Đau đầu” bài toán vốn
Nếu như giai đoạn 2008 - 2011, EVN liên tiếp bị lỗ do điều kiện thủy văn không thuận lợi, giá điện thấp, trả nợ tăng cao... thì tình hình này đã được cải thiện đáng kể từ năm 2012. Theo kết quả nghiên cứu của Công ty tư vấn Mercados, dự báo giai đoạn 2014 – 2020, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trên 10%, trong khi đó mức độ tăng trưởng GDP hàng năm dao động từ 5 – 7%.
Để đáp ứng nhu cầu phụ tải và đảm bảo chất lượng cung cấp điện, tổng số vốn cần phải đầu tư khoảng 53 tỷ USD. Trong đó, EVN đầu tư 28 tỷ USD trong 7 năm, còn lại là nguồn vốn từ khu vực tư nhân. Ông David Parish – chuyên gia tài chính của Mercados khẳng định: “Nếu tiếp tục duy trì tình hình tài chính như hiện nay, EVN không thể huy động đủ vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư. Bên cạnh đó, việc kêu gọi đầu tư mới trong lĩnh vực phát điện từ khu vực tư nhân, với tổng nguồn vốn khoảng 25 tỷ USD cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, khu vực tư nhân hiện nay đã cẩn trọng hơn rất nhiều trong việc tính toán giữa chi phí đầu tư và giá bán điện”.
Phân tích mức độ ảnh hưởng trong trường hợp giá nhiên liệu tăng 50% và đồng nội tệ mất giá 10% trong năm 2016 – 2017 cho thấy, nếu tăng giá điện 5%, thậm chí là 10% sẽ không ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người tiêu dùng. Tỷ lệ tiền điện trên tổng chi phí sinh hoạt vẫn duy trì ở mức dưới 5% ngay cả với nhóm khách hàng thu nhập thấp. Bên cạnh đó, việc Chính phủ tiếp tục duy trì mức hỗ trợ tiền điện với các hộ gia đình chính sách xã hội như hiện nay sẽ không tạo áp lực cho người nghèo khi giá điện tăng. Đối với lạm phát, nếu tăng giá điện trong 3 năm thì sẽ tăng mức lạm phát khoảng 1%/năm. Ngược lại, nếu không tăng giá điện Nhà nước sẽ phải tăng mức trợ giá cho ngành Điện, từ đó dẫn tới thâm hụt ngân sách. Đây là vấn đề mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế đặc biệt lưu tâm với Việt Nam. Ông David Parish cho hay: “Kết quả về khả năng chi trả tiền điện ở Việt Nam đã được nghiên cứu kỹ hơn nhiều so với tất cả các quốc gia trên thế giới mà Mercados đã thực hiện”.
Lễ ký kết hợp đồng EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng - Ảnh Vũ Lam
|
Bên cạnh đó, điều kiện thủy văn cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả tài chính của EVN. Nghiên cứu trong năm 2011 - 2012 cho thấy, điều kiện thủy văn thuận lợi đã góp phần cải thiện tình hình tài chính của EVN trong năm 2012, tiết kiệm chi phí vận hành khoảng 15,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2011 (tăng 10,3% doanh thu năm 2012). Tuy nhiên, điều kiện thủy văn là vấn đề EVN không kiểm soát được. “Vì vậy, cần có cơ chế quản lý rủi ro để đảm bảo được tình hình tài chính của EVN trong những năm ít mưa”, ông David Parish khuyến cáo.
Cần giải pháp chiến lược, đồng bộ
Trên cơ sở phân tích các thách thức, tư vấn Mercados đã đưa ra khuyến nghị trong ngắn hạn (dưới 1 năm), EVN cần đàm phán với ngân hàng trong và ngoài nước để có các khoản vay dài hạn, đồng thời cho vay lại bằng đồng nội tệ các khoản vay nước ngoài. Trong trung hạn (1 - 3 năm), EVN phải đẩy mạnh vai trò nguồn vay nội tệ, chuyển các khoản nợ ngắn hạn thành dài hạn bằng cách phát hành trái phiếu VNĐ. Đối với kế hoạch dài hạn (trên 3 năm), hạn chế rủi ro ngoại hối trên thị trường vốn trong nước. Riêng đối với giá điện cần phải xây dựng mức giá phản ánh đúng chi phí.
Theo ông Nguyễn Văn Lê – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3): Mỗi lần tăng giá điện, EVN đều vấp phải phản ứng rất quyết liệt của xã hội. Tuy nhiên, nếu giá không theo kịp thị trường thì các Genco không thể tiếp tục đầu tư và cũng không đủ điện đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đặc biệt sau năm 2017, khi các Genco đã hoàn thành cổ phần hóa, yêu cầu mỗi năm các tổng công ty phát điện phải đầu tư khoảng 1.200 MW. Với số lãi khoảng 120 tỷ đồng/năm, nếu không có sự bảo lãnh của Chính phủ, các Genco không thể huy động đủ nguồn vốn để đầu tư. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ tiếp tục bảo lãnh đối với các dự án điện trong một giai đoạn nhất định.
Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cho rằng, cần thiết phải xây dựng một nền kinh tế vĩ mô vững chắc, kiềm chế lạm phát tại Việt Nam. Đồng thời, tại một số quốc gia như Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan đã xây dựng thị trường hoán đổi tiền tệ nhiều năm nay. Vì vậy, Việt Nam cũng nên xem xét phát triển thị trường này để EVN có thể được hưởng lợi từ cơ chế phòng ngừa rủi ro. Dự kiến từ năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than, trong đó có than cho sản xuất điện. Vì vậy, ngoài việc quản lý rủi ro về thủy văn, Việt Nam cần phải thực hiện cơ chế quản lý và phòng ngừa rủi ro liên quan tới việc biến động giá than nhập khẩu.
Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:
Hoàn thành nghiên cứu này mới chỉ là bước khởi đầu trong quá trình hoàn thiện và nâng cao năng lực tài chính của EVN. Hy vọng các tổ chức và đối tác tài chính khác tiếp tục hỗ trợ Chính phủ VN và EVN trong việc nâng cao năng lực tài chính của EVN. WB sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ để Tập đoàn Điện lực Việt Nam có thể xây dựng thêm nhiều nhà máy phát điện và nâng cao năng lực của hệ thống truyền tải điện trong thời gian tới.
Ông Joel Maweni - Trưởng nhóm công tác của WB:
EVN cần tăng độ tín nhiệm trên thị trường bằng cách nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng mọi thay đổi trong thực tế vận hành. Bên cạnh đó, cần:
• Bộ Công Thương rà soát, cải thiện các quy trình hiện tại và thời gian xử lý các khoản đầu tư tư nhân;
• Bộ Tài chính hỗ trợ tái cơ cấu và quản lý nợ của EVN, cải thiện các cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tư nhân tham gia vào hoạt động Điện lực;
• Cục Điều tiết Điện lực xây dựng biểu mẫu và hợp đồng mua bán điện với các điều kiện và điều khoản đáp ứng thị trường.
|