Nạn cắt trộm cáp điện - Lẽ nào bó tay?

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM liên tiếp xảy ra nhiều vụ cắt trộm cáp điện, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống. Thực tế cho thấy dù có quy chế phối hợp giữa các ngành chức năng để giữ an toàn lưới điện nhưng vẫn còn một lỗ hổng lớn: Xem nhẹ vai trò của người dân và các tổ chức quần chúng trong việc cảnh giới và phát hiện tội phạm.

Tuy gần trung tâm TP nhưng còn thưa thớt dân cư nên quận 2 trở thành địa bàn thuận tiện để đạo chích chuyên cắt trộm cáp điện. Từ năm 2008 đến 2011, bình quân mỗi năm địa bàn này xảy ra 15 - 50 vụ cắt trộm cáp điện, thiệt hại 400-500 triệu đồng/năm. Riêng năm 2011 số vụ tăng đột biến, lên đến 81 vụ, ước thiệt hại khoảng 1,7 tỷ đồng. Liền kề quận 2, quận 9 cũng xảy ra nhiều vụ cắt trộm cáp điện.

Trước đây, ở quận 9 xảy ra khoảng 25-30 vụ cắt trộm cáp điện mỗi năm, nhưng trong năm 2011 đã tăng lên đến 119 vụ, thiệt hại hơn 900 triệu đồng. Hành vi trộm cắp ngày càng lộng hành, từ trộm dây điện kéo vào nhà dân đến việc cắt luôn cáp ngầm, tháo gỡ cầu dao hạ thế, rút ruột máy biến thế, điện kế, tủ phân phối điện...

TPHCM đang phải đầu tư lớn để phát triển và giữ an toàn lưới điện

Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Thủ Thiêm, tổng số tiền thiệt hại do mất trộm cáp và thiết bị điện tại quận 2 và quận 9 trong năm 2011 gần 3 tỷ đồng.

Tại quận 12 và huyện Hóc Môn, Công ty Điện lực Hóc Môn cũng đang đau đầu vì nạn cắt trộm cáp điện, với 500 vụ năm 2010 và lên đến 1.200 vụ năm 2011. Chỉ trong tháng 1/2012 đã xảy ra gần 50 vụ với cả ngàn mét cáp điện bị cắt trộm. Tương tự, tại huyện Bình Chánh, tình trạng cắt trộm dây điện dẫn vào nhà dân cũng rộ lên. Năm 2011 Công ty Điện lực Bình Chánh mất gần 20.000m cáp điện và chỉ trong tháng 1/2012 mất gần 400m cáp điện, tập trung nhiều ở các xã Tân Nhựt, Hưng Long... là những địa bàn giáp ranh với tỉnh Long An.

Được biết, các công ty điện lực đều đã ký kết quy chế phối hợp với công an địa phương để giữ an toàn cho lưới điện và việc làm này ít nhiều phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nạn cắt trộm cáp điện vẫn chưa có chiều hướng giảm bớt, thậm chí bọn trộm còn lộng hành hơn. Những nơi xảy ra nạn cắt trộm cáp điện thường là những khu dân cư mới, ít người qua lại. Nhiều chung cư mới xây dựng, cư dân chưa đến ở nhiều, chủ đầu tư bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý, buộc ngành điện phải trông coi lưới điện dù chưa có khách hàng sử dụng điện.

Ông Ngô Đình Cát, Giám đốc Công ty Điện lực Hóc Môn, cho biết kinh nghiệm quý của Công ty Điện lực Hóc Môn trong việc bảo vệ an toàn lưới điện và tài sản nhà nước là cần phải mời người dân và các tổ chức quần chúng vào cuộc. Sau các vụ bị cắt trộm cáp điện, Công ty rà soát lại toàn bộ lưới điện, bàn bạc với chính quyền địa phương và chọn Thới An làm điểm, phát động người dân và các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ lưới điện, có sơ kết, khen thưởng, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các phường còn lại. Đối với các khu dân cư mới, Công ty đề nghị chỉ tiếp nhận lưới điện từng phần, nơi đã có khách hàng sử dụng điện thì ngành Điện mới nhận quản lý lưới, nơi nào chưa có cư dân, chủ đầu tư phải tự quản lý lưới. Hy vọng đây sẽ là một giải pháp tốt, góp phần ngăn chặn tệ trộm cắp lưới điện. 


  • 24/02/2012 01:58
  • Theo SGGP
  • 521493


Gửi nhận xét