tấn/năm.
Riêng tại ĐBSCL:
- Hiện có 3 cụm nhiệt điện than, tổng công suất lắp đặt 1.445 MW, thải ra khoảng 1,8 triệu tấn tro, xỉ/năm.
- Năm 2020, dự kiến tổng công suất nhiệt điện là 5.505 MW, tiêu thụ khoảng 16,52 triệu tấn than/năm và thải ra khoảng 4,13 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao/năm…
|