Thủy điện xả nước cho sản xuất nông nghiệp miền Trung, Tây Nguyên

Tại Ninh Thuận, Tổng cục Thủy lợi vừa tổ chức hội nghị sơ kết công tác cấp nước gieo sạ và phục vụ tưới dưỡng vụ hè thu 2013, nhằm đánh giá việc phối hợp điều tiết nước của thuỷ điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Đủ nước vụ hè thu

Ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, đến thời điểm hiện tại dung tích thực tế so với thiết kế của các hồ thủy lợi ở Nam Trung bộ đạt 45%; Tây Nguyên 49%. Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài, trong khi lượng mưa chưa lớn, nên một số hồ bị cạn kiệt, ảnh hưởng đến cấp nước tưới vụ hè thu (HT).

Nhiều vùng hạn hán nặng nề, song nhờ nguồn nước thủy điện nên nông dân gieo sạ đúng tiến độ - Ảnh: CTV

Ngay từ đầu vụ HT, Tổng cục Thủy lợi đã có công văn yêu cầu các NM thủy điện khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên xả nước phục vụ sản xuất. Theo đó, từ tháng 4 đến tháng 5 các hồ thủy điện A Vương, Đắk Mi 4, sông Ba Hạ, sông Hinh, Đa Nhim, Hàm Thuận - Đa Mi, Đại Ninh, Buôn Tua Shara đã tiến hành xả nước theo từng đợt gieo sạ. Tính đến ngày 15/6, việc xả nước đã kết thúc, tất cả các tỉnh đều đủ nước gieo sạ hết diện tích.

Ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tại Nam Trung bộ, theo yêu cầu của Tổng cục Thủy lợi, EVN đã điều tiết nước qua phát điện hồ chứa A Vương và Đắk Mi 4 phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất vụ HT lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Trong thời gian từ 15 - 30/5, lưu lượng xả qua hồ A Vương là 39 m3/s, hồ Đắk Mi 4 là 50 m3/s.

Theo yêu cầu của Sở Nông nghiệp-PTNT Quảng Nam về việc xả nước qua phát điện các hồ thủy điện trên sông Vu Gia - Thu Bồn phục vụ sản xuất, từ ngày 6/6 - 31/8 EVN đã có chế độ vận hành tại Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 lưu lượng qua phát điện 50 m3/s, mỗi ngày vận hành từ 18 - 20 giờ. Chế độ luân phiên 5 ngày vận hành, 5 ngày nghỉ. Còn tại NM thủy điện A Vương lưu lượng xả qua phát điện 39 m3/s, mỗi ngày vận hành 18 - 20h. Chế độ luân phiên 6 ngày vận hành, 4 ngày nghỉ.

- Hồ Hòa Trung (Đà Nẵng) 1,8/10,3 triệu m3;

- Hồ Vĩnh Trinh (Quảng Nam) 7,62/20,3 triệu m3;

- Hồ Liệt Sơn (Quảng Ngãi) 6,46/28,7 triệu m3;

- Hồ Núi Một (Bình Định) 22,5/111,5 triệu m3;

- Hồ Suối Hành (Khánh Hòa) 1,48/7,9 triệu m3;

- Hồ Sông Trâu (Ninh Thuận) 2,25/31,35 triệu m3;

- Hồ Lòng Sông (Bình Thuận) 12,6/37,23 triệu m3...

Liên quan đến các nhà máy thủy điện xả nước phục vụ sản xuất, ông Khu cho rằng: EVN đã đáp ứng yêu cầu của Bộ Nông nghiệp PTNT và các tỉnh, thành. Tại hồ chứa Buôn Tua Srah, trong tháng 4, EVN phát điện vận hành 1 tổ máy từ 6 - 18h hàng ngày. Tại hồ chứa Đa Nhim từ ngày 15/5 - 15/6 lượng xả từ 17 - 18 m3/s. Còn tại Thủy điện Ba Hạ và Sông Hinh từ 15/5 - 5/6 lượng xả ở mỗi hồ 40 m3/s.

Ngoài ra, theo yêu cầu của UBND tỉnh Phú Yên về kế hoạch sử dụng nước phục vụ sản xuất vụ HT, từ ngày 7/6 - 10/7, tổng lượng xả của sông Ba Hạ và sông Hinh tối thiểu 40 m3/s; từ 11 - 18/7 lượng xả trên 2 hồ này tối thiểu 35 m3/s và từ 19/7 - 10/9 tổng lượng xả tối thiểu sẽ 40 m3/s...

