Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: EVN cần đảm bảo vững chắc an ninh cung ứng điện

Sáng 12/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của EVN. Trang tin evn.com.vn lược ghi bài phát biểu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

 

Một số nội dung EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:

- Chấp thuận bảo lãnh thu xếp vốn cho các dự án nguồn điện do EVN làm chủ đầu tư. 

- Phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.     

- Phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án Nhiệt điện Quảng Trạch II.

- Chỉ đạo các địa phương hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn và lưới điện.

Một số nội dung EVN kiến nghị Bộ Công Thương:

- Sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII để làm cơ sở cho EVN các đơn vị triển khai thực hiện.

- Đẩy mạnh thực hiện các Chương trình Quản lý nhu cầu điện (DSM), Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Hoàn thiện các cơ chế chính sách để thúc đẩy tiến độ nguồn khí Lô B, Cá Voi Xanh và các dự án nguồn điện đồng bộ tại các Trung tâm Điện lực Ô Môn, TBK miền Trung, Dung Quất.

   

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương cán bộ, nhân viên và người lao động toàn Tập đoàn đã đoàn kết, nỗ lực lao động, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 nói riêng và cả giai đoạn 2016 - 2020.

Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhấn mạnh yêu cầu phải đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, với mục tiêu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025; trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Những yêu cầu nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ tới đã đặt ra cho ngành Điện nói chung, EVN nói riêng nhiệm vụ năm 2021 và những năm tới là hết sức nặng nề. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trong thời gian tới, EVN bảo đảm vững chắc an ninh cung ứng điện; cung cấp đầy đủ điện năng ổn định, có chất lượng cao, với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Phải phát triển hạ tầng ngành Điện đồng bộ, thông minh và hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Đẩy nhanh việc xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Ngọc Tuấn

Phải khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Phải chủ động để sản xuất được một số thiết bị chính trong ngành; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

Đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng; phải nâng cao hơn nữa khâu dịch vụ khách hàng, tiếp tục phát huy thành tích tiên phong phục vụ người dân và doanh nghiệp qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN trước hết, cần tham mưu, phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện hoàn thành quy hoạch điện VIII. Chủ động tham mưu đề xuất xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện đáp ứng yêu cầu đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Huân chương Lao động hạng Nhì và Huân chương Lao động hạng Ba cho những cá nhân thuộc EVN. Ảnh: Ngọc Tuấn

Vận hành an toàn, ổn định và tối ưu hệ thống điện quốc gia để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước. Đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện đồng bộ theo quy hoạch và kế hoạch được duyệt.

Phát triển nguồn điện mới đi đôi với đầu tư chiều sâu, sử dụng công nghệ hiện đại; nghiên cứu đổi mới công nghệ các nhà máy điện đang vận hành, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường.

Đa dạng hóa các loại hình phát điện, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo với tỷ trọng hợp lý. Đầu tư phát triển lưới điện đồng bộ với phát triển nguồn điện; khắc phục triệt để hiện tượng quá tải tại một số đường dây và trạm biến áp, đặc biệt chú trọng việc giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.

Nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại để nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống lưới điện nhằm khai thác hiệu quả mọi nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và nâng cao chất lượng điện năng.

Thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành Điện. Thực hiện các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động; thu hẹp, tiến tới đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực về năng suất lao động.

Tăng cường công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiêu thụ điện, từng bước thay thế các công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều điện năng bằng các công nghệ tiêu hao ít điện năng. Tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện sâu rộng trong toàn xã hội.

Chủ tịch CMSC Nguyễn Hoàng Anh (thứ 5, từ trái sang) trao Cờ thi đua của CMSC cho những tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020. Ảnh Ngọc Tuấn

Phó Thủ tướng yêu cầu EVN đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động, xây dựng cơ chế tiền lương và thu nhập của lao động ngành Điện, chế độ đãi ngộ nhân tài phù hợp quy định của Nhà nước.

Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) và các Bộ Công Thương, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Xây dựng,… tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh các thủ tục về quản lý vốn, tài sản, đầu tư xây dựng để EVN thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các địa phương cùng với EVN quản lý chặt chẽ các hồ, đập, công trình điện; tạo thuận lợi về mặt bằng để Tập đoàn triển khai các công trình, dự án điện đúng tiến độ.

Những nội dung kiến nghị của EVN tại hội nghị này đã được Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với CMSC tổng hợp, đề xuất phương án xử lý, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ.

Một số chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2021 của EVN:

- Điện thương phẩm: 228,156 tỷ kWh, tăng 5,16% so với năm 2020;

- Chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện: chỉ số SAIDI thấp hơn 349 phút;

- Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn: dưới 6,35%;

- Chỉ số tiếp cận điện năng: duy trì vị trí trong ASEAN 4;

- Tổng giá trị đầu tư xây dựng: 97.124 tỷ đồng;

- Bảo toàn và phát triển vốn; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, kinh doanh có lợi nhuận.

 


  • 12/01/2021 01:00
  • Huyền Thương
  • 3132