Theo chân "Đội phản ứng nhanh"

Có dịp được theo chân các công nhân của Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội đi sửa chữa điện vào mùa nắng nóng mới thấy được tinh trần trách nhiệm và “sức nóng” của công việc này.

Những người ở giữa "hai cái nóng"

14h chiều ngày 09/06, khi nhiệt độ ngoài trời đang ở mức 380C, đường phố như bốc lửa trước cái nắng hè như thiêu như đốt, Đội Quản lý điện 3 (Công ty Điện lực Thanh Xuân) nhận được tin nóng: “Đường dây nằm trong khu vực ngõ 72/1 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) xảy ra sự cố do cây đổ gây mất điện một số hộ dân.” Ngay lập tức, 8 công nhân trong đội đã phóng đến hiện trường, cô lập đường dây và lên phương án khắc phục sự cố.

Giữa cái nắng chang chang gay gắt, mặt đường như chiếc chảo bỏng rát, chứng kiến cảnh các anh công nhân trèo cột, trèo cây, kéo dây tôi mới thấm thía nỗi vất vả của các anh. Những chiếc áo màu cam nhanh chóng thấm đẫm mồ hôi. Anh Trần Thế Vũ, Tổ phó Tổ Vận hành tiết lộ, dù trời nắng nóng đến mấy thì cũng phải làm cho xong vì càng nắng nóng bà con càng mong có điện sớm.

Anh Vũ chia sẻ thêm: “Đối với anh em quản lý vận hành điện, vào mùa nắng nóng hay xảy ra sự cố do quá tải vì thế anh em ngoài làm việc khung giờ theo quy định thì sẵn sàng đến nơi có sự cố bất cứ lúc nào. Bản thân tôi, có lần vợ ốm, con ốm khi đang ở nhà chăm sóc thì 12 giờ đêm nhận được tin phải đến xử lý sự cố do chập điện. Tâm trạng lúc đó rất rối bời nhưng nghĩ đến công việc của mình, nếu không đến xử lý ngay thì sự cố sẽ lan truyền sang diện rộng rồi nhiều nhà cũng sẽ mất điện, rồi sẽ có thêm những đứa trẻ bị ốm thêm. Vậy là lập tức lên đường!”.

Công nhân sửa chữa điện trong mùa nắng nóng. Ảnh: CTV

Anh Phan Văn Hồng, Đội trưởng Đội Quản lý điện số 1 (PC Thanh Xuân) có kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là năm 2010 khi nắng nóng đỉnh điểm, sự cố hệ thống điện trên địa bàn anh quản lý thường xuyên xảy ra, thời tiết mùa nắng nóng năm đó thường xuyên ở mức 380C nên anh em phải làm cật lực. Trong đội có người 3- 4 ngày không về nhà, bản thân anh Hồng 6 ngày liền xa gia đình. Cứ sáng nhận nhiệm vụ xong làm một mạch đến 13, 14 giờ chiều, sau đó về trụ sở Đội ăn cơm, xong chiều lại ra hiện trường khắc phục đến đêm hôm mới lại mò về trụ sở. Để có thể nghỉ ngơi, anh em mua giường gấp nằm ngủ ngay tại Đội để sẵn sàng trực khi có sự cố xảy ra anh em có thể “phản ứng” nhanh nhất.

Cũng chuyện đi trực mấy ngày không về, ông Lê Kim Hùng (PC Ba Đình) người gắn bó với ngành Điện trên 30 năm kể: Cách đây khá lâu, lúc đó lưới điện quận Ba Đình chưa được hoàn thiện như bây giờ, vào mùa nắng nóng phải đi kéo dây điện mấy ngày liền không về. Bà xã tưởng ông đi đâu nhưng khi ra đến nơi thấy chồng rải chiếu nằm nghỉ cùng với mấy anh em khác ở ngay gần cột điện mới thấu hiểu và cảm thông cho chồng. Sau đó bà xã mang nước, mang hoa quả bồi dưỡng cho chồng và anh em công nhân ở đó, nỗi bực dọc “mấy ngày không về” bỗng dưng tan biến...

