Tích cực chuẩn bị lộ trình

Với vai trò phân phối và kinh doanh điện năng của khu vực miền Trung, EVN CPC đang triển khai 4 hợp phần của lưới điện thông minh (LĐTM).

Theo đó, Hợp phần thứ nhất là hiện đại hóa hệ thống đo đếm phục vụ kinh doanh điện năng. CPC sẽ tập trung vào công tác thay thế công tơ điện cơ kiểu cảm ứng bằng công tơ điện tử và các hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa. Hiện nay CPC đã lắp đặt trên lưới khoảng 250.000 công tơ điện tử 1 pha và 3 pha.

Từ nay đến năm 2017 sẽ thay thế bằng toàn bộ công tơ điện tử 1 pha đọc từ xa bằng sóng RF khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, khu vực đông dân cư; đến năm 2022 thì hoàn thành toàn bộ khu vực nông thôn. Riêng khách hàng 3 pha sẽ hoàn thành trong năm 2013. Ngoài ra CPC cũng sẽ thực hiện đọc dữ liệu công tơ từ xa qua modem GPRS đối với các khách hàng 3 pha, ưu tiên trước với khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn và cho công tơ tổng trạm biến áp (TBA) công cộng tại các khu vực đã lắp công tơ điện tử RF.

Lắp đặt hệ thống đo đếm điện năng

Hợp phần thứ hai là tự động hóa lưới điện phân phối, gồm 2 phần: Phần tự động hóa lưới điện 110kV (xây dựng mới và cải tạo các TBA 110kV thành bán người trực, tiến đến không người trực và xây dựng Trung tâm giám sát điều khiển từ xa).

Đến nay đã có 9 trạm 110 kV được xây dựng hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính. Đây là hợp phần yêu cầu vốn đầu tư rất lớn nên EVNCPC đang phấn đấu hoàn thành vào khoảng năm 2022. Phần tự động hóa lưới điện trung áp (xây dựng các hệ thống SCADA/DMS tại các công ty điện lực và cải tạo, thay thế các thiết bị trên lưới để có thể giám sát, điều khiển từ xa). Các năm qua, CPC đã xây dựng đưa vào vận hành 4 hệ thống SCADA/DMS tại các thành phố Huế, Đà nẵng, Quy Nhơn và Buôn Ma Thuột. Hiện đang tiếp tục triển khai tại Tam Kỳ (Quảng Nam) và Pleiku (Gia Lai).

Đặc biệt, khách hàng có thể tham gia vào quá trình sản xuất và tiêu thụ điện thông qua việc tự đầu tư các nguồn năng lượng tái tạo và trao đổi với hệ thống.

Hợp phần thứ ba là hệ thống viễn thông chuyên ngành để kết nối từ  CPC đến tất cả các đơn vị điện lực, các TBA và các nhà máy điện tại 13 tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên. Trước mắt sẽ đầu tư bổ sung các tuyến cáp quang OPGW còn thiếu và bổ sung thiết bị truyền dẫn, đảm bảo đến năm 2013 kết nối đến các công ty điện lực và đến năm 2015 hoàn thiện kết nối đến các điện lực và các TBA 110kV.

Hợp phần thứ tư là xây dựng hệ thống công nghệ thông tin có tính bảo mật cao và có dự phòng, bao gồm trung tâm dữ liệu - Data Center và phát triển các phần mềm ứng dụng. Về phần mềm thì ngoài việc phục vụ các hợp phần 1 và 2 ở trên, sẽ phát triển các phần mềm phục vụ khách hàng điện, tạo kênh thông tin giao tiếp 2 chiều giữa đơn vị điện lực và khách hàng, tạo thêm nhiều tiện ích, đặc biệt các dịch vụ hỗ trợ khách hàng trên web.

Khi được trang bị cơ sở hạ tầng đo đếm tiên tiến AMI, khách hàng dễ dàng tra cứu thông tin về việc sử dụng điện của mình để điều chỉnh hành vi sử dụng điện vào giờ thấp điểm để giảm chi phí, khách hàng được cung cấp các dịch vụ online trên môi trường Internet và nhiều tiện ích khác. Nói cách khác, khách hàng có thể kiểm soát gần như toàn bộ quá trình sử dụng điện của mình và tiến đến có thể tham gia mua bán điện cạnh tranh trên thị trường bán buôn và bán lẻ.


  • 04/06/2013 01:55
  • Theo Báo Công Thương online
  • 2956


Gửi nhận xét