Chưa đảm bảo

Chi cục Thủy lợi TP Đà Nẵng kiến nghị, EVN cần xả nước nhiều hơn nữa. Thực tế, lưu lượng nước trên sông Vu Gia - Thu Bồn phục vụ đã đạt yêu cầu. Song việc cấp nước cho sinh hoạt rất khó khăn. Cụ thể là thủy điện phải xả nước với lưu lượng lớn hơn, bổ sung nguồn nước cho dòng Vu Gia để Nhà máy nước Cầu Đỏ đủ nguồn cung cấp cho TP Đà Nẵng. Thực tế từ đầu năm đến nay Nhà máy này chỉ có 14 ngày có nguồn nước ngọt, còn lại phải bơm từ đập An Trạch tốn nhiều kinh phí.

Còn ông Trương Xuân Tý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho hay: Việc thủy điện xả nước đổ ải vụ HT đã đảm bảo yêu cầu sản xuất. Tuy nhiên, nguồn nước chưa đảm bảo, hiện lưu lượng nước trên sông Vu Gia rất ngắn và thấp. Khi Thủy điện A Vương xả nước theo yêu cầu thì phía dưới có 2 Nhà máy thủy điện Sông Bung 5 và Sông Bung 6 tích nước lại, sau đó mới phát điện. Do vậy mực nước cao ở Vu Gia không được duy trì và kéo dài, làm các trạm bơm bất lợi, không phát huy được tối đa công suất.

“Quảng Nam mong EVN có cách nào để Nhà máy thủy điện Sông Bung 5 và 6 phát điện xả nước đúng như A Vương xả xuống để nâng cao mực nước sông Vu Gia”, ông Tý kiến nghị.

Chi cục Thủy lợi Phú Yên cho biết, trong giai đoạn gieo sạ các nhà máy thủy điện thực hiện tốt, mỗi đợt từ 4 - 6 giờ/ngày. Với lượng này đủ cung cấp gieo sạ nhưng cây lúa ở thời kỳ sinh trưởng làm đòng cần thêm nhiều nước. Do đó thủy điện Ba Hạ và Sông Hinh phải xả nước thêm, mỗi ngày xả 2 đợt, mỗi đợt từ 4 - 6h.

Ông Vũ Xuân Khu khẳng định: EVN luôn bám sát yêu cầu, chỉ đạo sát sao trong tất cả các khâu từ lập kế hoạch đến vận hành thời gian thực để đáp ứng đầy đủ nhu cầu cấp nước hạ du từ các hồ thủy điện. Đã chuẩn bị các đợt cao điểm về nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Về kiến nghị của tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, EVN đã và đang chỉ đạo điều hành, xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đánh giá: Đây là năm đầu tiên Tổng cục Thủy lợi và EVN phối hợp điều tiết nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đã đem lại hiệu quả cao trong vụ Đông Xuân và gieo sạ vụ HT. Trong thời gian tới, 2 bên sẽ khắc phục những hạn chế mà các tỉnh đã nêu. Tổng cục Thủy lợi sẽ bám sát nhu cầu nước sản xuất, sinh hoạt của các địa phương để phối hợp với EVN đem lại hiệu quả tốt nhất.

+ Ông Phạm Văn Thi, đại diện Cục Trồng trọt: 2013 là một năm điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên ảnh hưởng rất nặng nề do đợt hạn hán kéo dài. Song các tỉnh đã làm tốt công tác thủy lợi, đem lại năng suất vụ ĐX cao nhất từ trước đến nay.

+ Bộ NN-PTNT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí chống hạn. Hiện, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Mức đề xuất hỗ trợ kinh phí chống hạn các tỉnh Nam Trung bộ gồm Đà Nẵng 5 tỷ đồng, Quảng Nam 15 tỷ, Quãng Ngãi 15 tỷ, Bình Định 20 tỷ, Phú Yên 10 tỷ, Ninh Thuận 15 tỷ, Bình Thuận 15 tỷ.

 


  • 04/07/2013 04:23
  • Theo Nông nghiệp Việt Nam
  • 2839


Gửi nhận xét