Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Tái cơ cấu doanh nghiệp để hoạt động hiệu quả hơn

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một Tập đoàn kinh tế lớn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với những đòi hỏi và thách thức từ thực tiễn, EVN cũng đang từng bước tiến hành tái cơ cấu DN để kinh doanh và phục vụ khách hàng tốt hơn.

Từ những khó khăn đặc thù

Với vai trò một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, đầu tư cho ngành Điện đòi hỏi khối lượng vốn lớn và dài hạn, chủ yếu là nguồn vốn vay, trong khi sản phẩm làm ra và tiêu thụ lại chịu tác động lớn của thời tiết (nắng hạn, mưa, bão…), đặc biệt là sự biến động của giá nguyên liệu đầu vào và tỷ giá ngoại tệ. Sản phẩm điện lại không lưu trữ được. Bên cạnh đó, ngoài nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, EVN còn phải làm nhiệm vụ an sinh xã hội, phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo...

Vượt lên tất cả những khó khăn thách thức đó, ngành Điện nói chung, EVN nói riêng đã luôn kiên trì và sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ  được giao, đảm bảo cấp điện ổn định cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân cả nước. Tuy nhiên, dù đã làm tốt nhiều nhiệm vụ được giao, vượt qua rất nhiều khó khăn, EVN vẫn không tránh khỏi một số tồn tại khách quan, đối diện với nhiều sức ép từ người dân và dư luận xã hội.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng điện, EVN đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, đổi mới DN một cách toàn diện.

EVN là tập đoàn kinh tế lớn có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước - Ảnh: Anh Vũ

Đến nỗ lực tái cơ cấu

Tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo Quyết định 1782/QĐ ngày 23/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ tập trung chủ yếu và 2 nội dung: “Tái đầu tư công và tái cơ cấu DNNN”. Nhìn lại kết quả thực hiện tái cơ cấu DN giai đoạn 2011-2014 của EVN, chúng ta cần có những nhận định khách quan hơn về những cố gắng phát triển và đóng góp của ngành Điện cũng như một số vấn đề còn tồn tại.

Trước hết, EVN đã thực hiện nghiêm túc, sáng tạo Nghị định 59/NĐ ngày 17/8/2011, Nghị định 15/NĐ ngày 6/3/2014, Nghị định 99/NĐ ngày 15/11/2013 của Chính phủ, về cơ cấu và giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, về tiêu chí phân loại doanh nghiệp. Đặc biệt, giai đoạn 2011 – 2014, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế nói chung cũng như tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp EVN đã thu được những kết quả nổi bật như: Tập trung đầu tư phục vụ ngành nghề kinh doanh chính là nguồn điện và lưới điện với số vốn bình quân mỗi năm hàng trăm nghìn tỷ đồng. Điểm nổi bật là, huy động được các nguồn vốn đầu tư kể cả trong và ngoài nước, vốn tín dụng và ngân sách. Đi đôi với kết quả tích cực huy động nguồn vốn, Tập đoàn luôn chú trọng thực hiện có hiệu quả quản lý vốn và tài sản, nên vốn và tài sản của EVN tăng nhanh qua các năm.

Việc nổi bật thứ 2 là thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn. Trong nhiều năm, EVN đã đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo xả đủ nước  cho sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng Bắc bộ, đẩy mặn và chống hạn khu vực miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam. Đặc biệt, EVN đã hoàn thành nhiều dự án cấp điện nông thôn, hải đảo, với hơn 98% xã và 97% hộ nông dân cả nước đã được sử dụng điện lưới quốc gia.

Cấp điện cho vùng sâu vùng xa là một trong những nhiệm vụ đã và đang được EVN triển khai tốt - Ảnh: Phan Trang

Đồng thời với việc tái cơ cấu và thoái vốn, EVN thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành ở 3 công ty cổ phần, và đảm bảo đến năm 2015 sẽ thoái hết 1.588 tỷ đồng ở 4 công ty cổ phần. Tập đoàn cũng đang xây dựng và áp dụng hình thức quản trị kinh doanh hiện đại và tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp.

Làm rõ phân công, phân cấp quản lý là trách nhiệm nghĩa vụ của chủ sở hữu, ban hành quy chế giám sát tài chính – công khai minh bạch kể cả quy chế quản lý nội bộ, quản lý hội đồng thành thành viên, cơ chế quản trị doanh nghiệp, phát huy yếu tố tự thân nội tại đảm bảo hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh, tập trung giá trị cốt lõi, chuẩn mực đạo đức tay nghề cho đội ngũ cán bộ và công nhân, viên chức, quy định tiêu chí về người đứng đầu.

Những kết quả bước đầu của EVN trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã khẳng định sự cố gắng, kiên trì thực hiện có hiệu quả của lãnh đạo EVN.

Tuy nhiên, ngành Điện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, chủ yếu là các thách thức đến từ sự chậm chễ trong việc thực hiện Quy hoạch điện VI, VII; Cơ chế giá điện chưa phù hợp; tổn thất điện năng còn cao;...

Mặc dù vậy, nhìn một cách tổng thể, với tư cách là thành viên Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tôi đã thấy được quyết tâm và những giải pháp cụ thể sáng tạo của EVN. Tin rằng, những vấn đề này sẽ nhanh chóng được khắc phục. EVN sẽ tiếp tục vững vàng vượt qua thách thức, nỗ lực tái cơ cấu thành công, làm tốt công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng trong thời gian tới.


  • 22/09/2014 04:06
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 4100


Gửi nhận xét