Vui vì được… bênh

“Đối với anh em công nhân làm trong ngành Điện thì gác lại việc nhà để lo đảm bảo điện cho bà con là chuyện chẳng có gì lạ. Chỉ mong rằng vợ con, gia đình hiểu được nỗi vất vả mà thông cảm cho thôi. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, cứ trên 350C là anh em phải “trực chiến” 100% quân số, đến 1 giờ đêm (khung giờ cao điểm sử dụng điện mùa hè từ 23 - 1 giờ), bất kể thứ bảy, chủ nhật nhằm xử lý các sự cố liên quan đến điện.”, ông Hùng thổ lộ.

Công nhân ngành Điện sẵn sàng ứng trực 24/24 sửa chữa điện nhanh nhất có thể trong mùa nắng nóng. Ảnh: VL

Trong câu chuyện sửa chữa, khắc phục sự cố điện mùa nắng nóng, anh Trần Thế Vũ vẫn không quên được sự việc cũng vào năm 2010, lúc đó khoảng 9 giờ tối, anh em công nhân đang kéo dây thì có những thanh niên do nóng bức quá (vì cắt điện) nên bức xúc, có những lời lẽ thô thiển, chửi bới rồi dọa nạt anh em công nhân đang thi công. Anh em cũng đến giải thích nhưng họ không nghe, tiếp tục buông lời thóa mạ với thái độ gay gắt. Lúc đó nhiều cụ cao tuổi trong khu dân cư đã có mặt can thiệp.  Các cụ bênh anh em thợ điện, vì “giờ này các anh được về nhà đi uống bia, các chú thợ điện thì vẫn chưa được về nhà, vẫn đang phải làm việc thì các anh còn trách cứ gì nữa! “Những lúc đó tôi thấy rất cảm động và nghĩ rằng xã hội có rất nhiều người cảm thông cho ngành Điện” - anh Vũ chia sẻ.
 

Là những người trực tiếp làm công tác sửa chữa điện anh có mong muốn gì để công việc của mình bớt vất vả hơn trong thời gian tới?

Anh Bùi Quang Huy – Đội trưởng Đội Quản lý vận hành khu vực 1 – PC Ba Đình: Mong người dân sử dụng điện tiết kiệm để không gây quá tải

Mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân tăng đột biến, mặt dù Công ty Điện lực Ba Đình đã tính toán kỹ việc tăng phụ tải rồi nhưng không thể tính toán sát được. Chính vì vậy, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền bà con nhân dân trên địa bàn sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Trong những lần tuyên truyền tôi có nói với bà con “nhà bác tắt đi một ngọn đèn, tắt đi một chiếu quạt hoặc để điều hòa ở mức 26-28 độ, nhà cháu cũng vậy thì cả xóm sẽ được nhờ và tiền điện của nhà các bác cũng giảm”. Chính việc tuyên truyền đó mà ý thức của bà con được nâng lên, bà con sử dụng điện tiết kiệm hơn, điều đó giúp cho hệ thống không bị quá tải mùa nắng nóng và không bị mất điện. Chính vì thế anh em công nhân cũng đỡ vất vả hơn.

Anh Đỗ Việt Cường – Đội trưởng Đội quản lý vận hành Mường Nhà – Điện lực Mường Nhà (Công ty Điện lực Điện Biên): Mong khách hàng thấu hiểu và chia sẻ

Với đặc thù của chúng tôi là công việc ở ngoài lưới nên chúng tôi luôn xác định sửa chữa điện mùa nắng nóng là nhiệm vụ của mình, là trách nhiệm thường xuyên. Trước mỗi mùa nắng nóng, lãnh đạo đơn vị đã họp với anh em vận hành, rà soát tình trạng trang thiết bị để bổ sung kịp thời, phục vụ tốt nhất cho công việc.
Ngoài ra, trong mùa nắng nóng, chúng tôi cũng luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Công ty, của Công đoàn rất kịp thời. Chính điều đó đã tạo động lực để anh em chúng tôi làm việc. Vì vậy, chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm cao hơn để đảm bảo hệ thống điện được vận hành tốt trong mọi điều kiện, nhất là mùa nắng nóng.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất mong nhận được sự thấu hiểu, sẻ chia của khách hàng với công việc vốn rất đặc thù của "thợ điện mùa nắng nóng".

 


  • 27/08/2014 03:17
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3444


Gửi nhận xét