“Bẫy” điện trên công trường

Việc tự ý kéo, đi đường dây điện để thi công trên những công trường không theo sơ đồ điện là rất nguy hiểm. Những đường điện này có thể trở thành những “bẫy” điện chết người.

Những tai nạn thương tâm

Ngày 12/9/2011, anh  Sùng A Hờ (SN 1975), công nhân thi công tại công trường Huổi Hái, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay, đã bị điện giật chết. Sáng 13/9, kết luận tại khu vực nơi anh Hờ bị chết, đơn vị liên quan đã khẳng định nguyên nhân chết bắt nguồn từ việc công trình không đảm bảo an toàn về điện. Cụ thể, tại khu vực phát hiện thi thể, nhiều thiết bị truyền điện không đảm bảo an toàn, không có sơ đồ đấu điện.

Trước đó, ngày 6/9 tại công trường xây dựng nhà dân ở khu đô thị Văn Phú, phường Phúc La, quận Hà Đông (Hà Nội) cũng đã xảy ra vụ tai nạn điện giật chết người. Nạn nhân Mai Đắc Thành, 17 tuổi, đang đục bê tông ở đáy bể phốt một căn nhà thì bị điện giật dẫn đến tử vong.

Việc tự ý kéo những đường dây để thi công như thế này rất dễ sảy ra những sự cố tai nạn điện cho những công nhân tham gia tại công trường.

Theo Sở Lao động - Thương binh Xã hội TP.HCM. Trong 9 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn thành phố xảy ra 56 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm chết 56 người. So với cùng kỳ năm 2010, số vụ TNLĐ giảm khoảng 27%. Hơn 70% số vụ TNLĐ xảy ra ở lĩnh vực xây dựng. Hai loại tai nạn thường gặp là điện giật và ngã từ trên cao. Nguyên nhân gây tai nạn là do doanh nghiệp sử dụng lao động vi phạm các quy định của pháp luật về BHXH, chính sách lao động, pháp lệnh an toàn vệ sinh lao động; bản thân người lao động chưa có ý thức cảnh giác đề phòng tai nạn, còn lơ là với việc sử dụng trang thiết bị BHLĐ khi làm việc.

Vì sao nên nỗi?

Ghi nhận của chúng tôi, tại một số công trường xây dựng trên địa bàn Hà Nội, trong quá trình thi công hàn, công nhân thường trải dây điện ngay trên mặt sàn, những cuộn dây đã cũ, vỏ cách điện bên ngoài đã bị nứt, nhiều chỗ được nối lại một cách rất sơ sài. Trong lúc hàn, kim loại bị chảy do nhiệt độ cao dưới tác động của dòng điện hoặc hơi cháy làm bắn văng ra xỉ hàn (gọi là tia lửa hàn) có thể gây cháy dây điện dẫn đến tai nạn. Ngoài ra, các vật liệu che chắn, rào lưới ngăn ngừa việc tiếp xúc bất ngờ với bộ phận dẫn điện, dây dẫn điện của các trang thiết bị đều không có.

Trao đổi cùng Thế giới điện, một chủ đầu tư cho biết, những nguyên nhân dẫn đến tai nạn điện trên những công trường thường là do bất cẩn, người lao động không tuân thủ nghiêm túc các quy trình đóng cắt điện. Đóng hoặc cắt điện mà không kiểm tra kỹ những mối liên quan đến mạch điện, đóng điện khi có bộ phận đang thao tác trong mạng điện mà không thông báo trước. Ngắt điện đột ngột làm người thi công không chuẩn bị trước phương pháp đề phòng tai nạn cũng như các thao tác sản xuất thích hợp. Ngoài ra, người lao động chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật an toàn, thiếu hoặc không sử dụng đúng các dụng cụ bảo hộ lao động như: Ủng, găng tay cách điện, thảm cao su, giá cách điện.

Nguyên nhân chính tiếp theo là đơn vị thi công hoặc chủ đầu tư không thực hiện nghiêm các quy định về xây dựng và an toàn lao động chỉ vì… ẩu hoặc tiết kiệm chi phí. Thiếu các thiết bị và cầu chì bảo vệ hoặc có thiết bị nhưng không đáp ứng nhu cầu, thiết bị điện sử dụng không phù hợp với điều kiện sản xuất, hệ thống điện và các hệ thống đảm bảo an toàn hoạt động thiếu đồng bộ… Người lao động cũng không được huấn luyện đầy đủ về an toàn điện.

Ông Phạm Văn Hiệp – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng KHCN (Đại học Điện lực) cho biết, tai nạn do điện có thể xảy ra trên công trường thường là do: Da người bị tiếp xúc trực tiếp với dây dẫn hoặc thiết bị đang mang điện, tiếp xúc trực tiếp với kim loại của thiết bị điện có cách điện nhưng phần cách điện bị hư hỏng… Đặc thù mạng điện thi công ở các công trường là có rất nhiều tổ và nhánh thi công khác nhau lấy cùng một nguồn điện để thi công.

Đa số những dây điện ở các công trường hiện nay đều là loại dây điện bình thường, điều này rất khó đảm bảo được những yếu tố an toàn điện trong điều kiện rất khắc nghiệt ở công trường. Ngoài ra, việc phải di chuyển thường xuyên, liên tục các dây dẫn và thiết bị điện trên công trường dẫn đến hiện tượng dây dẫn điện vỡ vỏ cách điện gây hở điện, chạm chập, cháy, nguy hiểm đến tính mạng người lao động.

Lưu ý tránh “bẫy” điện trên công trường:

Phải có những tủ điện cho từng nhánh thi công.

Các hệ thống tủ điện đều phải có hệ thống tiếp đất tốt, phải được chế tạo đặc biệt với các thiết bị phát hiện rò điện, chống rò điện để tự ngắt khi có sự cố.

Ở tất cả các thiết bị điện troên công trường, ngoài dây trung tính, vẫn phải có dây tiếp địa.

Dây điện sử dụng thi công ở công trường, phải được dùng bằng những dây có vỏ chống được cháy, vỏ co kéo được, chịu được sự di chuyển liên tục.

 

      Chuyên gia tư vấn: Ông Phạm Văn Hiệp – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng KHCN (Đại học Điện lực)

 


  • 09/12/2011 01:04
  • Theo TCDL chuyên đề Thế giới điện
  • 522864


Gửi nhận xét