Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam: Tín hiệu từ EVN HCMC

Triển khai lưới điện thông minh (Smart Gid) là mục tiêu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhằm từng bước hiện đại hóa hệ thống lưới điện. Đi tiên phong trong lĩnh vực này là Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC).

Mục tiêu lớn

Tại Việt Nam, Đề án Phát triển lưới điện thông minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 8/11/2012. Mục tiêu tổng quát của đề án là “Phát triển lưới điện thông minh với công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện; góp phần trong công tác quản lý nhu cầu điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động, giảm nhu cầu đầu tư vào phát triển nguồn và lưới điện; tăng cường khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.

Ảnh minh họa

Trên cơ sở Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về phát triển lưới điện thông minh, EVN HCMC đã nhanh chóng cụ thể hóa bằng việc xây dựng kế hoạch triển khai ngay từ tháng 1/2013. Phó Tổng giám đốc EVN HCMC – ông Trần Kim Tuấn - Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Đề án, cho biết, EVN HCMC xác định, phát triển Smart Grid trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có mục tiêu dài hạn nhằm giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung ứng điện, đảm bảo mỹ quan và an toàn hệ thống điện toàn thành phố, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế  - xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là một trong những bước đi trong lộ trình hiện đại hóa ngành Điện thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến 2020.

Với những nhóm giải pháp và lộ trình thực hiện một cách khoa học, hợp lý, đến nay, Tổng công ty đã thu được những thành quả bước đầu. Cuối năm 2013, độ tin cậy trong cung ứng điện trên toàn thành phố đã được nâng lên. Trong đó, chỉ số SAIFI (số lần mất điện/năm) giảm 27,72%; chỉ số SAIDI (tổng thời gian mất điện) giảm 33,94% so với năm 2012. Theo đó, tỷ lệ tổn thất giảm xuống còn 5,3% nhờ các giải pháp đồng bộ như: Xây dựng phương thức vận hành hợp lý; xử lý các máy biến thế non tải, quá tải; cân pha, thay đổi điểm dừng hợp lý; bảo trì hệ thống đo đếm và chống câu móc điện bất hợp pháp, quản lý điện kế, quản lý chỉ số, tổn thất khu vực...

Đặc biệt, EVN HCMC đã chủ trì và phối hợp với các tổng công ty phân phối điện xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật hạ tầng đo đếm tiên tiến AMI dùng chung cho cả Tập đoàn. Đến nay, các nội dung đang được hoàn thiện để báo cáo EVN thông qua và trình Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt.

Đối với các dự án tự động hóa lưới phân phối điện – nội dung quan trọng nhất của Smart Grid, trong năm 2013, Tổng Công ty đã phối hợp với Cục Điều tiết điện lực Tập đoàn Honeywell thực hiện Dự án thí điểm điều khiển phụ tải ADR. Mục tiêu Dự án này nhằm thử nghiệm áp dụng giải pháp kỹ thuật tự động điều chỉnh phụ tải để góp phần cân bằng cung cầu trong hệ thống điện phân phối, thử nghiệm cơ chế khuyến khích đối với khách hàng tham gia hoạt động điều chỉnh phụ tải và hỗ trợ khả năng cung cấp điện của khu vực áp dụng thí điểm, đặc biệt là những giờ cao điểm, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện của lưới phân phối.  

Cũng trong năm 2013, Dự án thí điểm tự động hóa lưới điện (DAS) với quy mô 2 phát tuyến trung thế nổi tại khu vực quận 7 đã được EVN HCMC triển khai thành công. Đồng thời, Tổng công ty cũng đang xúc tiến triển khai thí điểm hệ thống mini-SCADA. Đặc biệt, để chuẩn bị đội ngũ nhân sự trong dài hạn, EVN HCMC đang đẩy nhanh việc xem xét, hợp tác đào tạo với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm thực hiện các dự án phát triển lưới điện thông minh, chủ động tạo ra nguồn nhân lực có khả năng nắm bắt và làm chủ công nghệ Smart Grid.

Những thành công bước đầu mà EVN HCMC đạt được trong việc triển khai lưới điện thông minh chính là tín hiệu vui, chứng tỏ hướng đi đúng của ngành Điện, đồng thời cũng minh chứng cho thấy tính khả thi của Đề án này.

Một số nội dung chính các đơn vị liên quan (Bộ Công Thương, EVN và các đơn vị trực thuộc) dự kiến triển khai trong năm 2014:

- Đẩy mạnh chương trình vận hành hiệu quả hệ thống điện, kết nối SCADA, công tơ đo xa; tối ưu vận hành lưới truyền tải, lưới phân phối.
- Thử nghiệm Trung tâm điều khiển từ xa của Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi;
- Thử nghiệm trang bị tự động hóa, điều khiến từ xa các trạm biến áp và hệ thống phân phối DAS…
 

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo:

Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị liên quan trong lĩnh vực điện cần phối hợp chặt chẽ, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình trên diện rộng, đồng bộ ở tất cả các khâu, dự án trong Đề án tổng thể. Đối với mỗi nhiệm vụ, cần lên kết hoạch chi tiết và tiêu chí hóa, đánh giá thường xuyên để có giải pháp hoặc đề xuất cơ chế phù hợp.

(Tại cuộc họp về công tác triển khai đề án lưới điện thông minh ngày 13/2/2014)

Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Trần Đình Long: Đề án lưới điện thông minh là một trong những đề án có mục tiêu lớn và khá “tham vọng”. “Tuy nhiên, đây đồng thời cũng là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế phát triển chung cũng như yêu cầu hiện đại hóa của một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù như ngành Điện.”

 


  • 16/05/2014 07:14
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 7208


Gửi nhận xét