Đó là những đổi thay trên hòn đảo nhỏ này từ khi dự án đầu tư điện mặt trời do Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Trung tâm Năng lượng mới và Phát triển nông thôn đi vào hoạt động.
Học sinh Thiềng Liềng học bài dưới ánh điện.
|
Sống trong bóng tối
Thiềng Liềng là địa phương xa xôi nhất của TP.HCM thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, có gần 200 hộ dân sinh sống với hơn 1.000 nhân khẩu. Do điều kiện vị trí địa lý cách trở, giao thông đi lại không thuận lợi nên cuộc sống người dân rất khó khăn, quanh năm đối diện với cái nghèo. Nghề chính ở đây là làm muối phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên nên thu nhập vô cùng bấp bênh.
Ông Nguyễn Hồng Huỳnh cho biết, người dân ở đây ngoài làm muối chẳng có thêm nghề gì khác. Đất đai phần lớn bị nhiễm mặn, thiếu nước ngọt nên không thể trồng trọt. Nuôi trồng thủy, hải sản cũng không thể phát triển bởi dù điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi.
Một trong những nguyên nhân gây ra khó khăn nói trên, do hệ thống điện lưới quốc gia vẫn không vươn đến được nơi đây. Qua thiên niên kỷ mới hơn 10 năm, nhưng mọi sinh hoạt về đêm của gần 200 hộ dân đều phải nhờ vào những cây đèn dầu. Nhà nào khá giả lắm mới mua được cái máy phát điện, nhưng cũng chỉ sử dụng cầm chừng. Tivi, Internet… là điều vô cùng xa lạ với người dân cũng chỉ vì không có điện.
“Khi màn đêm buông xuống, cả đảo bị bao trùm bởi bóng tối, chỉ còn leo lét mấy ngọn đèn dầu. Người lớn chúng tôi 7 giờ đã lên giường đi ngủ, mấy đứa học sinh thì phải học bài bên những ngọn đèn dầu tự chế với ánh sáng lờ mờ” - anh Võ Thành Hai nhớ lại. Chính quyền huyện Cần Giờ đã nhiều lần nghiên cứu để mang điện về cho Thiềng Liềng, nhưng do nằm quá xa đất liền, biệt lập, nên mọi kế hoạch đều bị đóng băng.
Ông Võ Hồng Kiệt - Chủ tịch UBND xã Thạnh An cho biết: “Không có điện nên không thể phát triển sản xuất kinh tế, Thiềng Liềng cứ luẩn quẩn không thể vươn lên thoát nghèo”.
Điện đến đảo xa
Mãi đến đầu năm 2011, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Trung tâm Năng lượng mới và Phát triển nông thôn đề xuất kế hoạch xây dựng hệ thống điện mặt trời trên đảo. Dự án có tính khả thi cao, chi phí đầu tư thấp nên được người dân và chính quyền hết sức ủng hộ.
Ngày 27/1/2011 đã trở thành ngày lịch sử với đảo Thiềng Liềng khi dự án được khành thành đi vào sử dụng. Ánh sáng điện sau bao năm mong chờ đã chiếu sáng hòn đảo nghèo vào mỗi đêm. Người dân sắm tivi, quạt máy, nồi cơm điện… để dùng. “Cả đời tui mơ mãi, cực khổ mãi, nhưng giờ sướng rồi. Ngày đi làm về, nóng đã có quạt, tối cả nhà cùng nhau coi tivi, biết được mọi chuyện trong cả nước. Vui lắm, hạnh phúc lắm” - ông Huỳnh Tiến Đông, 79 tuổi hồ hởi nói.
Ông Kiệt cho biết, toàn bộ dự án có tổng số vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng. Mỗi hệ thống pin lắp đặt tại mỗi hộ có thể sản xuất 2 kWh/ngày, đủ sức cung cấp cho mọi nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trạm y tế, trạm kiểm lâm, trạm hải quan, ban kiểm soát biên phòng, ban quản lý ấp, Trường Tiểu học Thiềng Liềng cũng đều sáng điện mặt trời.
Từ ngày có điện, người dân Thiềng Liềng đã mạnh dạn đầu tư phát triển để trở thành trung tâm hậu cần nghề cá cho các tàu đánh bắt gần bờ. “Cứ 5 đến 7 hộ dồn tiền lại, lập một trạm. Làm ăn nhỏ, nhưng các tàu của ngư dân ghé liên tục nên thu nhập cũng khá” - ông Huỳnh thổ lộ.
Ở Thiềng Liềng bây giờ sướng nhất là học sinh. Các em được ngồi học dưới ánh điện sáng trưng, có quạt chống muỗi, những ngày tháng học bài dưới cây đèn dầu, vừa học vừa đuổi muỗi đã trở thành dĩ vãng. Bên cạnh tivi, Internet cũng đã về đến đảo mang theo bao kiến thức, gắn liền với thế giới bên ngoài, đó chính là con đường đưa Thiềng Liềng đến tương lai tươi sáng hơn.