Sức sống phía sau “Đèo Chết”

Hơn 50 năm qua, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim thuộc Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đã sản xuất được hơn 38 tỷ kWh điện, góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bên cạnh thành tích to lớn ấy còn là câu chuyện về một Nhà máy thủy điện đã làm hồi sinh cả vùng đất hoang vu, dân cư thưa thớt phía sau “Đèo chết”.

Những ngày gian khó

Phòng Điều hành Nhà máy Thủy điện Đa Nhim (đầu những năm 1990)

Nhà máy thủy điện Đa Nhim có thiết kế khá đặc biệt. Nước từ Hồ Đa Nhim qua hệ thống hầm dẫn và ống áp lực dài nhiều km chạy dọc triền núi dốc cao xuống tuabin của nhà máy. Vì vậy, muốn đi từ nhà máy lên hồ phải qua 1 con đường duy nhất là vượt đèo Ngoạn Mục.

Đèo Ngoạn Mục trước khi hoàn tất nâng cấp vào năm 2014 còn được gọi với cái tên “Đèo chết” bởi bờ vực dốc đứng, sâu thẳm và những con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu.

Những cựu cán bộ, công nhân viên nhận nhiệm vụ lên Đa Nhim từ cuối những năm 70 vẫn còn rất “ấn tượng” với sự hoang vu của nơi đây: “Núi cao, rừng thẳm, dân cư vô cùng thưa thớt, thậm chí nửa đêm vẫn còn nghe thấy tiếng hổ gầm…”. Đó là những ký ức không thể nào quên đối với những chàng trai, cô gái từ phố lên với rừng để vận hành nhà máy.

Ngày ấy, vì tình yêu đối với dòng điện, những người thợ máy ở Đa Nhim không chỉ làm tốt nhiệm sản xuất của mình mà còn trở thành những nông dân thứ thiệt. Ông Trịnh Phi Anh, Nguyên Giám đốc Nhà máy Thủy điện Đa Nhim cho biết: “Một thời gian dài ở Đa Nhim không có chợ. Cán bộ, công nhân viên Công ty đều trực tiếp cải tạo đất để trồng lúa, trồng mía, chăn nuôi... Những con người ngày đêm làm bạn với máy móc, khi đội nón lá, xắn quần lội ruộng đã thực sự thấu hiểu cơ cực của người nông dân một nắng hai sương”.

Điểm nhấn giữa đại ngàn

Qua năm tháng, vùng đất hoang vu phía sau Đèo chết đã có màu xanh mát mắt của những ruộng lúa, mía. Trong sân nhà máy đã có sân phơi lúa, có cửa hàng lương thực thực phẩm phục vụ cán bộ công nhân viên... Nơi đây đã trở thành quê hương, ngôi nhà thân thiết với nhiều cán bộ, công nhân viên.  

Thời gian trôi qua, những thế hệ đầu của nhà máy, nhiều người đã nghỉ hưu. Những cán bộ, công nhân viên của nhà máy bây giờ đa số đều rất trẻ, (tuổi đời bình quân của người lao động từ 30 – 33 tuổi), đến từ 40 địa phương trong cả nước. Chính vì vậy,  với nhiều cán bộ, kỹ sư khi nhận nhiệm vụ lên Đa Nhim làm việc, cũng đồng nghĩa là chấp nhận xa bố mẹ, vợ con.

Các kỹ sư Nhà máy thủy điện Đa Nhim vận hành nhà máy - Ảnh Xuân Tiến

“Xa gia đình ai cũng buồn nhưng không khí lao động sôi nổi và các hoạt động của đơn vị, sự sẻ chia của anh chị em đồng nghiệp đã làm vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương để người thợ ở Đa Nhim thêm yêu nghề và bám trụ với nghề hơn”. Anh Võ Nghĩa Hà, kỹ sư tổ vận hành nhà máy thủy điện Đa Nhim – Sông Pha chia sẻ.

Với kỹ sư trẻ mới ra trường Lê Đức Thọ cũng vậy, để được làm việc tại phân xưởng vận hành Nhà máy thủy điện Đa Nhim – Sông Pha, anh đã từ bỏ Sài Gòn hoa lệ để quyết tâm lên Lâm Đồng lập nghiệp. Bởi theo anh: “Nhà máy thủy điện Đa Nhim có lớp cán bộ công nhân viên nhiều kinh nghiệm và thế hệ kỹ sư trẻ kế cận năng động, nên mỗi sinh viên sau khi ra trường sẽ được học hỏi kinh nghiêm thực tiễn, đồng thời được “chinh phục” những công nghệ mới áp dụng trong ngành”.

Không chỉ với anh Lê Đức Thọ, nhiều kỹ sư trẻ đến với Đa Nhim cũng đi theo tiếng gọi của niềm đam mê như vậy.

Để thu hút những người trẻ tuổi, có trình độ ở nơi khác ở lại vận hành các nhà máy giữa núi rừng, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DHD) đã xây dựng khu cứ xá cho cán bộ công nhân viên cùng gia đình, nhằm tạo điều kiện cho những cán bộ ở xa yên tâm công tác. Những chiếc xích đu làm từ lốp xe, cầu trượt xi măng cho con trẻ chơi đùa, hay vài thiết bị thể thao đơn giản, rồi sân tennis, sân bóng đá mini trong khuôn viên cư xá lần lượt được xây dựng. .

Có thể thấy, trong hành trình đầy gian khó nhưng cũng rất đỗi tự hào, những thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên gắn bó với Nhà máy thủy điện Đa Nhim đã làm bật lên sức sống mới giữa đại ngàn.


  • 11/03/2016 06:20
  • Di Linh
  • 3718