Hàng ngoại lấn sân
So với thế giới, thị trường sản phẩm tiết kiệm năng lượng (SP TKNL) của Việt Nam còn khá non trẻ. Chỉ khi Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và các chiến dịch truyền thông của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tiết kiệm điện được phổ biến rộng rãi, thì thị trường SP TKNL mới bắt đầu trở nên sôi động. Người tiêu dùng trong nước bước đầu quen với khái niệm “thiết bị tiết kiệm năng lượng”. Tuy nhiên, khi thị trường nhộn nhịp, thì cũng chính là lúc các sản phẩm ngoại xuất hiện ồ ạt, nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo tài liệu của Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Hà Nội, khoảng 70% người tiêu dùng Việt Nam vẫn sử dụng các sản phẩm chưa được cải tiến, tiêu tốn nhiều điện năng. Cũng theo khảo sát của chúng tôi tại một số siêu thị điện máy lớn như Pico, Nguyễn Kim, Việt Long… thì các sản phẩm có đề “tiết kiệm điện” chủ yếu vẫn là hàng ngoại nhập với các thương hiệu lớn như Sony, Panasonic, Samsung… Còn hàng giá rẻ, thì sản phẩm “made in Trung Quốc” lại chiếm ưu thế với chủng loại hết sức đa dạng… Đó là chưa kể đến số lượng lớn hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi không rõ xuất xứ, nguồn gốc tràn lan trên thị trường
Sản phẩm tiết kiệm năng lượng nội địa vẫn tập trung chủ yếu vào nhóm chiếu sáng. Ảnh: PV
|
Vẫn còn nhiều “khoảng trống”
Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng Lượng Việt Nam nhận định, thị trường sản phẩm tiết kiệm điện năng ở nước ta hiện nay vẫn còn rất nhiều khoảng trống. Những khoảng trống đó, trước hết là do các nhà sản xuất trong nước chưa đủ năng lực cả về công nghệ, tài chính, trình độ nhân lực để sản xuất ra sản phẩm cạnh tranh. Các sản phẩm của Việt Nam hiện chỉ tập trung vào nhóm sản phẩm chiếu sáng. Phổ biến vẫn là bóng đèn compact, đèn led tiết kiệm điện… Các sản phẩm khác nhìn chung còn nghèo nàn về chủng loại, chưa tạo được niềm tin cũng như thói quen sử dụng cho người tiêu dùng. Cũng theo ông Ngãi, để có thể từng bước lấp đầy những khoảng trống, cần có sự vào cuộc một cách tích cực của các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị sản xuất hiện đại, đa dạng hóa mặt hàng để có thể sản xuất ra các sản phẩm tiết kiệm điện đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhà nước cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế, vốn, nhân lực. Các cơ quan, đơn vị khác, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức các cuộc thi về sản phẩm tiết kiệm năng lượng, xây dựng tiểu phẩm, công bố thông tin rộng rãi trên thông tin đại chúng… nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp TKNL trong sản xuất kinh doanh. Nhà nước có thể thành lập một cơ quan kiểm tra độc lập về công tác này, đơn vị nào sản xuất và sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng thì có khen thưởng, ngược lại sẽ bị xử phạt. Theo quan điểm của ông Hồ Quỳnh Hưng – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty bóng đèn Điện Quang, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đã có những bước tiến trên thị trường sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Ông Hưng nhấn mạnh, nếu tập trung đầu tư công nghệ, nhân lực… thì các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể sản xuất ra các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Tại Hội thảo quốc tế “Ngành thiết bị điện Việt Nam trước tiềm năng, cơ hội và thách thức”gần đây, trong các yếu tố nhằm tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, các chuyên gia đều thống nhất lĩnh vực sản xuất thiết bị tiết kiệm điện được coi là lĩnh vực quan trọng, cần được tích cực triển khai. Các giải pháp có tích chất tổng thể như: Đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu, tiết kiệm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông về hiệu quả trong TKNL, vẫn đang được xem là hữu hiệu để các doanh nghiệp chinh phục thị trường trong nước. Đây cũng chính là cơ hội cho các thương hiệu trong nước khẳng định vị thế cho mình, để không bị “thua ngay trên sân nhà”.