Sử dụng tro xỉ thải làm VLXD ở Đồng bằng sông Cửu Long: Hiệu quả “kép” trong đầu tư xây dựng

Theo Bộ Công Thương, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 2 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành và 8 nhà máy đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 có công suất 1.200 MW, nhiệt điện Duyên Hải 3 và 3 mở rộng có công suất 1.860 MW.

4 năm mất diện tích bằng một xã

Theo tính toán, chỉ với lượng phát thải tro, xỉ như hiện nay của 2 nhà máy trên thì đã phải dành ra 31ha đất cho bãi chôn lấp và chỉ trong 2,5 năm sẽ chứa đầy bãi thải nếu không có giải pháp xử lý. Còn theo kết quả khảo sát thực tế cho thấy, 1 nhà máy nhiệt điện công suất 1.200 MW vận hành trong 5 năm cần 30ha để chôn lấp 5 triệu tấn tro xỉ.

Bên cạnh 2 nhà máy nhiệt điện đang vận hành cùng với 8 nhà máy đang xây dựng sẽ được đưa vào vận hành trong tương lai gần thì lượng phát thải tro, xỉ từ 10 nhà máy này sẽ là khối lượng khổng lồ cần được nghiên cứu, tìm giải pháp xử lý. Nếu không có giải pháp phù hợp thì trong tương lai sẽ trở thành nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế xã hội tại khu vực này.

Theo số liệu thống kê của Viện Kinh tế xây dựng, số lượng phát thải của 8 nhà máy được tổng hợp là một con số “khổng lồ”. Cụ thể: Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu I, II theo thiết kế là hơn 500 nghìn tấn tro, xỉ; Nhà máy Nhiệt điện Long Phú I, II cũng tương đương như vậy.

Như vậy, với công suất của các nhà máy nhiệt điện than tại khu vực ĐBSCL đến năm 2020, cần đến 360ha đất để xử lý chất thải và đến năm 2030, phải cần đến hàng ngàn ha đất.

Theo nhận định của các nhà khoa học về môi trường, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về môi trường do vấn đề xử lý khối lượng chất thải trên. Để có thể chứa chỗ phế thải do các nhà máy nhiệt điện than thải ra theo quy hoạch cần khoảng 600.000ha, tức là 4 năm thì mất diện tích của một xã trung bình. Nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa là một thực tế đang hiện hữu. 

Hiệu quả “kép” trong đầu tư

Theo kết quả thẩm định và đánh giá kết quả đầu tư xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng của một số công trình công cộng và giao thông tại vùng ĐBSCL cao hơn nhiều so với suất vốn đầu tư bình quân của cả nước do Bộ Xây dựng công bố. Nguyên nhân chính là do địa thế vùng có nhiều kênh rạch, địa chất phức tạp, nền đất rất yếu nên để triển khai xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn phải tăng thêm nhiều chi phí để xử lý so với các vùng khác; nguồn vật liệu xây dựng khan hiếm, không có sẵn để khai thác tại chỗ mà phải vận chuyển chủ yếu bằng đường thủy từ các vùng khác đến nên chi phí đầu tư là rất lớn.

Trong khi đó, việc tái sử dụng tro, xỉ thành các loại vật liệu nền móng cho đường giao thông, xử lý nền móng công trình lại được áp dụng khá phổ biến trên thế giới. Như vậy, có thể nhận định việc nâng cao hiệu quả kinh tế trong đầu tư xây dựng tại khu vực này bằng cách tháo gỡ các nguyên nhân làm tăng suất vốn đầu tư từ yếu tố vật liệu xây dựng (VLXD) là giải pháp hoàn toàn khả thi. Đặc biệt, việc tăng cường sử dụng VLXD được sản xuất từ tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện lại mang lại hiệu quả kinh tế “kép” trong đầu tư xây dựng (ĐTXD), vì nó mang lại hiệu quả kinh tế cho các dự án ĐTXD nhà máy nhiệt điện, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho các dự án ĐTXD sử dụng VLXD sản xuất từ tro, xỉ.

Hiện nay, một số loại VLXD được sản xuất từ tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện hiện đang được nghiên cứu hoặc ứng dụng tại Việt Nam gồm: sử dụng tro tuyển làm phụ gia bê tông; tro, xỉ làm phụ gia xi măng; làm vật liệu gia cố nền; vật liệu san lấp; làm gạch không nung, gạch bê tông nhẹ, gạch bê tông chưng áp... Việc sử dụng VLXD thay thế trong ĐTXD tại khu vực ĐBSCL là tập trung đối với phát triển sản xuất và sử dụng VLXD từ tro, xỉ đối với vật liệu xây không nung và vật liệu san lấp, gia cố nền trong xây dựng giao thông. Xuất phát từ thực tế hiện nay các công trình giao thông, công trình đường bộ tại khu vực ĐBSCL đã phải nhập cát từ Campuchia với giá rất cao, công tác sản xuất xi măng mặc dù được đầu tư rất tốt, nhưng chi phí cho chất liên kết này không hề rẻ.

Thêm vào đó, có rất nhiều khu vực có địa chất rất yếu, đặc biệt là các tuyến đi qua khu vực dồng bằng ngập nước, các khu vực hồ ao. Khi đó chi phí cho việc xử lý, gia cố nền đất bằng các chất liên kết vô cơ cũng vô cùng tốn kém. Nhu cầu về vật liệu thay thế cho vật liệu tự nhiên (khi đắp nền) hoặc thay thế một phần chất liên kết vô cơ (khi gia cố nền đường) là vô cùng cần thiết đối với ngành xây dựng đường ô tô. Điều đó mở ra một “thị trường” mới cho tro xỉ, với các hình thức sử dụng phong phú và chắc chắn là khối lượng tiêu thụ rất lớn.


  • 15/12/2017 04:36
  • Theo Báo Xây dựng
  • 10198