Tiết kiệm - Giải pháp quan trọng để bảo đảm điện mùa khô

Tính đến hết quý I/2024, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, nhu cầu tiêu thụ điện đã có sự tăng trưởng đột biến, lên đến 11,84% so với cùng kỳ và cao hơn so với dự kiến. Do đó, việc tiết kiệm điện (TKĐ) trong giai đoạn hiện nay được xem như là biện pháp quan trọng nhất để bảo đảm điện trong mùa khô 2024.

Tại Hội nghị “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2024” (được Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/4/2024), ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, đã có nhiều giai đoạn và thời điểm Việt Nam đối mặt với tình huống mất cân bằng cung - cầu điện.

“Gần đây nhất là thực trạng thiếu điện nghiêm trọng xảy ra tại miền Bắc trong các tháng 5 - 6/2023 khiến tất cả chúng ta đều phải ý thức và nhận thức sâu sắc hơn nữa về tầm quan trọng và vai trò trụ cột của việc bảo đảm an ninh cung cấp điện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - ông Hữu nói. Để không xảy ra tình trạng thiếu điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo và điều hành liên quan đến việc bảo đảm cung ứng điện.

Tuy nhiên, ông Hữu nhấn mạnh, bên cạnh những nỗ lực của ngành Điện và thực hiện đồng bộ các giải pháp TKĐ trên phạm vi cả nước thì một giải pháp hiệu quả khác rất thiết thực trong những tình huống thiếu điện hoặc mất cân bằng cung - cầu hệ thống điện quốc gia đó là thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR).

Tiềm năng tiết kiệm điện ở doanh nghiệp còn lớn

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, năm 2023, vào các thời gian cao điểm và căng thẳng cung cấp điện, với sự tham gia tự nguyện của hơn 38.000 lượt khách hàng sử dụng điện, đã có thời điểm tổng công suất điều chỉnh giảm được của khách hàng chủ động tham gia chương trình DR là gần 500MW, góp phần đáng kể trong việc giảm áp lực mất cân bằng cung - cầu hệ thống điện cũng như giảm tình trạng phải thực hiện ngừng cung cấp điện do hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện.

Đáng chú ý, theo ông Hữu, thực tiễn kinh nghiệm quốc tế cho thấy, lợi ích cơ bản của các chương trình DR là chi phí để thay đổi, điều chỉnh giảm hoặc tiết kiệm 01MW công suất phụ tải điện vào giờ cao điểm sẽ rẻ hơn chi phí để cung cấp thêm 01MW công suất nguồn điện (thông qua việc xây dựng thêm nhà máy điện mới hoặc huy động các nguồn điện giá cao cùng hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện). Do đó, việc đồng hành của doanh nghiệp trong chương trình DR rất quan trọng và cần thiết trong giai đoạn Việt Nam đang thiếu nguồn điện hiện nay.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cũng khẳng định, với bối cảnh mới hiện nay và tương lai, khi nhiên liệu hóa thạch ngày càng khan hiếm, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển ngành Điện lại rất lớn. Trong khi đó, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội vẫn ở mức cao thì việc bảo đảm cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng cực đoan xếp chồng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 và tái khẳng định cam kết tại các Hội nghị COP 27 và COP 28 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. Do đó, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bảo đảm an ninh cung cấp điện, ngoài các kế hoạch, chiến lược và công việc quan trọng đang được Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đồng bộ triển khai, thì việc TKĐ vẫn đang được coi là biện pháp quan trọng nhất.

“Bộ Công Thương tiếp tục nhấn mạnh TKĐ và tiết kiệm năng lượng là các giải pháp quan trọng, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn giúp giảm áp lực trong việc khai thác và cung ứng năng lượng cũng như góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường” - ông Vũ nói, đồng thời cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo phải “đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc, thực chất và có hiệu quả Chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chương trình quản lý nhu cầu điện”.

Theo khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) của Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp - lĩnh vực chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia, tiềm năng TKNL có thể đạt 20 - 30%. Hiện nay, cả nước có trên 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, với tổng mức tiêu thụ điện trên 80 tỷ kWh/năm. Nếu chỉ tính riêng các doanh nghiệp sử dụng trọng điểm cùng chung tay thực hiện tiết kiệm ít nhất 2% lượng điện tiêu thụ/năm thì trung bình Việt Nam sẽ tiết kiệm khoảng 1,6 tỷ kWh/năm, tương đương tiết kiệm hơn 3.200 tỷ đồng tiền điện; và nếu tất cả hơn 30 triệu khách hàng sử dụng điện cùng thực hành TKĐ thì hiệu quả đem lại là rất lớn.

Link gốc


  • 11/04/2024 09:59
  • Theo baophapluat.vn
  • 3493