Quy hoạch điện VII (điều chỉnh): "Nóng" chuyện tìm nguồn vốn

Gần 40 tỷ USD là tổng số vốn đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện từ nay đến năm 2020 (theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Làm thế nào để huy động đủ số vốn khổng lồ này đang là vấn đề “nóng” đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan.

Giai đoạn 2016 - 2030, mục tiêu quan trọng hàng đầu của Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) là cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng được mức tăng trưởng bình quân GDP khoảng 7%/năm. Theo đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu đến năm 2020  khoảng 265 - 278 tỷ kWh; năm 2025 khoảng 400 - 431 tỷ kWh và năm 2030 khoảng 572 - 632 tỷ kWh.

Để thu xếp đủ vốn cho các công trình điện, trách nhiệm không chỉ thuộc về riêng EVN 

Để hoàn thành mục tiêu này, đến năm 2020, tổng công suất các nguồn điện phải đạt khoảng 60.000 MW. Đến năm 2025, tổng nguồn điện phải đạt 96.500 MW và năm 2030 là 129.500 MW. Như vậy, từ nay đến năm 2020, Việt Nam phải hoàn thành và đưa vào vận hành khoảng 21.200 MW công suất nguồn điện các loại. 

Đối với hệ thống lưới điện truyền tải, từ nay đến năm 2030, tổng chiều dài đường dây 500 kV dự kiến xây dựng thêm là 10.052 km; đường dây 220 kV là 14.999 km; tổng dung lượng các trạm 500 kV phải bổ sung là 76.650 MVA và 101.604 MVA đối với các TBA 220 kV.

Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), tổng vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện (không tính các nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT) giai đoạn 2016 - 2030 khoảng 148 tỷ USD. Chỉ tính riêng từ nay đến 2020, mỗi năm ngành Điện cần khoảng 7,9 tỷ USD (khoảng hơn  160.000 tỷ đồng) để xây dựng nguồn và lưới điện.  

Thách thức phía trước… 
Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) – ông Trần Viết Ngãi, Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên cần đầu tư nguồn vốn lớn xây dựng hệ thống nguồn và lưới điện đồng bộ. Thực tế cho thấy, để có được hệ thống điện lớn như hiện nay, hơn 40 năm qua, bên cạnh nguồn vốn tự có, được sự bảo lãnh của Chính phủ, EVN còn phải huy động nhiều nguồn vốn khác như: Vốn ODA, vay từ các ngân hàng thương mại… trong đó vốn nước ngoài chiếm 80%.

Số vốn khổng lồ cần có theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh)  là một thách thức lớn, vượt quá khả năng tự huy động của EVN. Trong khi xét về nguồn thu, EVN dựa vào giá bán điện là chính. Đặc biệt, trong những năm gần đây, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện như than, khí… ngày càng tăng, dẫn đến giá thành sản xuất điện cũng tăng theo.

Trong khi đó, giá bán điện tăng không đáng kể và chịu áp lực từ chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và các vấn đề an sinh xã hội... Điều này cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận tích lũy của ngành Điện cho đầu tư phát triển không nhiều. Mặt khác, với vai trò là DNNN, EVN vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội… dẫn đến nguồn lực bị phân tán.

Ông Allard M. Nooy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng tái tạo Lào Cai: 
Để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách ổn định, lâu dài, làm yên lòng các nhà đầu tư; xem xét giải pháp giảm bớt rủi ro về tỷ giá hối đoái;... Mặt khác, cần thay đổi biểu giá điện hấp dẫn hơn nhưng có tính toán đến những đối tượng có thu nhập thấp trong xã hội.

Đến nay, nguồn vốn khả thi nhất để thực hiện các dự án điện chính là các nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài. Tuy nhiên, Chính phủ và các tổ chức quốc tế tài trợ vốn ngày càng thắt chặt các điều kiện cho vay và sử dụng loại vốn này.

Ví dụ, không cho vay phát triển các dự án nhiệt điện than nếu công nghệ cũ, lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Giả sử có đủ điều kiện thì thời gian từ khi bắt đầu đàm phán ký kết hợp đồng vay vốn đến khi hợp đồng có hiệu lực giải ngân là cả một thời gian khá dài, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các dự án. Chưa kể, các dự án còn chịu nhiều rủi ro do tỷ giá hối đoái biến động thất thường.

Giải pháp có thể “gỡ khó” cho vấn đề này là khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển hệ thống điện. Tuy nhiên, do các dự án điện cần vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lại kéo dài và nhiều rủi ro, trong khi giá bán điện thấp nên rất  khó thu hút các doanh nghiệp tham gia. 

Lựa chọn giải pháp nào?
Trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), Chính phủ cũng đã đưa ra các nhóm giải pháp tạo nguồn vốn đầu tư phát triển ngành Điện như: Thực hiện cổ phần hóa các tổng công ty trực thuộc EVN và các đơn vị năng lượng khác; từng bước tăng khả năng huy động tài chính nội bộ trong các doanh nghiệp ngành Điện (vốn tự tích lũy); bản thân các Tập đoàn năng lượng phải nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất, kinh doanh để đạt được tín nhiệm tài chính cao làm cơ sở tự huy động vốn mà không cần bảo lãnh của Chính phủ; tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước; thực hiện liên doanh, liên kết nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển các dự án điện cũng như các nguồn viện trợ phát triển ưu đãi, vay thương mại...

Bên cạnh đó là giải pháp về giá bán điện theo cơ chế thị trường, tạo môi trường đầu tư, khuyến khích cạnh tranh toàn diện...

Theo các chuyên gia kinh tế, các giải pháp trên khá toàn diện nhưng mang tính định hướng, quan trọng là triển khai như thế nào trong thực tế? Muốn vậy, cần có các cơ chế, chính sách cụ thể, chi tiết và đồng bộ, mới có thể thực sự tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia. Nếu chỉ riêng EVN hay các tập đoàn năng lượng như TKV, PVN thì chưa thể đủ sức thực hiện. 

Tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (không tính các nguồn điện được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT):

Giai đoạn

Tổng vốn đầu tư (tỷ USD)

Trung bình mỗi năm (tỷ USD)

Tỷ lệ đầu tư nguồn điện (%)

Tỷ lệ đầu tư lưới điện (%)

2016 - 2020

40

7,9

75

25

2021 - 2030

108

10,8

74

26


  • 26/07/2016 02:22
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề QLHN
  • 9311