Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và các lãnh đạo bộ, ban, ngành... ném đá ngăn sông Đà đợt 1 công trình Thủy điện Lai Châu
|
Tính đến thời điểm này, công tác thi công các hạng mục công trình đảm bảo đủ điều kiện ngăn sông đợt 1. Cụ thể các nhà thầu đã hoàn thành đào hố móng vai phải, đang triển khai đào hố móng vai trái với tổng khối lượng đào hơn 12 triệu m3, cơ bản hoàn thành đào bóc phủ mỏ đá với khối lượng gần 4 triệu m3; đổ bê tông công trình dẫn dòng đạt cao độ tối thiểu 215 m với khối lượng trên 145 nghìn m3… và nhiều hạng mục công trình khác đang được thi công đảm bảo tiến độ.
Các đơn vị thi công tiến hành ngăn sông Đà đợt 1 công trình Thủy điện Lai Châu
|
Phát biểu tại lên ngăn sông, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tuyên dương nỗ lực và quyết tâm của chủ đầu tư, tổng thầu và các đơn vị liên quan đã đảm bảo mốc tiến độ ngăn sông đợt 1. Phó thủ tướng chỉ đạo: Mục tiêu của công trình từ sau lễ ngăn sông cần tập trung vào 4 nội dung chính. Đó là: Tập trung mục tiêu chống lũ; đảm bảo cuộc sống của đồng bào di dân tái định cư; các đơn vị thi công đảm bảo đúng tiến độ chất lượng công trình; Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn giám sát tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu tiến độ tiếp theo của dự án.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tặng hoa chúc mừng các đơn vị thi công tại công trường
|
Lễ ngăn sông Đà đợt 1 xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu vào thời điểm này có ý nghĩa quyết định đến tiến trình thực hiện dự án. Đây là công trình thủy điện không những có vai trò quan trọng trong việc cung cấp một sản lượng điện lớn cho hệ thống điện quốc gia, cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa khô mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu và Điện Biên.
Đối với tỉnh Lai Châu, việc xây dựng nhà máy thủy điện tại đây được đánh giá là một cơ hội đặc biệt giúp địa phương chuyển dịch sản xuất, bố trí lại dân cư, cơ cấu kinh tế, xây dựng hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và nâng cao đời sống nhân dân. Với Mường Tè - một trong số ít huyện đặc biệt khó khăn trên cả nước thì dự án sẽ tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Toàn cảnh công trường Thủy điện Lai Châu
|
Nhà máy Thủy điện Lai Châu:
Các tổ chức, đơn vị tham gia dự án:
· Chủ đầu tư:
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư dự án: Xây dựng công trình thủy điện Lai Châu; Đường giao thông tránh ngập tỉnh lộ 127 và đường tránh ngập đoạn Mường Tè - Pắc Ma; Lập Quy hoạch tổng thể bồi thường di dân, tái định cư.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu làm chủ đầu tư dự án bồi thường di dân, tái định cư. Dự án sẽ bồi thường di dân, tái định cư cho 1.331 hộ/5.867 khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp thuộc địa bàn 8 xã và 1 thị trấn; 617 hộ/3.873 khẩu bị ảnh hưởng gián tiếp thuộc địa bàn của 3 xã.
·Đại diện Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La.
· Đơn vị tư vấn thiết kế chính: Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1.
· Tổ hợp nhà thầu thi công công trình chính: Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn.
Quy mô dự án:
+ Diện tích lưu vực: 26.000 km2
+ Mực nước dâng bình thường: 295 m
+ Mực nước chết: 265 m
+ Dung tích hồ chứa: 1.215,1 triệu m3
+ Công suất lắp máy: 1.200 MW (3 tổ máy x 400 MW).
+ Điện lượng trung bình nhiều năm: 4.692,6 triệu kWh (ngoài ra tăng cho các công trình bậc dưới 105,6 triệu kWh).
+ Cấp công trình: Cấp đặc biệt.
+ Tổng mức đầu tư sau thuế: 35.700 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của EVN chiếm 20%, còn lại 80% là vốn vay thương mại trong, ngoài nước, vay tín dụng ưu đãi đầu tư.
Tiến độ thực hiện dự án:
· Khởi công công trình: Ngày 05/01/2011.
· Ngăn sông đợt 1: Ngày 24/4/2012.
· Ngăn sông đợt 2: Dự kiến tháng 11 năm 2012.
· Đóng cống dẫn dòng và tích nước hồ chứa: Dự kiến tháng 5 năm 2015.
· Phát điện tổ máy số 1: Dự kiến tháng 3 năm 2016.
· Hoàn thành công trình: Dư kiến năm 2017.