Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (Đề án điều chỉnh Quy hoạch than 60).
Sau hơn 4 năm thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch than 60, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành với chính sách và các cơ chế phù hợp, khuyến khích, thúc đẩy đầu tư các nguồn lực trong và ngoài nhà nước, đến nay ngành Điện và ngành Than Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng: Giai đoạn 2011 - 2015, ngành Điện đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế với mức tăng trưởng kinh tế đạt bình quân gần 6%/năm, sản lượng điện thương phẩm tăng bình quân 10,6%/năm, đưa vào vận hành trên 18.500 MW công suất nguồn điện mới, nâng tổng công suất nguồn điện hiện nay của cả nước lên gần 39.000 MW.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Ảnh: Minh Ngọc
|
Từ chỗ hệ thống điện quốc gia thiếu điện, phải tiết giảm điện trong các năm 2010, 2011, đến nay không những đã đáp ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, mà còn có dự phòng. Chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi cũng phát triển vượt bậc với kết quả là trên 98% hộ dân nông thôn có điện.
Sản lượng than thương phẩm năm 2015 đạt xấp xỉ 40 triệu tấn, đáp ứng đủ cho nhu cầu than trong nước và xuất khẩu; các dự án hạ tầng (sàng tuyển, vận tải, xây dựng cảng xuất than; cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc; sửa chữa cơ khí v.v...) phục vụ phát triển ngành Than cơ bản đáp ứng kịp thời cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ than.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, bất cập trong thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch than 60, do đầu tư xây dựng một số nguồn điện và cung cấp khí không đáp ứng tiến độ, dẫn đến phân bố công suất nguồn điện không đồng đều giữa các vùng (khu vực phía Bắc và miền Trung có công suất dự phòng cao, phía Nam dự phòng thấp); triển khai các dự án còn chậm đặc biệt là các dự án đầu tư theo hình thức BOT, ảnh hưởng đến cân đối điện chung...
Trên cơ sở tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch than 60, để tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được và khắc phục những hạn chế nêu trên, việc thực hiện điều chỉnh Quy hoạch điện VII và Quy hoạch than 60 là cần thiết để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương hoàn thiện các Đề án, trong đó Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII, Thủ tướng yêu cầu thống nhất sử dụng kết quả dự báo nhu cầu điện theo phương án cơ sở (tăng trưởng GDP bình quân 7% cho cả giai đoạn 2016-2030) để xác định chương trình phát triển nguồn và lưới điện. Chương trình phát triển nguồn và lưới điện phải xét đến khả năng dự phòng trong trường hợp tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn dự báo với mục tiêu điện phải luôn đi trước một bước và bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nâng cao yêu cầu về an toàn, tin cậy, chất lượng, hiệu quả trong cung cấp điện; giảm tổn thất điện năng, giảm hệ số đàn hồi điện năng theo hướng tiệm cận giá trị 1,0 vào năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý kiểm soát việc phát triển nguồn nhiệt điện than một cách hợp lý, đồng thời đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển điện hạt nhân một cách chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và đảm bảo các mục tiêu hàng đầu là an toàn và hiệu quả.
Về phát triển nguồn nhiệt điện than, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển 4 trung tâm nhiệt điện than tại miền Nam, gồm: Vĩnh Tân, Duyên Hải, Sông Hậu, Long Phú; các dự án nhiệt điện than khác chỉ xem xét phát triển tại các Trung tâm Điện lực được quy hoạch khi đáp ứng các điều kiện thuận lợi cho vận chuyển cung cấp than và đấu nối nhà máy vào hệ thống điện quốc gia, gần trung tâm phụ tải điện.
Đối với Đề án điều chỉnh Quy hoạch than 60, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát triển ngành than bền vững trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước; đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; ưu tiên đáp ứng nhu cầu than trong nước, giảm xuất khẩu than.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thẩm định Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) đối với Quy hoạch than 60 điều chỉnh để có căn cứ pháp lý hoàn thiện quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.