Thiết bị điện lập lờ nhãn mác: Người tiêu dùng chịu trận

66,8% cơ sở sản xuất, buôn bán và nhập khẩu có hành vi vi phạm nhãn mác là tổng kết của thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ qua tiến hành kiểm tra diện rộng về thiết bị điện, điện tử năm 2011.

Đánh đồng chất lượng

Theo khảo sát một số điểm kinh doanh đồ điện trên thị trường thành phố Hà Nội, có thể thấy hàng Trung Quốc chiếm khá nhiều. Ông Hùng, chủ hộ kinh doanh đồ điện trên phố Hai Bà Trưng cho biết, riêng mặt hàng dây điện đã có tới hàng chục nhãn hiệu, trong đó chủ yếu hàng Trung Quốc, giá cả chênh lệch nhau từ 30% - 50%. Hàng rẻ thì chất lượng kém, ruột dây dẫn điện có thể bằng kim loại phế thải nhiều tạp chất, chứ không phải dây đồng đảm bảo chất lượng.

Hơn 70% các mặt hàng như ổ cắm, công tắc bày bán trên thị trường hiện là hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng. Loại hàng này giá rất rẻ chỉ có 7.000 đồng - 10.000 đồng/cái, trong khi loại đạt chuẩn chất lượng giá từ 40.000 - 70.000 đồng/cái. Đèn compact Trung Quốc giá chưa bằng 50% hàng trong nước nhưng có độ sáng yếu, độ bền kém, thậm chí chỉ sau vài giờ sử dụng đã bị hỏng. Hàng giả chỉ sau một thời gian ngắn sẽ bộc lộ ngay những khuyết điểm như: Đầu tiếp xúc lỏng lẻo; lớp nhựa bảo vệ bên ngoài rạn nứt, rò điện, thậm chí không còn khả năng dẫn điện.

 Theo kỹ sư Nguyễn Hữu Vương, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng công ty Philip Việt Nam, việc các loại ổ cắm, công tắc không đạt chất lượng chuẩn, cũng dẫn đến điện áp bị sụt giảm, làm cho các thiết bị điện như tủ lạnh, máy lạnh... hoạt động liên tục và tiêu tốn nhiều điện năng, giảm tuổi thọ nhanh chóng. Mặt khác, các điểm tiếp xúc không tốt hoặc bị hở sẽ dẫn đến sự cố nẹt điện, phóng điện...

(Ảnh minh họa)

Đừng mua theo cảm tính!

Thực tế rất nhiều người tiêu dùng không có thói quen đọc nhãn mác và hướng dẫn sử dụng khi mua sản phẩm, hoặc không biết nhiều nên không quan tâm. Phần lớn họ lựa chọn sản phẩm theo thói quen, hình thức hoặc cảm tính.

Theo bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), ngay đối với những sản phẩm điện máy, hàng điện tử, nhà sản xuất cũng cố tình lập lờ để gây khó hiểu cho người tiêu dùng, như thương hiệu có tên giống Nhật, nhưng thực chất sản xuất tại Trung Quốc hay hàng đặt gia công từ một nước khác...

Bà Nga cũng cảnh báo người tiêu dùng: “Người tiêu dùng nên tẩy chay các sản phẩm kém chất lượng và có những thông tin không chính xác. Nếu doanh nghiệp không minh bạch với người tiêu dùng trong công bố chất lượng của sản phẩm sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới gây dựng lại lòng tin ở khách hàng.

Tuy nhiên, trước mắt để bảo vệ quyền lợi của chính mình khi tham gia thị trường, người tiêu dùng khi chọn mua bất kỳ sản phẩm nào, cũng cần đọc kỹ nội dung cụ thể ghi trên bao bì để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng”. 

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ: Vi phạm về nhãn hàng hóa được hiểu là trường hợp hàng hóa ghi nội dung không đúng quy định, rách nhãn, mờ; hàng nhập khẩu không có nhãn phụ, nhãn phụ không đầy đủ các nội dung như tên hàng hóa bằng tiếng nước ngoài; thiếu hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất, hàng nhập khẩu, tên hàng hóa bằng tiếng Việt.

Khoản 34, điều 12 Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ quy định hàng hóa đối với sản phẩm điện, điện tử bắt buộc phải thể hiện rõ trên nhãn mác các nội dung sau:

- Định lượng

- Tháng sản xuất

- Thông số kỹ thuật

- Thông tin, cảnh báo an toàn

- Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản

 


  • 19/03/2012 02:36
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 522135


Gửi nhận xét