Sức mạnh từ công tác pháp chế

Trong quá trình hội nhập, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày càng có rất nhiều giao dịch thương mại được ký kết với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Ðiều này cũng đồng nghĩa với việc những rủi ro pháp lý là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ðể phòng và chống những rủi ro này, EVN đã có "lá chắn" để bảo vệ, song hành cùng với công tác quản trị doanh nghiệp, đó chính là bộ phận pháp chế được thành lập từ tháng 10/1998.

Lợi ích từ công tác pháp chế

Lợi ích đầu tiên từ công tác pháp chế mang lại cho EVN đó là bảo đảm sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bởi lẽ, để điều hành hoạt động doanh nghiệp, người quản lý thường xuyên phải có những quyết định quản trị phù hợp nhằm đem lại những lợi ích cao nhất cho tổ chức nhưng đồng thời phải đảm bảo sự an toàn về mặt pháp lý. Chính vì vậy, từ khi thành lập cho đến nay, bộ phận pháp chế đã giúp EVN và các đơn vị trực thuộc nắm bắt kịp thời những chủ trương, chính sách của Ðảng và pháp luật của nhà nước để triển khai thực hiện.

Ngoài ra, các cán bộ pháp chế của toàn Tập đoàn còn tư vấn phòng ngừa rủi ro pháp lý đối với các giao dịch thông qua hợp đồng bằng cách đưa ra ý kiến thẩm định, tư vấn góp ý đối với các dự thảo hợp đồng, trực tiếp tham gia đàm phán với đối tác; đầu mối chủ trì rà soát, xây dựng hệ thống Quy chế quản lý nội bộ trong doanh nghiệp;...

Khẳng định dần vị trí

Hiện nay, tổng số CBNV làm công tác pháp chế của EVN là 719 người, trong đó 225 người chuyên trách. Số lượng cán bộ làm công tác pháp chế trong EVN có kinh nghiệm trong công tác từ 05 năm trở lên (426 người) chiếm 59,24%. Nhìn chung trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và tin học văn phòng của cán bộ pháp chế đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của công việc. Với việc tổ chức hệ thống pháp chế doanh nghiệp đồng bộ từ trên xuống dưới, trong những năm qua, tập đoàn đã cơ bản phòng ngừa được những rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Việc xây dựng hệ thống Quy chế quản lý nội bộ (QCQLNB) trong EVN là một nhiệm vụ quan trọng để hoàn thiện thể chế cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn 2006 - 2016, EVN và các đơn vị đã thực hiện góp ý khoảng 1.800 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền gửi xin ý kiến góp ý, chủ yếu là các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức, sản xuất kinh doanh của EVN.

Ngoài ra, trong 10 năm qua, EVN và các đơn vị đã tổ chức khoảng hơn 2000 đợt tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật, QCQLNB và các chuyên đề khác cho 331.020 lượt CBCNV. Thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật và các QCQLNB của EVN, các đơn vị để hình thành một hệ thống cơ sở dữ liệu văn bản phục vụ cho yêu cầu của công tác quản lý.

Với tinh thần “thượng tôn pháp luật”, trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, lãnh đạo EVN ngày càng nhận thức rõ vai trò quan trọng của thực thi pháp luật và công tác pháp chế doanh nghiệp. Ban pháp chế của Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc đã thực sự hỗ trợ tích cực lãnh đạo các cấp trong việc chấp hành và vận dụng pháp luật cho công tác quản lý, điều hành các hoạt động SXKD.


  • 16/11/2016 08:38
  • Bài và ảnh: Nguyễn Anh Khường
  • 10267