Thị trường phát điện cạnh tranh: Một năm nhìn lại

Sau một năm vận hành chính thức (1/7/2012 – 1/7/2013), thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam (VCGM) đã có những thành công đáng kể, góp phần quan trọng vào việc minh bạch hóa và tăng tính cạnh tranh trong khâu phát điện.

VCGM là nơi các đơn vị phát điện có thể tự quyết định chiến lược kinh doanh thông qua bản chào giá bán điện của mình. Các nhà máy điện sẽ được huy động theo thứ tự giá chào bán từ thấp đến cao để đáp ứng nhu cầu dùng điện của cả nước. Việc tính toán huy động các nhà máy điện được tính toán hàng giờ và tính toán thanh toán cho các nhà máy điện được thực hiện ngay sau ngày vận hành.

Ảnh: CTV

Những bước chuẩn bị quan trọng

Trong những ngày vận hành đầu tiên, thị trường điện đứng trước rất nhiều thách thức. Đầu tiên, để vận hành thị trường điện thành công, các nhà máy điện đã được trang bị đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin và các phần mềm như hệ thống chào giá, hệ thống điều độ điện tử (DIM), hệ thống thanh toán, hệ thống đo đếm từ xa… Đây là khối lượng công việc rất lớn và mang ý nghĩa quyết định trong việc các nhà máy có thể tham gia thành công thị trường điện.

Với sự chỉ đạo sát sao của Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã hoàn thành việc kết nối cho tất cả các nhà máy trực tiếp tham gia thị trường cũng như hoàn thành hệ thống thu thập đo đếm từ xa và hệ thống DIM cho 77 nhà máy trên hệ thống điện.

Để chuẩn bị nhân lực tham gia thị trường điện, A0 cũng đã tham gia các khóa đào tạo do ERAV chủ trì, đào tạo cho toàn bộ các nhà máy trên hệ thống điện trên phạm vi toàn quốc (bao gồm cả các đơn vị trực tiếp và gián tiếp tham gia thị trường) nhằm nâng cao năng lực và kiến thức của các cán bộ thực hiện công tác thị trường điện tại các đơn vị. Tính đến nay, kỹ năng chào giá và chiến lược chào giá trên thị trường của các đơn vị phát điện đã được hoàn thiện và đem lại lợi nhuận hợp lý cho các thành viên tham gia thị trường. Riêng đội ngũ kỹ sư trực tiếp vận hành thị trường điện đã được các chuyên gia tại các nước có trình độ thị trường điện phát triển ở mức độ rất cao như New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Braxin… trực tiếp đào tạo và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về công tác vận hành thị trường.

Hiện nay, toàn bộ công tác lập kế hoạch dài hạn (kế hoạch năm), ngắn hạn (tuần, ngày), thời gian thực (giờ tới), tính toán thanh toán đã được thực hiện chính xác và đúng thời điểm theo các quy định tại Thông tư, quy định liên quan.

Thành tựu đáng ghi nhận

Thành công đầu tiên của công tác vận hành thị trường điện là vẫn đảm bảo được hệ thống điện vận hành một cách an toàn, không một phút nào phải ngừng thị trường điện do những khó khăn về vận hành.

Có thể nói, sau một năm vận hành chính thức, VCGM đang dần trở thành một tín hiệu hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực phát điện. Sau một năm vận hành, các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường đều có cơ hội để đạt doanh thu và lợi nhuận hợp lý. Ngoài ra, việc tính toán thanh toán cho các nhà máy đã được thực hiện nhanh chóng, chính xác mặc dù khối lượng công việc tăng gấp nhiều lần so với trước đây.

Bên cạnh đó, các đơn vị phát điện cũng chủ động hơn nhiều trong chiến lược kinh doanh của mình và được cung cấp nhiều thông tin hơn khi tham gia thị trường điện. Các số liệu về phụ tải hệ thống điện, các ràng buộc trên hệ thống truyền tải, việc huy động của các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu được cung cấp đầy đủ hàng ngày. Bất kỳ thao tác nào của Kỹ sư điều hành hệ thống điện quốc gia cũng như Kỹ sư điều hành thị trường điện làm ảnh hưởng đến thị trường điện đều được giải thích cụ thể, rõ ràng thông qua các kênh thông tin chính thức của A0. Điều này góp phần làm minh bạch hóa công tác vận hành và giúp cho các đơn vị tham gia thị trường cũng như các nhà đầu tư tiềm năng thêm tin tưởng vào việc tham gia vào lĩnh vực phát điện trên hệ thống điện Việt Nam.

Thị trường điện đã vận hành thành công qua các thời điểm khó khăn như cắt khí PM3-CAA (cấp khí cho nhà máy điện Cà Mau), cắt khí Nam Côn Sơn (cấp khí cho các nhà máy điện Phú Mỹ, Nhơn Trạch và Bà Rịa) vào tháng 9, 10 năm 2012; huy động các nhà máy thủy điện phía Bắc để cấp nước cho đổ ải Vụ Đông Xuân năm 2013; huy động các nhà máy điện để đảm bảo an toàn cung cấp điện trong các dịp lễ,Tết …

Quy mô thị trường cũng đang dần mở rộng. Nếu ban đầu chỉ có 24/87 nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường điện, chiếm khoảng 30% sản lượng cũng như công suất của toàn bộ hệ thống điện quốc gia, thì đến nay, đã tăng lên 37/87 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường. Dự kiến đến hết năm 2013 số lượng nhà máy tham gia sẽ tăng lên trên 50 đơn vị.

Định hướng cho tương lai

Theo quyết định 26/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 26/01/2006, thị trường điện Việt Nam sẽ phát triển qua các cấp độ từ phát điện cạnh tranh (chỉ các nhà máy điện cạnh tranh trên thị trường) đến bán buôn điện (các Công ty điện lực và một số công ty khác có thể trực tiếp mua điện từ các nhà máy điện và bán lại cho khách hàng dùng điện) và xa hơn nữa là bán lẻ điện (khách hàng dùng điện có thể trực tiếp mua điện từ các nhà máy điện trên thị trường điện giao ngay).

Trong thời gian từ nay đến hết năm 2016, các điều kiện tiên quyết để hình thành thị trường bán buôn điện sẽ được gấp rút chuẩn bị cho việc tiến đến minh bạch hơn nữa, cạnh tranh hơn nữa trong thị trường điện Việt Nam.

 


  • 31/07/2013 04:59
  • Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia
  • 3231


Gửi nhận xét