Cải thiện đáng kể
Theo số liệu đánh giá năm 2016, các yếu tố về thủ tục, thời gian tiếp cận điện năng và chi phí thực hiện đều được cải thiện đáng kể so với năm 2015. Trong đó, số thủ tục giảm từ 6 xuống 5. Số ngày thực hiện giảm từ 59 xuống 46, trong đó thời gian thực hiện các công việc của Điện lực là 11 ngày, giảm 4 ngày so với năm 2015. Chỉ tiêu về chi phí cũng được đánh giá tốt hơn do thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam tăng.
Theo Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam, để đạt được kết quả trên, EVN và các đơn vị đã thực hiện theo cơ chế “một cửa - one door”; tiếp nhận các yêu cầu cấp điện của khách hàng qua nhiều kênh như tại các phòng giao dịch khách hàng, trực tuyến qua website, trung tâm chăm sóc khách hàng. Đặc biệt, các hồ sơ yêu cầu cấp điện chỉ cần bản photo, không cần chứng thực đã rút ngắn thời gian cấp điện.
Chỉ số tiếp cận điện năng tại Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2015
|
So sánh với các chỉ số về môi trường kinh doanh khác của Việt Nam, chỉ số tiếp cận điện năng có thứ hạng tốt hơn các chỉ số khác như khởi sự doanh nghiệp, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giải quyết phá sản doanh nghiệp. Chỉ số tiếp cận điện năng nằm trong nhóm 5/10 chỉ số có thay đổi, từ đó chỉ số đánh giá chung của nền kinh tế Việt Nam tăng lên 9 bậc so với năm 2015.
Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm khẳng định: “Đây là kết quả rất đáng ghi nhận của ngành Điện và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc tăng chỉ số tiếp cận điện năng là điều kiện quan trọng góp phần tăng thứ hạng nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.
Vươn lên ngang tầm khu vực và thế giới
So sánh kết quả các yếu tố đánh giá chỉ số của Việt Nam với trung bình các nước ở châu Á – Thái Bình Dương và các nước phát triển thuộc nhóm OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) cho thấy, số thủ tục của Việt Nam là tương đương, thời gian thực hiện của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều (ít hơn gần ½ lần so với mức bình quân của các nước thuộc nhóm này). Riêng về chi phí, Việt Nam còn ở mức cao do ảnh hưởng bởi yếu tố thu nhập bình quân đầu người thấp. Tiêu chí về độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch về giá bán điện của Việt Nam kém hơn so với trung bình các nước thuộc nhóm OECD, tiệm cận với trung bình các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Các đơn vị điện lực đã thực hiện nhiều giải pháp để rút ngắn thời gian cấp điện cho khách hàng
|
Xếp hạng chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam ở vị trí 96/190 nền kinh tế (tăng 5 bậc). So sánh trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 7, tăng 1 bậc. Như vậy, Việt Nam đã tiến rất gần nhóm ASEAN 4 (Philippines 42 ngày) và tốt hơn các nước Indonesia, Timor-Leste, Cambodia, Myanmar, Lao PDR.
Mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 theo một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế, trong đó có thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp dưới 33 ngày.
“Cần phải nhấn mạnh rằng, mặc dù chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam liên tục thăng hạng, song vẫn còn khoảng cách khá xa so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Điều này đòi hỏi Việt Nam còn phải tiếp tục cải cách về các thủ tục hành chính trong lĩnh điện lực và tiếp cận điện năng, nâng cao chất lượng, hiệu quả của chính sách kinh tế đối với môi trường kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tới cộng đồng quốc tế về những thành quả đạt được của kinh tế Việt Nam. Từ đó tiếp tục cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam”, ông Cao Sỹ Kiêm khẳng định.
Các tiêu chí đánh giá chỉ số tiếp cận điện năng năm 2016:
Rita Ramalho, Trưởng nhóm biên soạn báo cáo Môi trường Kinh doanh 2017: “Cải cách trên các lĩnh vực trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chính là những bước đi quan trọng, giúp cải thiện hoạt động kinh doanh. Tuy đã tiến bộ so với năm trước, nhưng các nước trong khu vực vẫn phải tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển”. |