Quy hoạch điện VII: Nhiệt điện gánh vai chủ đạo

Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than chiếm khoảng 75.000 MW, sản lượng điện khoảng 394 tỷ kWh, chiếm 54,6% tổng lượng điện sản xuất. Để đảm bảo được cơ cấu nguồn điện theo quy hoạch này, ước tính phải cần tới hơn 170 triệu tấn than cho các nhà máy nhiệt điện.

Hướng đi đúng…

Nhìn chung, trong cơ cấu nguồn điện của nhiều nước trên thế giới, nhiệt điện đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là nhiệt điện than. Tuy nhiên, ở nước ta, thủy điện hiện vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu nguồn điện. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi nước ta có tiềm năng về thủy điện khá lớn và giá thành sản xuất điện từ thuỷ điện thấp hơn so với các nhiệt điện, điện hạt nhân và năng lượng tái tạo…

Tuy nhiên, từ nay đến 2020, dù công suất nguồn thuỷ điện vẫn đạt 17.400 MW, nhưng theo Quy hoạch, sẽ không có nhà máy thủy điện lớn nào tầm cỡ Ialy, Sơn La, Lai Châu…. Bởi đến nay, tiềm năng thuỷ điện được chúng ta khai thác khá triệt để. Trong khi nhu cầu sử dụng điện vẫn ngày càng tăng cao. Vì vậy, để có thể đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội, cần tập trung phát triển nhiệt điện là hướng đi đúng.

Trong Quy hoạch điện VII, đến năm 2020, nhiệt điện sẽ chiếm gần 60%, trong đó chủ yếu là nhiệt điện đốt than, chiếm khoảng 48%, nhiệt điện khí đóng góp 16,5%.

 So với thủy điện, nhiệt điện than có ưu điểm là thời gian xây dựng ngắn hơn, lại không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu như thủy điện, nên tính chủ động cao hơn, số giờ vận hành của nhiệt điện trong năm cũng ổn định hơn.

Vẫn còn đó, nhiều việc phải làm

Bên cạnh những ưu điểm dễ thấy, nhiệt điện than cũng có nhiều nhược điểm, như phát thải gây ô nhiễm môi trường… Đặc biệt, theo tính toán, lượng than trong nước cũng đang ngày càng cạn kiệt, than dành cho các nhà máy nhiệt điện cũng chỉ có thể đáp ứng đến năm 2015. Như vậy, để triển khai Quy hoạch điện VII một cách hiệu quả, vấn đề nhập khẩu than phải được tính toán kỹ và bắt đầu phải chuẩn bị nhập khẩu than ngay từ bây giờ.

Hiện nay, đã có một số dự án nhiệt điện thiết kế sử dụng than nhập khẩu như Vân Phong, Quảng Trạch, Long Phú, Duyên Hải… Đây là những nhà máy nhiệt điện có công suất khá lớn và dự kiến sẽ vận hành vào khoảng năm 2016, 2017… Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch nhập khẩu than vẫn khó triển khai vì nguồn than thế giới ngày càng cạn kiệt, giá bán than trên thế giới biến động liên tục, khó lường, việc ký hợp  đồng nhập khẩu than dài hạn các nước có nguồn than lớn như Indonesia hay Australia hầu như không khả thi.

Bên cạnh đó, vấn đề kết cấu hạ tầng như cảng trung chuyển than, đường vận chuyển than từ cảng đến nhà máy… cũng cần được tính đến. Nếu các yếu tố này không được tính toán kỹ và chủ động, thì các nhà máy điện than khó có thể “về đích” đúng hẹn

Theo tính toán của các chuyên gia, vấn đề đặt ra trong xây dựng các nhà máy nhiệt điện than là sẽ phải làm sao bố trí địa điểm xây dựng nhà máy hợp lý, nhằm phân bổ, cân đối công suất các nhà máy nhiệt điện than giữa các vùng miền. Qua đó hạn chế việc truyền tải điện Bắc - Nam, giảm tổn thất, nâng cao chất lượng điện năng, đảm bảo có nguồn cấp cho từng miền, từng khu vực… 

Với các dự án nhiệt điện khí, trữ lượng khí thường chứa các yếu tố không chắc chắn. Do đó, phát triển nhiệt điện than nhập khẩu là một hướng đi đúng và cũng là “bất khả kháng”.

Để chuẩn bị cho các dự án nhiệt điện vận hành theo đúng Quy hoạch điện VII, cần sớm quan tâm nghiên cứu thị trường than quốc tế, hoạch định phát triển kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu nhập khẩu than, cũng như tính toán kỹ các vấn đề môi trường liên quan đến nhập khẩu than… Có như vậy, nhiệt điện mới có thể phát triển bền vững, đảm bảo vai trò chủ đạo trong cơ cấu nguồn điện từ nay đến 2020 và xa hơn là đến 2030.


  • 29/12/2011 11:17
  • Theo TCĐL
  • 5068


Gửi nhận xét