Tạo cơ chế hợp tác về tiết kiệm năng lượng

Việt Nam – Nhật Bản sẽ thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả năng lượng thông qua việc sử dụng các thiết bị gia dụng theo cơ chế bù đắp tín dụng song phương (BOCM) về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Việt Nam. Về vấn đề này, Tạp chí Ðiện lực đã có cuộc  trao đổi với ông Huỳnh Kim Tước, GÐ Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC – HCM).

Ông Huỳnh Kim Tước. Ảnh: Ngọc Tuấn

PV: Thưa ông, việc thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả năng lượng thông qua việc sử dụng các thiết bị gia dụng theo cơ chế BOCM được Nhật Bản thể hiện như thế nào tại Việt Nam?

Ông Huỳnh Kim Tước: Cơ chế bù đắp tín dụng song phương BOCM là một cơ chế mới trong thị trường mà Chính phủ Nhật Bản đang đề xuất tại Việt Nam nhằm ghi nhận những đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững khi sử dụng những sản phẩm và công nghệ tiên tiến có hàm lượng carbon thấp. Thay thế cho cơ chế tín dụng phát triển sạch trên toàn cầu (CDM) trước đây, trong BOCM, Nhật Bản sẽ hợp tác với từng quốc gia đang phát triển hướng tới mục tiêu đóng góp một cách tích cực nhất vào công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững của các quốc gia.

 Được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Tập đoàn Mitsubishi đã thực hiện một nghiên cứu khả thi từ năm 2010 để đánh giá khả năng và triển vọng của cơ chế hợp tác song phương trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng thông qua việc sử dụng máy điều hòa không khí hiệu suất cao, sử dụng công nghệ inverter.

PV: Nhiều chuyên gia đã phân tích kỹ những được, mất khi sử dụng thiết bị điện có gắn biến tần (inverter), trong đó có điều hòa  không khí. Vấn đề còn băn khoăn nhất ở đây chính là giá thành còn quá cao, ông nghĩ thế nào về việc này?

Ông Huỳnh Kim Tước: Theo tôi, những băn khoăn về vấn đề giá thành cao là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, có thể giải quyết được với hai lý do: Thứ nhất, đây thuộc nhóm thiết bị nằm trong lộ trình dán nhãn năng lượng của Việt Nam. Với lộ trình này, chủ trương của Việt Nam sẽ tạo ra cơ chế khuyến khích các nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng những sản phẩm này thông qua các chính sách thuế cũng như cơ chế ưu đãi.

Thứ hai, là xét về bài toán kinh tế của người sử dụng hoặc nhà đầu tư thì giữa giá trị đầu tư và hiệu quả năng lượng càng về sau thì tính khả thi càng cao. Trong vòng đời của một thiết bị điều hòa thì chi phí năng lượng chiếm tới 90%, trong khi chi phí mua chỉ chiếm 5-7%. Cân nhắc theo góc độ như vậy và theo tính toán của chúng tôi nếu người tiêu dùng sử dụng máy điều hòa không khí hiệu suất cao, với sự gia tăng của giá điện trong tương lai thì thời gian hoàn vốn chỉ chiếm khoảng 2-3 năm. Cho nên xét về mặt tính kinh tế là hoàn toàn khả thi.

PV: Sử dụng điều hòa không khí có ứng dụng công nghệ inverter tại Việt Nam sẽ giảm tiêu hao năng lượng như thế nào?

Ông Huỳnh Kim Tước: Nhu cầu năng lượng điện ở Việt Nam tăng tới 26%/năm và hơn 30% năng lượng sử dụng ở Việt Nam là dùng trong gia đình. Nghiên cứu ứng dụng sử dụng điều hoà không khí có sử dụng công nghệ inverter tại Việt Nam cho thấy, công nghệ này đã giúp giảm tiêu hao năng lượng 20-30% và nếu đến năm 2020 sử dụng 4,5 triệu chiếc điều hoà công nghệ này sẽ giảm 2 triệu tấn khí thải CO2.

PV: Việt Nam sẽ gặp những khó khăn gì khi áp dụng công nghệ biến tần này trong các  lĩnh vực khác nhau?

Ông Huỳnh Kim Tước: Thực chất biến tần là một trong những giải pháp tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, do Việt Nam có một thế hệ thiết bị không sử dụng công nghệ này và việc quản trị sản xuất của Việt Nam chưa tốt nên khó đưa công nghệ biến tần vào sử dụng. Bên cạnh đó, cái bất lợi với Việt Nam là ở chỗ phải nhập khẩu công nghệ biến tần do công nghiệp phụ trợ chưa đủ mạnh để sản xuất ở Việt Nam. Chính vì vậy, giá bán một sản phẩm có biến tần vẫn còn cao như hiện nay

PV: Nhật Bản có hỗ trợ gì cho sản xuất những thiết bị biến tần này tại Việt Nam, thưa ông?

Ông Huỳnh Kim Tước: Việc lựa chọn công nghệ nào, giải pháp nào được tham gia vào BOCM thì còn tùy thuộc vào những vần đề về mặt phương pháp luận. Trước hết phía Chính phủ Nhật Bản sẽ có một danh mục mà họ gọi đó là danh mục tích cực. Trên cơ sở như vậy, họ sẽ xem xét các tác động của các thiết bị trong danh mục đó đến hiện trạng của Việt Nam như thế nào, nghĩa là những giải pháp có thực sự đem lại hiệu quả năng lượng, hay giảm sự ô nhiễm… hay không.

PV:  Xin cảm ơn ông!

Doanh nghiệp và người sử dụng sẽ được hỗ trợ?

Ông Shigenori Hata, Giám đốc Văn phòng Môi trường và Công nghệ toàn cầu, Bộ Kinh tế và Công Thương Nhật Bản: “Khi thống nhất được cơ chế hợp tác sẽ có cơ chế tín dụng hỗ trợ cho cả doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong phát triển công nghệ này vào sản xuất và tiêu dùng. Hiện nay, Chính phủ Nhật đang hỗ hợ nguồn kinh phí cho nghiên cứu khả thi, nghiên cứu đó sẽ tiếp tục kéo dài 1 năm nữa nên chưa có quyết định rõ ràng nào về sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản cho các doanh nghiệp”.

Ông Masataka Shimazu – Công ty Mishubishi, Nhật Bản:

Để có thể áp dụng BOCM phải vượt qua 3 trở ngại: Phải làm cho người tiêu dùng hiểu được hiệu quả mà loại điều hòa này mang lại; áp dụng trợ cấp để có sự khác biệt giữa các loại điều hòa; xây dựng cơ chế giám sát, kiểm chứng về việc giảm CO2 khi sử dụng điều hòa này. Đồng thời cần có những qui định của Chính phủ  về  áp dụng loại thiết bị này để khuyến khích người dân sử dụng.

Hiện Công ty chúng tôi đang làm việc với Bộ Công Thương Việt Nam để đưa ra các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng đối với sản phẩm điều hòa không khí inverter.

 


  • 28/03/2012 10:33
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 3896


Gửi nhận xét