Thiếu vốn làm chậm tiến độ của các dự án điện

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Triển khai quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 - Những vấn đề cần tháo gỡ” sáng ngày 28/6/2012 tại Cổng thông tin Điện tử Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đều cho biết: Thiếu vốn là nguyên nhân đầu tiên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án điện trong các Quy hoạch điện.

Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, qua thực tế thực hiện các Quy hoạch điện, khó khăn về vốn luôn là khó khăn hiện hữu và là khó khăn lớn nhất. Khó khăn này không thể giải quyết được một sớm một chiều và chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới tiến độ của các dự án.

Tham gia buổi tọa đàm, Phó Tổng giám đốc EVN Dương Quang Thành thông tin thêm, giai đoạn 2011-2015, EVN có nhu cầu đầu tư hơn 500.000 tỷ đồng, EVN đã thu xếp được hơn 315.000 tỷ đồng (đạt 62-63%). Còn thiếu khoảng hơn 180.000 tỷ đồng. Chủ yếu, thiếu vốn cho các công trình chuẩn bị khởi công như Dự án Mỹ Tân 4 mà EVN đang lập thủ tục đầu tư để sau này thu xếp vốn; hay như các nhà máy như Duyên Hải 3 mở rộng, Ô Môn 3, 4, do đang đàm phán vay vốn các tổ chức quốc tế như ADB, JICA. Dù đã đặc biệt cố gắng, nhưng trong bối cảnh khó khăn về thu xếp vốn, khoản thiếu còn thiếu tương đối lớn, chỉ riêng một loạt các công trình trọng điểm về cung cấp điện cho miền Nam còn thiếu hơn 8.900 tỷ đồng.

Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính Phan Ngọc Quang chỉ rõ, nguồn vốn huy động cho các dự án điện thường rất lớn. Trong khi đó, các nhà cung cấp tài chính trong nước rất khó đáp ứng nguồn vốn này, việc thu xếp vốn từ các nhà cung cấp nước ngoài cũng cần điều kiện và thời gian nhất định. Bản thân cân đối vốn ban đầu của EVN cũng chỉ đạt 60, 65%, riêng TKV vừa phải thực hiện công việc của ngành than, vừa phải tham gia sản xuất điện nên nguồn vốn chủ sở hữu cũng không phải dồi dào…

Về các giải pháp cho vấn đề này, theo Phó Vụ trưởng Quang, về ngắn hạn, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy hoạch điện có thể họp định kỳ hoặc đột xuất, thường tập trung tháo gỡ khó khăn của các dự án, trong đó có vốn, giải quyết bằng nhiều cách như đề xuất các ngân hàng cho vay, Nhà nước bảo lãnh, cho phép một số nhà đầu tư được vay ưu đãi.v.v.. Về dài hạn, cần tiếp tục thực hiện lộ trình tái cơ cấu, tăng giá điện để hấp dẫn nhà đầu tư, tiếp tục thực hiện lộ trình thị trường điện.

Được biết, trong Quy hoạch điện VII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, EVN được giao thực hiện các nhiệm vụ gồm: Đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện theo đúng tiến độ; nhập khẩu điện, cung cấp, truyền tải, phân phối điện…; lập quy hoạch các trung tâm điện lực để Bộ Công Thương phê duyệt; xây dựng cơ sở hạ tầng điện lực để kêu gọi các nhà đầu tư; giảm tổn thất điện năng, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh; giao Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia đầu tư các công trình lưới điện truyền tải, đáp ứng đồng bộ với phát triển nguồn điện.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII):

- Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu: Tới năm 2015, đạt khoảng 194-210 tỷ kWh; năm 2020 đạt khoảng 330-362 tỷ kWh; năm 2030 đạt 695-834 tỷ kWh

- Đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 9.200 MW hiện nay lên 17.400 MW vào năm 2020

- Phấn đấu đến năm 2030 nguồn điện hạt nhân có công suất 10.700 MW, sản xuất khoảng 70,5 tỷ kWh (chiếm 10,1% sản lượng điện sản xuất)

- Tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) từ mức 3,5% (năm 2010) lên 4,5% (năm 2020) và 6% (năm 2030)

- Mục tiêu đến năm 2015 có 100% số xã và 98,6% số hộ nông thôn có điện; đến 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện

- Tổng vốn đầu tư cho toàn ngành Điện đến năm 2020 khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng (tương đương với 48,8 tỷ USD). Giai đoạn 2011 - 2030, nhu cầu đầu tư khoảng 2.359 nghìn tỷ đồng (tương đương 123,8 tỷ USD).

 


  • 28/06/2012 12:35
  • PV
  • 2992


Gửi nhận xét