“Bà Hỏa” luôn thường trực
Ghi nhận của PV tại chợ Phùng Khoang (xã Trung Văn, huyện Từ Liêm) phần đông các hộ kinh doanh trong chợ đều không quan tâm đến công tác an toàn trong sử dụng điện và phòng cháy chữa cháy (PCCC). Các chủ cửa hàng luôn tìm cách tận dụng mọi khoảng trống có thể để trưng bày hàng, bất chấp loại hàng hóa nào, thậm chí cả các mặt hàng dễ cháy cũng được xếp đè lên hệ thống cầu dao, dây điện, ổ cắm...
Tại chợ Mơ (chợ tạm trên đường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng), lối vào chợ chật hẹp, quầy hàng kinh doanh san sát, dây điện móc nối chằng chịt như mạng nhện để treo bóng điện. Các bình chữa cháy hiện đang bị các hàng quán bủa vây, thậm chí, còn bị tận dụng làm nơi treo, móc các túi đồ khô.
Hệ thống điện tại các khu chợ tạm ở Hà Nội rất lộn xộn, luôn rình rập hỏa hoạn
|
Luồn lách mãi chúng tôi mới vào được trong chợ Ngã Tư Sở (chân cầu Ngã Tư Sở, quận Đống Đa), hiện chợ có khoảng 800 quầy hàng kinh doanh. Ở đây, nhiều quầy hàng ngang nhiên lắp công tắc, cầu dao điện ngay trên cột tre gỗ, hoặc cột thép bên cạnh tấm rèm bằng tre nứa. Có chủ hàng còn treo quần áo lên cầu dao điện. Khi được hỏi, chị chủ quầy khoát tay: “Mắc quần áo thì bằng nhựa, treo vào dây điện thì làm sao mà chập, cháy được. Tôi bán hàng ở đây hơn chục năm rồi có sao đâu?”.
Dạo quanh một số chợ khác như Trương Định (quận Hoàng Mai), Đồng Xa, Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)… tình trạng cũng không khá hơn là mấy. Thậm chí, ở một số quầy hàng dây điện được mắc sát trần lợp bằng xốp dễ cháy, nếu chỉ chập điện nhẹ là có thể gây cháy bất cứ lúc nào.Theo đánh giá của Sở cảnh sát PCCC TP Hà Nội, toàn thành phố hiện nay có 319 khu chợ. Ngoài ra, có 1.278 ngõ sâu trên 200 mét, với hàng trăm chợ “cóc”, chợ “tạm” các loại. Các khu chợ này đều có nguy cơ cháy nổ rất cao.
Đã cam kết, nhưng…
Người dân Hà Nội, đặc biệt là các hộ kinh doanh chợ Phùng Hưng (phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm) vẫn chưa thể quên được vụ cháy kinh hoàng, đã thiêu trụi toàn bộ hàng hóa và tài sản của hàng chục hộ kinh doanh, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Nguyên nhân chính được xác định, là do chập điện từ một quầy hàng quần áo, sau đó ngọn lửa lan sang các quầy hàng khác.
Từ bài học chợ tạm Phùng Hưng có thể thấy, “bà hỏa” luôn thường trực hỏi thăm các khu chợ bất cứ lúc nào, mà nguyên nhân chính là do chính sự tùy tiện, bất cẩn và thiếu hiểu biết của những người tham gia kinh doanh trong chợ khi sử dụng điện không an toàn.
Như vậy, bên cạnh việc xiết chặt quản lý và kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động để các hộ kinh doanh hiểu được những nguy cơ và tác hại của việc làm ngơ với an toàn điện…
-
Ông Phùng Mạnh Tuấn - Phó Trưởng ban quản lý chợ Mơ cho biết: “Hiện, chợ Mơ có gần 1000 hộ kinh doanh với nhiều nhóm hàng có nguy cơ xảy ra cháy cao. Để đề phòng hỏa hoạn, bên cạnh công tác tuyên truyền trên loa hàng ngày, chúng tôi còn yêu cầu từng hộ ký cam kết phòng chống cháy nổ, cử người thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ; đồng thời, tổ quản lý điện có nhiệm vụ theo dõi sát sao và cắt điện vào cuối ngày”.
-
Ông Nguyễn Đức Hải, Ban quản lý chợ Ngã Tư Sở cũng khẳng định: “Chúng tôi vẫn phải thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh tuân thủ trong công tác PCCC. Những ngày mưa to gió lớn, nhiều khi ban quản lý chợ phải ngắt điện, tránh tình trạng chập điện gây cháy nổ trong chợ”.
-
Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Phòng PCCC, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: “Qua nhiều lần kiểm tra tại các chợ cũ, chợ tạm trên địa bàn thành phố cho thấy, ý thức trong PCCC của các hộ tham gia kinh doanh còn yếu. Lực lượng kiểm tra phòng chống cháy nổ đã nhiều lần kiểm tra nhắc nhở, xử phạt, nhưng hầu như không có chuyển biến. Bên cạnh đó, do diện tích các chợ quá nhỏ, hàng hoá và người nhiều, trong khi trang bị về hệ thống điện tại các chợ này đã xuống cấp trầm trọng, không an toàn, nên mỗi khi chập điện thì nguy cơ cháy nổ cao và rất khó lường”.
|