Ông Đỗ Nguyên Hưng
|
Phóng viên (PV): Thưa ông, ông đánh giá thế nào về thực trạng sử dụng năng lượng ở Việt Nam hiện nay?
Ông Đỗ Nguyên Hưng: Hiện vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp sử dụng thiết bị lạc hậu, hiệu suất thấp, đặc biệt là các ngành: Than, Xi măng, Thép... Bên cạnh đó, ý thức tiết kiệm điện của người dân cũng chưa cao.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, năm 2014, hệ số đàn hồi điện/GDP là 2,03. Nếu so sánh con số này với các nước trong khu vực (bình quân 1,6) sẽ thấy việc sử dụng điện ở Việt Nam còn lãng phí. Nếu mỗi năm chúng ta dự kiến tăng GDP 6% thì sản lượng điện phải tăng hơn 12% kéo theo nhu cầu đầu tư lớn, rất khó khăn về nguồn và lưới điện. Do đó, tiết kiệm năng lượng (TKNL) là yêu cầu tất yếu nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
PV: Trước thực trạng lãng phí điện năng, các thiết bị, dịch vụ quản lý điện năng được xem là một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc TKNL hiệu quả. Theo ông, việc cung cấp thiết bị, dịch vụ quản lý điện năng tại Việt Nam hiện đã đáp ứng được nhu cầu của khách hàng?
Ông Đỗ Nguyên Hưng: Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý năng lượng hàng đầu thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các công ty trong nước cũng đã tiếp cận được công nghệ và đủ khả năng tích hợp, cung cấp các dịch vụ, phần mềm quản lý năng lượng.
Có thể nói, thị trường các thiết bị, giải pháp quản lý năng lượng đang rất cạnh tranh và sôi động; trong đó, nhiều giải pháp có thể phát triển mạnh như: Hệ thống giám sát năng lượng, phần mềm quản lý năng lượng, hệ thống phát điện dùng nhiệt thừa, hệ thống quản lý tòa nhà thông minh, dịch vụ kiểm toán năng lượng...
PV: Nguồn cung sôi động như vậy, nhưng khách hàng đã đón nhận và ứng dụng chưa, thưa ông?
Ông Đỗ Nguyên Hưng: Những năm qua, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, có nhiều quyết sách về TKNL. Tuy nhiên, do việc giám sát, sự phối hợp giữa cơ quan trung ương và địa phương chưa được tốt; các biện pháp xử phạt chưa đủ tính răn đe và thiếu đồng bộ; cơ chế hỗ trợ chưa hấp dẫn... nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư các giải pháp TKNL. Vẫn còn doanh nghiệp tiến hành TKNL theo hình thức để đối phó với các cơ quan chức năng. Ví dụ, có doanh nghiệp chỉ kiểm toán năng lượng (3 năm/lần) theo đúng quy định trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thôi.
Ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm của người dân và chủ doanh nghiệp còn hạn chế; còn thiếu thông tin về thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, thiếu nghiệp vụ trong đánh giá và theo dõi dự án TKNL.
Đáng nói, giá điện trong nước còn thấp cũng không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các hệ thống/thiết bị quản lý điện năng.
PV: Theo ông, vốn có phải là vấn đề quan trọng nhất khiến các doanh nghiệp không mặn mà với các thiết bị, dịch vụ quản lý năng lượng?
Ông Đỗ Nguyên Hưng: Vốn luôn là vấn đề cần phải giải quyết khi đầu tư các thiết bị, hệ thống giám sát, quản lý năng lượng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất chính là nhận thức của doanh nghiệp.
TKNL đồng nghĩa với việc giảm sự lãng phí, làm tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ở mức độ nào đó, doanh nghiệp nên xem các dự án TKNL cũng như các dự án đầu tư kinh doanh khác, với thời gian thu hồi vốn từ 2-3 năm. Đầu tư vốn cho một ý tưởng kinh doanh mới chưa chắc đã thành công nhưng đầu tư cho dự án tiết kiệm điện có thể tính khá chính xác thời gian thu hồi vốn...
Người dân ngày càng chú trọng đến các sản phẩm tiết kiệm điện - Ảnh: Ngọc Tuấn
|
PV: Vậy ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp khi sử dụng điện?
Ông Đỗ Nguyên Hưng: Tiết kiệm điện không đơn giản chỉ là thay bóng đèn tiết kiệm điện, động cơ hiệu suất cao... mà là tổng hợp những biện pháp lâu dài, từ việc chuyển đổi hành vi cho đến việc giám sát lượng điện năng tiêu thụ, các giải pháp công nghệ...
Tiết kiệm điện phải được tiến hành song song với việc phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các giải pháp phần mềm giám sát quản lý điện năng, tự động hóa quá trình sản xuất là yếu tố vô cùng quan trọng, giúp các doanh nghiệp đạt được mục tiêu về TKNL.
PV: Xin cảm ơn ông!